Vỡ tiến độ
Trong Công văn số 538/UBND-KT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn thừa nhận, đến thời điểm này, Dự án thành phần 2 Xây dựng đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án BOT đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) chắc chắn không thể hoàn thành trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lý do được UBND tỉnh Lạng Sơn đưa ra là những khó khăn trong việc thu xếp vốn tín dụng cũng như chưa nhận được khoản hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho công trình.
Cần phải nói thêm rằng, đoạn đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43,6 km là đoạn tuyến cuối cùng nằm trong quy hoạch tổng thể tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Theo chủ trương đầu tư ban đầu, đoạn tuyến này sẽ do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nhưng do lo ngại nguy cơ làm gia tăng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung đoạn tuyến này vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về UBND tỉnh Lạng Sơn từ tháng 5/2018.
Sau khi được Thủ tướng giao thay thế Bộ GTVT trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cùng nhà đầu tư và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tính toán, phân tích, xác định tổng nguồn vốn tham gia thực hiện đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Theo đó, Dự án thành phần 2 cần khoảng 8.310 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia là 1.750 tỷ đồng, vốn vay thương mại là 3.400 tỷ đồng, ngân sách nhà nước tham gia 3.160 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, việc huy động vốn cho Dự án thành phần 2 hết sức chật vật. Hiện mới chỉ có Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị cam kết góp 1.750 tỷ đồng và Ngân hàng BIDV cam kết cho Dự án vay 2.000 tỷ đồng. Đối với phần vốn vay thương mại, còn thiếu khoảng 1.400 tỷ đồng chưa xác định được đơn vị tài trợ.
Cuối tháng 9/2019, UBND tỉnh đã Lạng Sơn báo cáo Thủ tướng những vướng mắc trong công tác huy động vốn và cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi, tăng thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, các nguồn vốn hợp pháp khác... để tham gia Dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng theo lộ trình đầu tư, vận hành khai thác Dự án, đảm bảo quy định của pháp luật.
Đối với phần vốn còn lại của ngân sách nhà nước và phần vốn vay còn thiếu, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ Dự án khoảng 2.160 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc, có ý kiến với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và các ngân hàng thương mại khác xem xét, thu xếp phần vốn tín dụng còn thiếu của Dự án (khoảng 1.400 tỷ đồng), nhưng đến nay, các kiến nghị này chưa được xử lý dứt điểm.
Như vậy, tại Dự án thành phần 2, tính đến cuối tháng 6/2020, mới chỉ có nhà đầu tư góp được 424 tỷ đồng và đã giải ngân cho giải phóng mặt bằng (GPMB), chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án… tổng cộng 290 tỷ đồng.
Với tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng sau 3 năm triển khai, Dự án thành phần 2 mới chỉ hoàn thành công tác bàn giao cọc mốc GPMB, trích lục kiểm đếm đạt 100% khối lượng và đã bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư được 8,5/43,6 km (đạt 20%). Hiện Dự án phải tạm dừng công tác GPMB do chưa thu xếp được nguồn vốn.
Mục tiêu kép
Để tháo gỡ khó khăn cho Dự án thành phần 2, trong Công văn số 538/UBND-KT, UBND tỉnh Lạng Sơn một lần nữa đề nghị Thủ tướng xem xét, cân đối từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ Dự án khoảng 2.160 tỷ đồng, bố trí trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Phần vốn vốn này để thực hiện chi trả cho các hạng mục như: GPMB, các công trình đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt trực thông… (vận dụng quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP).
Lãnh đạo Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị cho biết, đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo phương án tài chính cho Dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng và cũng là ràng buộc quan trọng để các ngân hàng cho vay đủ 3.400 tỷ đồng vốn tín dụng.
Có thể chia sẻ với yêu cầu của các ngân hàng, bởi cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có quy mô quá lớn, nếu chỉ thực hiện bằng nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn tín dụng, không có vốn nhà nước tham gia hỗ trợ như các dự án BOT thông thường, Dự án sẽ không thể hoàn vốn.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đầu tháng 9/2019, ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành BIDV khẳng định, BIDV và các ngân hàng đồng tài trợ chỉ xem xét thẩm định tài trợ vốn đối với Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kèm theo các điều kiện: vốn ngân sách tham gia đầu tư Dự án tối thiểu 3.160 tỷ đồng; vốn vay tối đa khoảng 3.400 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia tối thiểu 1.750 tỷ đồng... Theo tính toán của BIDV, tổng mức đầu tư Dự án sẽ giảm từ 8.743 tỷ đồng xuống 8.310 tỷ đồng.
Đại diện BIDV cũng nêu rõ lý do đề xuất nguồn vốn ngân sách tham gia Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (3.160 tỷ đồng) căn cứ trên cơ sở một số dự án PPP cao tốc Bắc - Nam có lợi thế về lưu lượng xe, quy mô chiều dài tương đồng, nhưng vẫn cần nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia.
Có thể thấy, khó khăn trong thu xếp vốn tín dụng không chỉ dẫn đến việc không thể đảm bảo tiến độ hoàn thành đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng trong năm 2020, mà còn làm đứt gãy mạch liên kết toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã khai thác từ đầu năm 2016, đoạn tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) cũng đã đưa vào vận hành từ ngày 15/1/2020, chính thức thu phí từ ngày 18/2/2020, nhưng còn 30 km nữa mới đến TP. Lạng Sơn, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 43 km (thuộc phạm vi đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng). Như vậy, sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và chưa có cơ sở để kết nối, triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Điều đáng nói là, Dự án thành phần 1 có mục tiêu xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500 (tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn) có tổng mức đầu tư 12.189 tỷ đồng cũng đang xuất hiện nguy cơ vỡ phương án tài chính chỉ sau 3 tháng tiến hành thu phí hoàn vốn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, cuối năm 2019, đơn vị tài trợ vốn là Ngân hàng VietinBank đã tiến hành “chạy lại” phương án tài chính Dự án thành phần 1.
Việc dùng vốn ngân sách hồi tố hỗ trợ cho Dự án thành phần 1 là chưa có tiền lệ, dù những thay đổi khách quan dẫn đến phương án tài chính bị vỡ là có thật.
Sau khi đối chiếu kỹ lưỡng số liệu tài chính từ doanh nghiệp dự án, VietinBank khẳng định, phương án tài chính Dự án thành phần 1 đã bị phá vỡ rất sâu so với cam kết ban đầu, do sự thay đổi khách quan từ cơ chế, chính sách. Theo đó, doanh thu thu phí tại cả 2 đoạn đường sau khi trừ chi phí (vận hành, bảo trì, tổ chức thu phí) không đủ bù đắp chi phí lãi vay với tổng giá trị thiếu hụt khoảng 3.189 tỷ đồng và kéo theo thời gian hoàn vốn của Dự án tăng thêm 10 năm, vọt lên đến 28 năm so với phương án tài chính được duyệt.
Để giảm áp lực dòng tiền cho các bên, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng xem xét, cân đối từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ Dự án thành phần 1 thuộc Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn 2.056 tỷ đồng, bố trí trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để tham gia vào Dự án, chi trả cho các hạng mục như: GPMB các công trình đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt trực thông… để tháo gỡ khó khăn cho Dự án do các yếu tố thay đổi khách quan so với dự báo ban đầu.
Tính tổng cộng, để có thể đạt được mục tiêu kép là đảm bảo phương án tài chính cho hợp phần 1, vừa khơi thông vốn tín dụng cho hợp phần 2, UBND tỉnh Lạng Sơn cần được ngân sách Trung ương hỗ trợ ít nhất 4.200 tỷ đồng cho toàn Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.
Theo một chuyên gia, khó khăn lớn nhất tại Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn là phương án đầu tư cụ thể đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (quy mô đầu tư, nguồn vốn đầu tư, gồm vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án, phân kỳ đầu tư…). Trong khi đó, việc dùng vốn ngân sách hồi tố hỗ trợ cho Dự án thành phần 1 là chưa có tiền lệ, dù những thay đổi khách quan dẫn đến phương án tài chính bị vỡ là có thật.
“Áp lực về vốn tại cả 2 dự án thành phần là rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc sớm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh phát sinh nợ xấu cho các tổ chức tín dụng và sớm đồng bộ hóa trong công tác đầu tư toàn bộ tuyến đường”, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị.
Từ cuối năm 2018, tại Thông báo số 195/TB- VPCP, ngày 15/10/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá Dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng đầu tư theo hình thức BOT là công trình giao thông huyết mạch, trọng yếu, kết nối tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo VietinBank giải quyết các vướng mắc về tín dụng, bảo đảm một đầu mối thu xếp vốn để khẩn trương thực hiện đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (bao gồm 17,5 km đoạn kết nối đến các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam) với mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị Quan vào năm 2020.