Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án, quy mô đầu tư ban đầu gồm xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.
Vốn đầu tư lớn
Tổng mức đầu tư dự kiến (bao gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và lãi vay…) là 111.689 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,779 tỷ USD.
Diện tích đất để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến khoảng 1.165 ha. Tư vấn kiến nghị mở rộng phạm vi xây dựng giai đoạn lên 1.810 ha để xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu giai đoạn 1 của cảng như kho giao nhận hàng hóa, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, hệ thống công trình dẫn đường hàng không, khu vực điện năng lượng mặt trời, khu diễn tập phòng cháy, chữa cháy, các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước…
Vấn đề được giới đầu tư quan tâm là nhu cầu và khả năng huy động vốn cho dự án.
Theo đề nghị của Chính phủ, các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước sẽ giao cho Tổng công ty Cảng hàng không - CTCP (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại;
Các công trình quản lý bay, giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; các công trình thiết yếu của cảng hàng không giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; các công trình dịch vụ, giao cho ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Ðầu tư.
Xung quanh các phương án huy động vốn đầu tư cho sân bay Long Thành, nhiều nhà đầu tư băn khoăn và muốn biết quy định pháp luật phải áp dụng cho dự án này. Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, với phương án huy động vốn như trên, VATM là doanh nghiệp nhà nước và là doanh nghiệp duy nhất được cung cấp dịch vụ công ích quản lý, điều hành hoạt động bay tại Việt Nam.
Do vậy, việc đề xuất giao VATM đầu tư các hạng mục liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động bay bằng vốn của doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ quản lý, điều hành bay cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là phù hợp.
Theo quy định tại khoản 3 Ðiều 2 nghị quyết số 94/2015/QH 13, dự án có thể sử dụng phần vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp.
Do vậy, việc giao ACV trực tiếp đầu tư một số hạng mục bằng vốn của doanh nghiệp là có thể xem xét chấp nhận được.
Tuy nhiên, đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Ðấu thầu phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Việc giao ACV đầu tư, khai thác cảng cần phải được Quốc hội thông qua. Trong đó, một số công trình sẽ được ACV kêu gọi xã hội hóa đầu tư.
Nhà đầu tư đại chúng có thể tham gia?
Các cảng hàng không mới trong khu vực như Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Incheon (Hàn Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia)… đều được doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần với sự tham gia của các tổ chức nhà nước, hoặc doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối đầu tư.
Sau đầu tư, Nhà nước có thể bán một phần vốn Nhà nước. Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xác định lâu dài là cảng hàng không trung chuyển trong khu vực Ðông Nam Á nên được khuyến nghị xem xét áp dụng mô hình trên.
Trong trường hợp ACV được phê duyệt tham gia đầu tư chính trong dự án này, phương án huy động vốn của ACV sẽ như thế nào?
Tổng công ty này cho biết, vốn ACV cần huy động là 4.194 tỷ USD, tương đương khoảng 98.000 tỷ đồng.
Ðến ngày 31/12/2018, ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt là 24.268 tỷ đồng, trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, dự kiến ACV bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỷ đồng, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.
Số vốn còn lại ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD. Thời gian qua, Tổng công ty đã làm việc với các tổ chức tài chính (ngân hàng và các quỹ đầu tư trong ngoài nước) quan tâm đến dự án giai đoạn 1 để thu xếp phần vốn huy động. Ðến thời điểm hiện tại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thỏa thuận hợp tác về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gia vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình 5-5,5%/năm, thông qua nhiều hình thức, trong đó có phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hiện nay, ACV đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi một tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Cơ hội cho các dự án “ăn theo” sân bay
Chính phủ đã trình và kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Cụ thể, chấp thuận hình thức đầu tư sân bay Long Thành. Ðiều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha. Ðiều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng.
Chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 01 và 02 vào dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.
Về điều chỉnh đất sử dụng cho quốc phòng, theo Nghị quyết 94, diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha.
Tuy nhiên, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh, trong số 1.050 ha đất này, có 570 ha dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha dùng chung giữa quân sự và dân sự (đường băng số 4 và đường lăn).
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với việc sử dụng diện tích đất dùng chung (480ha), vừa bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Việc quản lý, sử dụng diện tích đất dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng.
Về điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1, Chính phủ kiến nghị tăng thêm 645 ha từ 1.165 ha lên 1.810 ha để thực hiện giai đoạn 1 của dự án.
Ủy ban Kinh tế tán thành với kiến nghị của Chính phủ vì đây chỉ là việc điều chỉnh nhu cầu sử dụng giữa các giai đoạn, để phù hợp với dự án nghiên cứu khả thi, tổng diện tích của dự án không thay đổi (5.000 ha), Nghị quyết 94 cũng không quy định việc sử dụng bao nhiêu diện tích đất cho mỗi giai đoạn cụ thể.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án có thể đạt tiến độ như Nghị quyết của Quốc hội giao là hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng cho biết nhiều ý kiến băn khoăn về tiến độ hoàn thành vì sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, tiếp tục phải lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật rồi mới khởi công, mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, tham khảo các sân bay đã thực hiện thì tiến độ này là rất khó khăn.
Hiện UBND tỉnh Ðồng Nai đang thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tổ chức kiểm đếm và dự kiến sẽ áp giá bồi thường theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 để tháng 10/2020 có thể bàn giao mặt bằng cho việc thi công dự án giai đoạn 1.