Dự án bất động sản xanh, ở đâu ra mà lắm thế?

Hiện cả nước mới công nhận được khoảng 60 công trình xanh, nhưng xu hướng gần đây, rất nhiều chủ đầu tư đang lạm dụng cụm từ "dự án xanh" để nâng khả năng bán hàng. Trong khi những nhà đầu tư muốn làm công trình xanh thực sự thì ngại chi phí dội tăng.
Nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với việc lựa chọn ứng dụng các giải pháp kiến trúc xanh. (Ảnh minh họa) Nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với việc lựa chọn ứng dụng các giải pháp kiến trúc xanh. (Ảnh minh họa)

Phát triển dự án ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng (công nghệ xanh) cho phân khúc nhà ở giá thấp là định hướng phát triển của Bộ Xây dựng đối với phân khúc nhà ở này tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chủ đầu tư chưa quan tâm nhiều đến các dự án này, do lo ngại chi phí tăng cao.

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Chính sách nhà ở Việt Nam đang đối diện với áp lực tăng trưởng dân số, đặc biệt là ở đô thị. Dự báo đến năm 2020, dân số thành thị sẽ lên đến 46 triệu người, tương đương khoảng 45% dân số cả nước. Ước tính trong 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà ở mới có thể lên đến 5,1 triệu căn trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình.
Hiện nay cả nước mới có khoảng 60 công trình được chứng nhận là công trình xanh. Số lượng này vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu mới ở các phân khúc nhà ở thương mại cao cấp.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho rằng, phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Do đó, triển khai các giải pháp xanh tại những công trình nhà ở giá thấp và trung bình tạo nên cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường là định hướng phát triển của Bộ Xây dựng đối với phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình tại Việt Nam.      

Theo các chuyên gia, công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư). Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng…

PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Gắn nhà ở giá thấp với vấn đề xanh là rất cần thiết vì thực chất việc tăng mật độ, làm căn hộ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến áp lực cơ sở hạ tầng, quy hoạch. Tuy nhiên khi gắn với công trình xanh làm giảm chi phí thường xuyên, tạo ra cân bằng, và làm thay đổi nhận thức ở nhà giá thấp vẫn có cuộc sống tốt. Tuy nhiên phải có sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và người mua nhà. Vì khi có những giải pháp xanh thì phải tăng thêm chi phí, nhưng phải cân nhắc không để đội chi phí quá cao”.

Hiện nay cả nước mới có khoảng 60 công trình được chứng nhận là công trình xanh. Số lượng này vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu mới ở các phân khúc nhà ở thương mại cao cấp. Nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với việc lựa chọn ứng dụng các giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng các dự án nhà ở giá thấp vì cho rằng chi phí tăng từ 20-30%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo cho thấy, giải pháp công trình xanh không làm phát sinh chi phí lớn đến như vậy.

"Một doanh nghiệp thì không thể làm được. Chúng tôi có thể chịu được 1 - 2 dự án, nhưng khi điều chỉnh vào giá bán thì đương nhiên người mua chỉ chọn những nơi giá thấp hơn" - ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Thudo Invest.

Ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư và thương mại Thủ đô cho biết, thực tế, các giải pháp kiến trúc xanh, hệ thống pin năng lượng mặt trời chỉ làm tăng chi phí đầu tư khoảng 3%. Mặc dù vậy, chi phí này cũng sẽ tính vào giá thành. Do đó, nếu không có chính sách hỗ trợ, thì những dự án này sẽ khó cạnh tranh.

“Một doanh nghiệp thì không thể làm được. Chúng tôi có thể chịu được 1 - 2 dự án, nhưng khi điều chỉnh vào giá bán thì đương nhiên người mua chỉ chọn những nơi giá thấp hơn. Cần có sự tuyên truyền để nâng cao nhận thức, dần dần cầu sẽ chuyển sang những công trình xanh. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích, ghi nhận đánh giá và phân biệt các công trình xanh. Hoặc như hiện nay làm pin mặt trời lại tích vào ắc quy, nhanh hỏng, chi phí lớn. Làm thế nào được hòa vào lưới điện. Ở các nước họ đều đã làm và rất đơn giản”, ông Trung nêu ý kiến.

Để thúc đẩy phát triển những công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có những chương trình hỗ trợ ít nhất 20 năm, với các nội dung cụ thể từ tín dụng, từ quỹ đất, từ ưu đãi cho nhà phát triển…

Về dài hạn, cần thành lập Ủy ban hoặc Hội đồng nhà ở, theo mô hình công ty, với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội, đại diện các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và vận hành theo quy luật của thị trường.

Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục