Ban lãnh đạo của DRI luôn ý thức tuân thủ chặt chẽ quy định về công bố thông tin theo quy định của ủy ban chứng khoán, thậm chí là một trong số ít doanh nghiệp chủ động cung cấp kết quả hoạt động hàng tháng tới cổ đông thông qua website công ty.
Tuy nhiên, dấu hiệu bất thường trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm mà doanh nghiệp mới công bố đã khiến cho các cổ đông cảm thấy lo ngại về công tác quản trị.
Lợi nhuận ước tính sụt giảm bất thường
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hàng tháng được công bố từ website doanh nghiệp, lũy kế tới tháng 6 năm 2018, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ước đạt 770.000 USD.
Đây được coi là một con số bất thường, bởi trước đó, trong báo cáo tháng 5/2018, DRI công bố ước tính lợi nhuận sau thuế lên tới 1,4 triệu USD; tức chỉ trong 1 tháng, lợi nhuận sau thuế ước tính của Công ty sụt giảm gần 1 nửa. Thêm vào đó, nhà đầu tư càng cảm thấy khó hiểu hơn khi trong báo cáo được công bố, con số lợi nhuận ước tính của riêng tháng 6/2018 đạt trên 157.000 USD.
Sự sụt giảm đáng ngờ khiến cho không ít cổ đông của DRI băn khoăn. Một số cổ đông đặt dấu hỏi liên quan đến công tác quản trị và đạo đức của ban lãnh đạo DRI.
Câu hỏi đã có lời giải đáp
Trước những thắc mắc của nhiều cổ đông, ban lãnh đạo DRI nhanh chóng đưa ra giải trình giải thích hợp lý "điểm bất thường" trong các con số được công bố.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2018, giá thành sản phẩm cao su của công ty được tạm tính theo kế hoạch tài chính với giá trị 1.160 USD/tấn. Tuy nhiên, sau khi quyết toán theo giá thực tế trong 6 tháng đầu năm 2018, giá thành sản phẩm tạm tính tăng lên 1.271 USD/tấn. Trong khi giá bán mủ bình quân giảm mạnh đạt 1.418 USD/tấn, chỉ bằng 93,8% so với giá bình quân năm 2017, từ đó khiến cho lợi nhuận 6 tháng sụt giảm mạnh.
Cũng theo giải trình của DRI, có 2 nguyên nhân chính khiến cho giá thành tăng.
Thứ nhất, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng 26,4% so cùng kỳ do giá phân bón và nhiên liệu tăng.
Thứ hai, chi phí khấu hao tăng 19,22% so cùng kỳ do cách tính khấu hao của vườn cao su theo sản lượng. Năm 2018 sản lượng tăng so với năm 2017 nên tỷ lệ khấu hao tăng lên. Tuy nhiên, đặc thù ngành cao su chi phí tập trung ở 6 tháng đầu năm nhưng sản lượng và doanh thu lại quyết định ở quý III- IV, vì vậy dần về cuối năm giá thành sẽ giảm dần.
Chi phí trang bị vật tư khai thác cũng tăng do công ty đưa vào mở mới hơn 600 ha cao su, trong khi sản lượng của vườn cây mới đưa vào khai thác lại chưa đủ nhiều để bù đắp chi phí.
Bên cạnh đó, công ty cũng tiến hành phân bổ chi phí chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Kíp là 414.286 USD trong hai quý đầu năm, phần chi phí này sẽ không cần phải phân bổ trong nửa cuối năm 2018.
Nỗ lực cải thiện kết quả trong 6 tháng cuối năm
Trước diễn biến không thuận lợi của thị trường khiến giá thành tăng cao, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, ban lãnh đạo DRI đã ngay lập tức có những chỉ đạo sát sao để cải thiện tình hình nửa cuối năm 2018.
Cụ thể, về công tác sản xuất, HĐQT công ty ngày 11/7/2018 đã chỉ đạo khai thác vượt sản lượng vượt ít nhất 1.000 tấn mủ quy khô nhằm đưa tổng sản lượng khai thác năm 2018 đạt từ 19.500 đến 20.000 tấn mủ quy khô, từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm bằng hoặc thấp hơn mức 1.160 USD/tấn như kế hoạch đầu năm; đồng thời chỉ đạo tiết kiệm chi phí trong hai khâu còn nhiều dư địa là vận chuyển và chế biến.
Về công tác bán hàng, đối với hoạt động xuất khẩu, ban lãnh đạo chỉ đạo đơn vị kinh doanh tiếp tục phát huy thành quả 6 tháng đầu năm, đẩy mạnh khai thác các khách hàng đã chào bán thành công tại các thị trường Đức, Bỉ, Mỹ ( trong nửa đầu năm công ty đã xuất bán 8.430 tấn sán phẩm các loại, tỷ lệ xuất khấu là 24%, trong khi đó cả năm 2017 chỉ đạt 9,5%).
Đây được coi là những thị trường khó tính nhưng bù lại sản phẩm của công ty luôn được giá. Ngoài ra, doanh nghiệp đã ký được hợp đồng dài hạn xuất khẩu 10 Fcl/tháng đối với hàng SVR10 và ký hợp đồng xuất khẩu với khách hàng mua theo thời điểm với số lượng từ 6-10 Fcl/lần đối với sản phẩm SVR 3L.
Đối với thị trường nội địa, ban lãnh đạo chủ trương chăm sóc tốt các mối quan hệ bạn hàng truyền thống, hoạt động sản xuất đi kèm tiêu thụ. Hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, hạn chế để tồn kho.
Với việc quý III-IV là giai đoạn cao điểm cho hoạt động khai thác mủ cao su và giá bán mủ; cùng với đó là những chỉ đạo quyết liệt của ban lãnh đạo công ty trong việc giảm giá thành, gia tăng sản lượng và mở rộng công tác bán hàng, kết quả kinh doanh của công ty cổ phần cao su Đắk Lắk được kỳ vọng sẽ trở lại tích cực trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.