Đột phá, sáng tạo để tạo ra động lực mới

(ĐTCK) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu, đề ra các giải pháp tạo đột phá phát triển trong 5 năm, 10 năm tới, đặc biệt dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Đột phá, sáng tạo để tạo ra động lực mới

Tầm nhìn lãnh đạo và sáng kiến chính sách táo bạo

Tại cuộc họp của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội hôm 22/8 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu các báo cáo phải đánh giá tình hình cho đúng, cho sát, đồng thời có khát vọng phát triển.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc đề ra những định hướng, các giải pháp chủ yếu, các đột phá chiến lược, trong đó lưu ý các điểm mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố văn hóa, con người và khát vọng vươn lên. Mục tiêu là phát triển nhanh và bền vững, lấy phát triển nhanh để duy trì ổn định, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng thể chế...

Trong dự thảo báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Tiểu ban làm rõ các động lực phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn tới như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, công nghệ thông tin, phát triển đô thị và liên kết vùng.

Các dự thảo báo cáo phải chú trọng các vấn đề xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; coi con người là trung tâm, là chủ thể, động lực của sự phát triển, xây dựng nền kinh tế tự chủ, có sức chống chịu, khả năng cạnh tranh cao…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, không dễ để có nền kinh tế độc lập tự chủ, không bị chi phối hay lệ thuộc vào các quốc gia khác, có khả năng tận dụng được tối ưu các nguồn lực bên ngoài và bên trong cho sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời có khả năng ứng phó một cách hiệu quả với những biến động của thị trường khu vực và thế giới.

Theo ông Michael Kelly, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham), tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đã và đang là động lực chính cho thành tựu kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên sự lãnh đạo và những sáng kiến chính sách táo bạo mới là chìa khóa để nhận diện và tận dụng các cơ hội, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu đang ngày một leo thang.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam có được vị thế cạnh tranh là nhờ vào chi phí lao động thấp và đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi. Gần đây, chi phí lao động đã vượt xa mức tăng năng suất gây ảnh hưởng xấu tới vị thế cạnh tranh của Việt Nam. Nâng cao năng suất do vậy là bài toán Việt Nam cần sớm giải quyết.

Năng suất cũng là bài toán mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng rất trăn trở. Ông nói: “Ðể tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai”.

Vậy đâu sẽ là động lực, là chìa khóa để Việt Nam gia tăng năng suất? Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng, khoa học công nghệ sẽ là thời cơ, là chìa khóa, con đường ngắn nhất để chúng ta tăng tốc, bắt kịp với các nước trên thế giới.

Còn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì cho rằng, cuộc cách mạng số, đặc biệt là sự phát triển mới của nó - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam: sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm ra giải pháp và sản phẩm để thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới.

“Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Kết nối các nguồn lực

Nền tảng để đi trên con đường mới chính là đầu tư, kết nối nguồn nhân lực, nhân tài trong nước và nước ngoài. “Chúng ta có nguồn nhân lực vô giá, nhưng chúng ta chưa kết nối, khơi dậy được tiềm lực. Phải khơi dậy được để tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế”, Bộ trưởng nói và cho rằng, giờ đây, chúng ta phải gắn kết được giới khoa học công nghệ và doanh nghiệp. Nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, từ đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Ngay trong Dự thảo chiến lược quốc gia 4.0 mà Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang chủ trì xây dựng, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia có cơ chế tài chính, có các quỹ đầu tư đồng hành sẽ là một giải pháp đột phá sớm được triển khai. Ðiều đáng mừng là nguồn lực xây dựng trung tâm sẽ được xã hội hóa và được các doanh nghiệp lớn tài trợ.

Bàn về câu chuyện nhân tài, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, người Việt Nam thông minh, thích nghi  nhanh với sự thay đổi, có khả năng may đo sản phẩm theo nhu cầu cá thể. Lại có rất nhiều người Việt ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ, đã đến lúc cần thu hút họ về nước hoặc kết nối với họ để xây lên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Nhân tài có đặc tính là toàn cầu. Bởi vậy, Việt Nam cần tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới. Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn.

Những “đặc khu công nghệ”, “đặc khu đổi mới sáng tạo”, với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ, có thể được Chính phủ xem xét. Ðối với người tài xuất sắc thì điều đầu tiên là được sáng tạo, có thách thức, thách thức càng lớn càng lôi cuốn họ.

Những chuyển động gần đây được đánh giá khá tích cực, chẳng hạn một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam ở các lĩnh vực dịch vụ, như thương mại, bất động sản, tài chính... đã thành công, có quy mô thị trường, có nguồn lực về tài chính và quản trị, có tinh thần khởi nghiệp, đã đầu tư vào phát triển công nghệ, công nghiệp, được kỳ vọng hình thành lên các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có quy mô lớn.

Thời chiến, Việt Nam đã ghi dấu ấn về những cuộc cách mạng giành lại độc lập tự do cho dân tộc, thời bình, Việt Nam đang cần những cuộc cách mạng về kinh tế, tư duy kinh tế mới. Ðó là các khởi nghiệp công nghệ, sản xuất, dịch vụ…

Những công ty khởi nghiệp bước đầu có thể sử dụng công nghệ của nhân loại để phát triển các giải pháp, sản phẩm hoặc cung cấp các dịch vụ để rồi bước tiếp theo sẽ là phát triển công nghệ của chính họ. Chính những công ty công nghệ quy mô nhỏ này sẽ tạo lên một cuộc cách mạng toàn dân về phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Một đất nước hoá rồng có thể mất nhiều thập kỷ. Bởi vậy, rất cần sự chuyển đổi của tất cả mọi người trong xã hội, chuyển đổi từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học và đến môi trường học cả đời. 

Gần đây, người ta nói đến mỗi người phải biết đến 3 ngôn ngữ: Ngôn ngữ mẹ đẻ để duy trì văn hoá, ngôn ngữ tiếng Anh để hội nhập quốc tế và ngôn ngữ IT để giao tiếp với máy móc. Ðổi mới giáo dục, tức là đổi mới từ nền tảng đang được mong chờ sớm triển khai .

Ðất nước đang cần sự chuyển mình. Người dân Việt Nam luôn có khát vọng và niềm tin vào sự cường thịnh của đất nước. Muốn vậy, hơn ai hết, mỗi người Việt Nam phải mang trong mình bầu nhiệt huyết, quyết thay đổi và thích ứng với sự thay đổi.

Sỹ Lực

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục