Tập trung vào lĩnh vực ưu tiên
So với các năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng nhanh và đều qua các tháng ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 30/6/2017, tín dụng tăng 9,06% so với cuối năm trước, nhưng được cho là không gây sức ép lên mặt bằng lãi suất.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Minh Hưng khẳng định, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; trong đó tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống, tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng chậm lại.
Trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên kể từ trung tuần tháng 7/2017.
Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) hiện nay vào khoảng 6 - 6,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn và khoảng 8 - 10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt từ 4 - 5%/năm.
Riêng tại địa bàn TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 148.692 tỷ đồng dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 94.088 tỷ đồng, chiếm 63,3% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.
Bên cạnh đó, theo Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, tăng trưởng tín dụng năm nay của toàn hệ thống ngân hàng phải đạt tối thiểu 18%. Để đạt được mục tiêu này, hạn mức tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank sẽ phải điều chỉnh tăng so với kế hoạch ban đầu.
Riêng 3 ngân hàng kể trên đã chiếm thị phần tín dụng trên 33%, việc tăng trưởng tín dụng thêm vài phần trăm ở các ngân hàng này đủ để giúp ngành ngân hàng hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng tối thiểu 18%. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng ở ba ngân hàng BIDV, Vietinbank, và Vietcombank sẽ được điều chỉnh tăng thêm từ 2% - 3% so với hạn mức ban đầu.
Ngoài ra, việc xin tăng room tín dụng ở một số ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng trưởng tín dụng khá mạnh trong quý I và II/2017, như trường hợp ACB, VIB... sẽ dễ được chấp nhận. Với diễn biến này, dòng vốn sẽ tiếp tục chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Kiểm soát dòng vốn vào bất động sản
Hiện chưa có số liệu thống kê được công bố từ NHNN về dư nợ tín dụng bất động sản, song ước tính cho vay lĩnh vực này tăng không quá 10% trong những năm qua. Tuy nhiên, theo báo cáo về tình hình kinh tế tháng 5/2017 và 5 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc người dân vay vốn cho bất động sản qua tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh trong quý I/2017.
Cụ thể, cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 29,7% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng (cuối năm 2016 chiếm 49,5%).
Trước đó, vào cuối năm 2016, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia từng lưu ý, tín dụng tiêu dùng năm 2016 ước tăng tới 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,8%). Trong đó, gần 50% tín dụng tiêu dùng tập trung vào cho vay sửa chữa nhà, mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách hàng vay.
Với diễn biến này, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần kiểm soát dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, NHNN cần có các biện pháp giám sát dòng tiền vào các lĩnh vực phi sản xuất rủi ro cao như: chứng khoán, bất động sản.
Nguyên nhân là tổng dư nợ cho vay bất động sản ở mức khoảng 8% trên tổng tín dụng, nhưng cho vay tiêu dùng thực chất phần lớn là cho vay bất động sản, nếu cộng cả con số này thì tỷ lệ phải trên 10%.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định, thị trường vàng, ngoại tệ hiện nay không hấp dẫn vì NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm hàng ngày và giá vàng chịu sức ép từ động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong khi đó, dư nợ tại các ngân hàng đang tăng rất nhanh, nhất là tín dụng tiêu dùng và tín dụng cho bất động sản.
Tuy nhiên, với việc NHNN tiếp tục điều hành chính sách tín dụng theo hướng kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý, an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; định hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, trong đó tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên, dòng vốn sẽ không dễ dàng chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản.
Ngay đầu năm, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã đưa ra thông điệp, tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông và tập trung dư nợ cho các lĩnh vực ưu tiên.
Chưa kể, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017, một lần nữa nhấn mạnh tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT.