Dòng vốn FDI lặng lẽ… đổ bộ vào Hà Nội

Không dồn dập những dự án khủng, nhưng bù lại, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hà Nội lại ngày càng được nâng cao về chất lượng. Là một đầu tàu kinh tế, Hà Nội đã thực hiện tốt quyền lựa chọn dự án của mình, song vẫn giữ vững vị trí top 5 địa phương thu hút nhiều FDI nhất cả nước.
Aeon MALL, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đang tiếp tục mở rộng đầu tư tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Lặng lẽ… đổ bộ

Không giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, dồn dập đón các dự án đầu tư “hàng khủng”, kiểu như các tổ hợp sản xuất quy mô hàng tỷ USD, Hà Nội lặng lẽ hơn nhiều trong việc thu hút FDI. Không nhiều thông tin liên quan đến các dự án quy mô lớn mà Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư được công bố.

Ngay như mới đây, khi Aeon MALL Hà Đông được cấp chứng nhận đầu tư, không nhiều tờ báo đề cập nội dung này, cho dù khi Aeon (Nhật Bản) công bố sẽ đầu tư tiếp Aeon MALL thứ hai ở Hà Nội, bất chấp thị trường mặt bằng bán lẻ được cho là đang dư thừa, dư luận xôn xao không ít.

Phần vì thông tin ấy bị “che lấp” bởi hàng loạt thỏa thuận khác được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với tổng trị giá lên tới 22 tỷ USD. Song phần khác, dường như Hà Nội cũng ít tổ chức các sự kiện liên quan đến việc trao chứng nhận cho các dự án đầu tư. Bởi thế, có cảm giác, thu hút FDI của Hà Nội khá lặng lẽ.

Nhưng thực tế thì lại khác. Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế tính đến hết tháng 5/2017, Hà Nội vẫn đứng thứ 4 trong số các địa phương thu hút FDI nhiều nhất, với trên 26,2 tỷ USD. Một con số không hề “lặng lẽ”.

6 tháng đầu năm nay, con số được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội dự kiến là khoảng 1,058 tỷ USD. Thậm chí, nếu điểm danh các dự án FDI quy mô lớn đăng ký vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, Hà Nội có thể đóng góp tới 3 dự án, nếu tính cả dự án vừa được cấp chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 6 vừa qua - Aeon MALL Hà Đông, với vốn đầu tư đăng ký 192,51 triệu USD.

Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế tính đến hết tháng 5/2017, Hà Nội vẫn đứng thứ 4 trong số các địa phương thu hút FDI nhiều nhất, với trên 26,2 tỷ USD.     

Dự án còn lại là dự án tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD của Coca-Cola Việt Nam và Dự án Park City 72 triệu USD. Nói đúng hơn, FDI vẫn đang lặng lẽ… đổ bộ vào Hà Nội.

Năm ngoái, cũng đã có hàng loạt dự án FDI đổ vào lĩnh vực này ở Hà Nội. Chẳng hạn, Dự án đầu tư mua sắm và vận hành hệ thống kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, phần mềm và kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán Vietlott (210 triệu USD); Dự án Công ty Vietnamobile tăng vốn (208 triệu USD); hay Dự án Ngân hàng Public Việt Nam (134 triệu USD)…

Chưa kể, chuyện Hà Nội thu hút được Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) 300 triệu USD của Samsung cũng là thành tích đáng ghi nhận. Điều này càng chứng minh, chất lượng dòng vốn FDI vào Hà Nội đã ngày càng được nâng cao.

“Sóng” sẽ dồn mạnh hơn 

FDI vào Hà Nội đã có thời điểm chững lại. Lý do đã được các lãnh đạo Thành phố phân tích là do, sau khi sáp nhập, cần phải xem xét, xây dựng và thông qua các quy hoạch. Nhưng tình hình đã khác, năm 2016, Hà Nội thu hút 3.116 triệu USD (tăng 2,9 lần so với năm 2015, vượt kế hoạch năm 2016 đề ra 2,2 lần), Đứng thứ 2 sau TP.HCM là 3,42 tỷ USD.

Tình hình ngày càng được cải thiện, khi 6 tháng đầu năm, con số đã là khoảng 1,1 tỷ USD. Và chắc chắn sẽ nhanh chóng tăng cao, khi không ít dự án quy mô lớn vẫn đang chờ được cấp chứng nhận đầu tư. Ngày hôm nay (25/6), trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác đầu tư và Phát triển, sẽ có những thỏa thuận mới được ký kết.

Thêm nữa, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Thành phố đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

Nhiều giải pháp đã được nhắc tới, như tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai, sử dụng quỹ đất, mặt bằng phục vụ đầu tư, kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác điều hành, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư...

Một tin vui đối với Hà Nội, đó là Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ban hành một nghị định riêng, theo đó cho phép áp dụng cơ chế riêng cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Chẳng hạn, cho phép các dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, cho phép áp dụng cơ chế một cửa, ưu tiên bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở cho người lao động...

Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau gần 20 năm phát triển èo uột đã có cơ hội để thúc đẩy thu hút đầu tư, ít nhất là như Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP). Đây cũng là cơ hội để Hà Nội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia - một định hướng ưu tiên trong thu hút FDI mà Hà Nội đã xác định nhiều năm nay.

Ngoài các dự án công nghệ cao, các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, Hà Nội cũng xác định khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sinh học, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp, thực phẩm sạch an toàn... Và đặc biệt, là các dự án hạ tầng quy mô lớn.

Không ngần ngại, Hà Nội đã bày tỏ thẳng thắn mong muốn rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đầu tư vào các dự án đường sắt đô thị, các dự án đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông Hồng, các tuyến đường vành đai, hoặc các tuyến metro, các bãi đỗ xe ngầm, các khu đô thị vệ tinh...

Sẽ không chỉ là vốn FDI, kêu gọi đầu tư các dự án này cũng có nghĩa Hà Nội cũng đã xác định đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã thu hút được 24 dự án PPP, với tổng vốn đầu tư 32.103 tỷ đồng. Một sự chuyển hướng rất hợp lý, hứa hẹn tới đây, thực sự sẽ có những làn sóng đầu tư mạnh mẽ đổ vào Hà Nội.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục