Nguồn ngoại tệ duy trì tốt
Cuối tuần qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) công bố về việc ký kết thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG của Nhật Bản.
Ông Seiichiro Akita, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Krungsri cho biết, Krungsri đã ký thỏa thuận với SHB để mua lại 100% SHB Finance ngay sau khi có sự phê duyệt theo quy định của các cơ quan quản lý.
Trước mắt, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHB Finance cho Krungsri và tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm, khi hai bên đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và đạt được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản.
Mặc dù đây là bản ký kết thoả thuận, chưa có đồng vốn ngoại tệ nào chảy về, nhưng thông tin này cũng làm “ấm” thêm thị trường ngoại hối, bởi kỳ vọng trước đó về dòng vốn ngoại tệ từ hoạt động bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm diễn ra.
Đáng chú ý là động thái quay trở lại mua ròng khá tích cực của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán trong tháng 8, ước tính có thể bổ sung 300 - 400 triệu USD cho nguồn cung ngoại tệ.
Dự báo, tỷ giá trong năm 2021 chỉ biến động khoảng 0,5%.
Theo đó, ngày 25/8, tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước giảm 14 điểm so với phiên liền trước, xuống mức 23.151 VND/USD; tỷ giá giao dịch đóng cửa giảm 23 điểm; tỷ giá mua giao ngay giữ nguyên mức niêm yết 22.750 VND/USD; tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.796 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 25/8 ở mức 22.813 VND/USD, không thay đổi so với phiên 24/8. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 50 đồng ở chiều mua vào, trong khi giữ nguyên ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.000 - 23.150 VND/USD.
Nhìn lại tỷ giá giữa USD và VND được Vietcombank niêm yết từ đầu năm 2021 đến nay cho thấy sự biến động không lớn, nhưng theo chiều hướng giảm (tức VND tăng giá). Cụ thể, ngày 26/1 mua vào là 22.950 VND/USD, bán ra là 23.160 VND/USD; đến tháng 2, giá mua - bán là 22.890 - 23.100 USD/VND; sang tháng 3, giá mua - bán tăng lên 22.965 - 23.175 USD/VND, sau đó giảm dần trong những tháng tiếp theo và tính đến ngày 26/8 ở mức 22.660 - 22.890 USD/VND.
Tỷ giá nhìn chung ổn định, dù cán cân thương mại 7 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 2,7 tỷ USD. Trước đó, 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD; nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân ước đạt 9,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với cuối năm ngoái và Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 150 VND giá mua vào USD kỳ hạn 6 tháng, xuống 22.975 VND/USD và không cho phép hủy ngang, cho thấy cơ quan quản lý tự tin vào thanh khoản và nguồn lực hiện có.
“Đồng Việt Nam đã lên giá 0,4% so với USD trong 6 tháng đầu năm 2021, trong khi hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều giảm giá (THB giảm 6,9%, INR giảm 1,7%, SGD giảm 1,8%, PHP giảm 1,6%...) và xu hướng này vẫn đang tiếp tục”, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết.
Thông tin này có lẽ hơi ngược với những dự đoán trước đó về việc tỷ giá VND/USD sẽ khó duy trì xu hướng bình ổn, mà có khả năng biến động nhiều hơn trong 6 tháng cuối năm, đến từ biến động trên thị trường quốc tế, nhất là động thái về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong những tháng tiếp theo, cũng như những rủi ro do dịch Covid-19 gây ra.
Kiều hối "ghi điểm"
Theo Ngân hàng Thế giới, dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2020 giảm do cú sốc Covid-19 khi vốn đăng ký mới giảm 6,6%, nhưng nửa đầu năm 2021 ghi nhận mức tăng 12,4% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện gia tăng, với hai nhà máy điện khí hóa lỏng quy mô lớn, trị giá 7,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, giống như ở các quốc gia đang phát triển khác, sau năm 2019 khởi sắc, vốn FDI đầu tư mới đăng ký trong các ngành chế biến, chế tạo giảm 32,6% trong năm 2020 và giảm 4,7% trong 2 quý đầu năm 2021 so cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, hoạt động mua lại - sáp nhập (M&A) giảm do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh sự phục hồi tổng cầu trong nước và tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nhiệp nhà nước diễn ra chậm. Sau khi tăng gấp ba từ năm 2016 đến năm 2019, hoạt động góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước của khối ngoại giảm 50% trong năm 2020, sau đó giảm thêm 50% trong nửa đầu năm 2021 so cùng kỳ năm trước.
Dòng vốn M&A tăng cao trước khi đại dịch xuất hiện xuất phát từ sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài tới người tiêu dùng trong nước, nhưng suy giảm trong năm 2020 và đầu năm 2021 phản ánh sự cẩn trọng hơn của nhà đầu tư trước sự phục hồi chậm chạp của tiêu dùng tư nhân. Một nguyên nhân khác là tiến độ chậm của chương trình cổ phần hóa, vốn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua.
Ngoài ra, thương mại, dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng do biện pháp hạn chế đi lại trên thế giới nhằm phòng chống dịch, dẫn đến cán cân thương mại, dịch vụ thâm hụt 7,7 tỷ USD.
Điểm tích cực là dòng kiều hối vẫn ổn định. Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới đánh giá: “Dòng kiều hối có khả năng chống chịu tốt trong đại dịch Covid-19”.
Năm 2020, dòng kiều hối về Việt Nam ước đạt 17 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2021, riêng TP.HCM đón nhận 3,2 tỷ USD kiều hối, tăng 22,34% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM dự báo, đến cuối năm nay, lượng kiều hối về TP.HCM sẽ đạt khoảng 6,5 tỷ USD.
Dòng kiều hối ổn định góp phần bù đắp phần nào thâm hụt cán cân thương mại, dịch vụ và giữ vững vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho rằng, trong bối cảnh xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến các quốc gia đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô như Việt Nam.
“Dịch Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới, chứ không riêng ở Việt Nam. Có những lĩnh vực sẽ chịu tác động nặng nề bởi đại dịch, nhưng bên cạnh đó vẫn có những khu vực đang vận hành bình thường. Do đó, thị trường ngoại hối sẽ ổn định trong những tháng cuối năm 2021”, ông Trung nhận định.
“Ngân hàng Nhà nước thể hiện chính sách linh hoạt và nhất quán nhằm hỗ trợ và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung, tỷ giá nói riêng. Hơn nữa, dự trữ ngoại hối vững chắc là cơ sở hỗ trợ ổn định tỷ giá. Theo đó, dự báo trong năm 2021, tỷ giá biến động khoảng 0,5%”, một lãnh đạo cao cấp Vietcombank nhận định.