Động viên cần cụ thể hơn

(ĐTCK) 15.000 - 20.000 tỷ đồng là khoản định lượng từ việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của quý IV/2008 và số thuế TNDN phải nộp của năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN nhỏ và vừa (DNNVV); giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong thời gian 9 tháng đối với số thuế TNDN phải nộp năm 2009 của các DN này. Phần ngân sách tạm để lại này được tính là một trong những khoản làm nên con số 6 tỷ USD kích cầu bên cạnh khoản tiền 1 tỷ USD được công bố sử dụng trực tiếp từ ngân sách.

Với chính sách miễn thuế, các DNNVV là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp. Tính cả việc giãn thời gian nộp thuế, điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất - nhập khẩu đối với một số măt hàng, lợi ích đến được các DNNVV chắc chắn lớn hơn nhiều.

Tuy vậy, mấu chốt vấn đề ở chỗ, năm 2008, hoạt động kinh doanh của phần đông các DNNVV thuộc diện không có lợi nhuận. Những dự báo xấu về tình hình kinh doanh năm 2009 cũng đã được các DN lường tới. Khá nhiều kế hoạch duy trì ổn định thay vì phát triển được đưa ra. Theo khảo sát của Công ty Dịch vụ Thông tin tài chính WVB Việt Nam (WVB FISL) và CTCP Đầu tư và Tư vấn tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC Invest) thực hiện từ ngày 13/11 đến ngày 27/11/2008 về chỉ số niềm tin kinh doanh, có tới 25% DN cho rằng, họ có thể kinh doanh thua lỗ trong năm 2009. Như vậy, ít nhất là số DN này không đủ điều kiện để nộp thuế TNDN. Có nghĩa là khoản chính sách giảm trừ thuế quý IV/2008 cũng như năm 2009 sẽ không phát huy được mục tiêu hỗ trợ trực tiếp.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), sự hỗ trợ các DN trong bối cảnh hiện nay cần thực chất và cụ thể lợi ích. Chính sách giảm trừ thuế TNDN là rất cần thiết và phù hợp, song có vẻ như chưa tiếp cận được với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh. "Hiện tại, các DN cần sự hỗ trợ và động viên cụ thể hơn. Theo tôi, Chính phủ nên cân nhắc để đưa ra quyết định mạnh mẽ hơn. Có thể là giảm 30% thuế TNDN cho các DNNVV trong vòng 5 năm tới", ông Cung khuyến nghị.

Lý do, theo ông Cung, ngoài việc hiện tại không nhiều DNNVV thuộc diện nộp thuế TNDN thì việc có được một chính sách miễn giảm thuế có thời hạn dài, cụ thể sẽ khiến các DN có động lực và cơ sở để xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình trong vòng ít nhất là 5 năm tới, đặc biệt là kế hoạch "vượt bão" vào năm tới cũng như khả năng đột phá vào những năm tiếp sau.

Đặc biệt, cách đi này sẽ đạt được mục tiêu là hỗ trợ bằng tiền một cách đích thực đến các địa chỉ chính xác. Tất nhiên, giải pháp này sẽ khiến ngân sách hụt đi đáng kể nguồn thu, song đổi lại là hạn chế được khả năng lãng phí nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ này.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các DN hoạt động xuất khẩu vào thời điểm này rất cần được cân nhắc cẩn trọng. Những kiến nghị về việc hỗ trợ trực tiếp các DN xuất khẩu ký được hợp đồng xuất khẩu về nguyên tắc là hỗ trợ đúng địa chỉ, song rất có thể rơi vào "vùng cấm" của Tổ chức Thương mại thế giới. Đặc biệt, theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các DN dệt may, da giày vẫn chưa thoát khỏi những cảnh báo từ bên ngoài về khả năng bị kiện chống bán phá giá, những hỗ trợ cho DN xuất khẩu giai đoạn này dù đặc biệt cần thiết, song cần hết sức cẩn trọng. "Theo tôi, những hỗ trợ trực tiếp tới các DN xuất khẩu nên chuyển sang gián tiếp, có thể là hỗ trợ trực tiếp tới người lao động của các DN xuất khẩu", ông Ân đề xuất.

Trên hết, các giải pháp kích cầu cần phải được thực hiện sớm với những thủ tục nhanh gọn. Ông Ân cho rằng, nếu như những giải pháp được thiết kế tốt mà không được đưa vào triển khai ngay trong tháng đầu năm 2009, hiệu quả sẽ giảm đi nhiều. Cải thiện thủ tục hành chính trong việc triển khai gói kích cầu cũng là một giải pháp hữu hiệu hỗ trợ trực tiếp hoạt động của các DN trong bối cảnh hiện nay.         

Bảo Duy
Bảo Duy

Tin cùng chuyên mục