Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhất là từ năm 2011 đến nay, nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với không ít thách thức: kinh tế vĩ mô biến động, lạm phát, sản xuất kinh doanh và thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, nhất là nhiều DN vừa và nhỏ rơi vào bế tắc về thị trường, hàng tồn kho, chi phí đầu vào cũng như thiếu vốn.
Trong điều kiện đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về tài chính - tiền tệ, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ các DN. UBND TP. HCM cũng có nhiều biện pháp, mà một trong những biện pháp đó là nỗ lực kết nối vốn giữa ngân hàng và DN.
Nỗ lực kết nối vốn
Từ đầu năm 2012 đến nay, nhiều chính sách về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh đã được ban hành và thực hiện. Trong đó, đối với vấn đề vốn, toàn ngành ngân hàng nói chung và các ngân hàng trên địa bàn Thành phố nói riêng đã tích cực, chủ động trong việc hỗ trợ vốn cho vay.
Cụ thể, để đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là các DN trong mùa sản xuất - kinh doanh cuối năm 2013, các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM đã đưa ra gói tín dụng 40.000 - 45.000 tỷ đồng, lãi suất không quá 9%/năm kể từ tháng 10/2013.
Thực tế, không phải đến thời điểm này, các ngân hàng mới chủ động đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi cũng như cùng khách hàng ngồi lại tháo gỡ khó khăn về vốn, tài sản thế chấp… để cùng nhau vượt khó. Trên cơ sở cơ chế, chính sách của Chính phủ, của NHNN về tiền tệ, tín dụng và lãi suất, Chi nhánh NHNN TP. HCM đã tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tổ chức thực hiện, đảm bảo cơ chế chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống.
Chừng nào DN xử lý được hàng tồn kho, chừng đó dòng chảytín dụng của các ngân hàng mới được khơi thông
Chính sự chủ động và chỉ đạo quyết liệt của UBND TP. HCM về việc triển khai thực hiện cơ chế tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho DN trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng – DN, đã tạo điều kiện cho DN vay vốn với lãi suất thấp, thông qua các giải pháp cụ thể như: kết nối, ký kết cho vay vốn trực tiếp giữa ngân hàng - DN tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố, tổ chức các cuộc đối thoại để kết nối và tìm sự đồng thuận giữa các chủ thể.
Tính đến tháng 10/2013, TP. HCM đã tổ chức thực hiện chương trình trên tất cả 24 quận, huyện của Thành phố. Tổng số tiền hỗ trợ (gồm khoản cho vay mới; khoản dư nợ tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất và nâng hạn mức tín dụng…) thông qua chương trình kết nối đạt 13.151 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền giải ngân đạt 11.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 90% tổng số tiền cam kết hỗ trợ.
Có 603 khách hàng được ký kết thông qua chương trình kết nối này, trong đó, có 532 DN (chủ yếu là DN vừa và nhỏ); 68 hộ gia đình và 3 hợp tác xã. Lãi suất được ký kết ở mức dưới 9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và từ 9-12%/năm đối với cho vay trung, dài hạn…
Mặc dù quy mô và số lượng DN được hỗ trợ thông qua chương trình vẫn ở mức độ khiêm tốn so với số lượng DN trên địa bàn, nhưng kết quả của chương trình là rất quan trọng và mang lại hiệu quả lớn đối với DN.
Chương trình đã góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN, phục hồi và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. 10 tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội Thành phố đã có nhiều khởi sắc, sản xuất công nghiệp tăng 5,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,9% so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 5,21% so với cuối năm 2012.
Điều này thể hiện những giải pháp hỗ trợ DN, phát triển sản xuất - kinh doanh của Thành phố và chương trình kết nối ngân hàng – DN thời gian qua đã phát huy hiệu quả.
Nhưng tín dụng vẫn khó đạt mục tiêu
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tín dụng là rất khó, vì sức mua còn yếu và tồn kho tăng… là rào cản lớn. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nhiệp, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Công văn số 7558 chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ và cho vay mới với cả DN đang có nợ xấu, nếu có dự án kinh doanh khả thi.
Các ngân hàng cũng cho nhiều DN gia hạn các khoản nợ đến hạn, giảm lãi tiền vay hoặc chưa thu phần lãi quá hạn và ưu tiên chỉ thu nợ gốc. Tính đến cuối tháng 10/2013, các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đã giãn nợ cho 341.434 khách hàng, với 122.672 tỷ đồng; Giảm lãi suất khoản vay cũ xuống dưới 13%/năm cho 60.800 khách hàng, với 175.474 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, sẽ giúp các DN tiếp tục sản xuất - kinh doanh và ngân hàng có thể thu được các khoản nợ cũ, giảm được tỷ lệ nợ khó đòi.
Tuy nhiên, nhu cầu vốn của DN không tăng mạnh trong mùa cao điểm cuối năm, nên tín dụng khó đạt đuợc mức kỳ vọng.
Thực tế, yếu tố lãi suất, quan hệ tín dụng hiện không còn là rào cản đối với các DN như các năm trước, mà khó khăn về thị trường cũng như xử lý hàng tồn kho mới là yếu tố ảnh hưởng lớn đến quyết định vay vốn ngân hàng của các DN.
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến gần cuối tháng 11 cũng mới đạt gần 8% nên không dễ đạt mục tiêu. Chừng nào các DN tìm được lời giải cho những khó khăn mang tính bản chất này, thì chừng đó, dòng tín dụng mới thông chảy mạnh hơn.
>>Lợi nhuận ngân hàng: Áp lực từ tăng trưởng tín dụng thấp