Trong gian khó, tiền chuyển động thông minh hơn
Anh Nguyễn Duy Hoàng, nhà đầu tư bám sàn cho biết, trước đây, anh không quan tâm đến chứng khoán phái sinh vì cứ nghĩ đó là dành cho các tổ chức đầu tư là chính, nhưng đến khi sàn cổ phiếu gặp nhiều thách thức trong chọn ra cơ hội, anh được tư vấn nên sử dụng song song cả 2 thị trường.
Dù chưa hiểu nhiều về phái sinh, nhưng anh nắm được nguyên tắc cơ bản: tiền nên ưu tiên phái sinh khi thị trường cổ phiếu thấy rõ xu thế giá xuống và ngược lại, khi thị trường cổ phiếu xác lập xu hướng giá lên thì nên chú tâm vào đó để kiếm lãi.
Quan sát diễn biến thị trường chứng khoán từ sau Tết Nguyên đán 2020 tới nay, có thể chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 22/1 đến hết tháng 2, thị trường đón nhận tin xấu xuất hiện dịch Covid-19 ở Trung Quốc, nên bắt đầu xu hướng giá xuống.
Giai đoạn 2 là trọn vẹn tháng 3, nhất là 2 tuần cuối tháng, việc dịch bệnh được kiểm soát ở Trung Quốc nhưng bùng nổ ở châu Âu và Mỹ đã kích hoạt dòng tiền bán tháo trên diện rộng. Giai đoạn 3 là kể từ đầu tháng 4 tới nay, nhiều thị trường chứng khoán hội phục mạnh với dòng tiền mới đổ vào thị trường.
Số lượng tài khoản trên TTCK phái sinh.
Trong cả ba giai đoạn trên, dòng tiền có sự dịch chuyển rõ nét từ thị trường cơ sở qua phái sinh và ngược lại. Nhiều nhà đầu tư cũng như anh Hoàng, được sự tư vấn của các môi giới, đã mở thêm tài khoản phái sinh và tham gia giao dịch.
Thống kê của Sở GDCK Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 4/2020, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 110.458 tài khoản, tăng 7,48% so với tháng 3. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng từ 87,82% trong tháng 3 lên 88,23% trong tháng 4/2020. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ chiếm 10,9%, tỷ trọng giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán chỉ chiếm 0,87%, phần còn lại là của các tổ chức khác.
Để kiếm lãi trên cả 2 thị trường
Việc nhà đầu tư cá nhân nắm tới 87,82% giao dịch trên sàn phái sinh cho thấy bức tranh không thật hợp lý tại Việt Nam vì thông thường chủ thể chính trên sàn phái sinh là nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, diễn biến này cũng cho thấy sự năng động của nhà đầu tư đại chúng trong việc luân chuyển dòng tiền, tìm nơi kiếm lãi tốt hơn.
Trước đây, khi thị trường giá xuống kích hoạt, nhà đầu tư thường có hai lựa chọn, hoặc đứng ngoài, hạn chế giao dịch, hoặc tìm kênh đầu tư khác như cổ phiếu chưa niêm yết giao dịch ngoài sàn. Chính vì chỉ có hai lựa chọn này nên dòng tiền dễ bị rút ra mỗi khi thị trường cổ phiếu giảm điểm, làm thanh khoản cũng giảm theo.
Diễn biến dòng tiền hợp đồng phái sinh VN30F2005.
diễn biến chỉ số VN-Index.
Hiện nay, khi thị trường cơ sở giảm, dòng tiền dễ dàng chuyển dịch sang phái sinh, tìm cơ hội. Quan sát hiện trạng giao dịch cho thấy, nhà đầu tư có thể thực hiện hai chiến lược ở thị trường phái sinh.
Chiến lược thứ nhất, vừa cầm cổ phiếu cơ sở vừa short (tham gia vị thế bán) phái sinh để phòng hộ cho danh mục đầu tư. Việc phòng hộ có thể thực hiện một phần hoặc phòng hộ toàn bộ danh mục.
Chiến lược này giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro đối với danh mục. Trong trường hợp thị trường cơ sở giảm điểm thì vị thế short phái sinh sẽ giúp nhà đầu tư có lợi nhuận bù trừ việc giảm điểm của cổ phiếu trên thị trường cơ sở. Đặc biệt, do phái sinh có tỷ lệ đòn bẩy (ký quỹ 13%) cao hơn nhiều so với sàn cơ sở, nhà đầu tư chỉ cần bỏ một số tiền nhỏ vẫn có thể phòng hộ được danh mục.
Chiến lược thứ hai là đầu cơ theo xu hướng giá xuống, nhà đầu tư short phái sinh và kỳ vọng giai đoạn giá xuống vẫn tiếp tục, khi đó sẽ kiếm được lợi nhuận nhờ thị trường tiếp tục giảm điểm.
Nhiều người cắt lỗ trên thị trường cơ sở nhưng "short" phái sinh nên đã bù đắp được thiệt hại.
Giai đoạn tháng 2 và đặc biệt là cuối tháng 3 vừa qua đã chứng minh rõ nhất, nhà đầu tư nhanh nhạy short phái sinh đã kiếm được khoản lợi nhuận lớn so với các nhà đầu tư bảo thủ nắm giữ cổ phiếu. Nhiều người nhờ nhanh nhạy nên dù cắt lỗ trên thị trường cơ sở nhưng nhờ short phái sinh đã bù đắp thiệt hại.
Thị trường cơ sở thường vận hành theo quy tắc 80:20, trong đó 80% cổ phiếu đi theo xu hướng vận động chung, còn 20% đi ngược lại.
Thị trường cơ sở chỉ tạo ra cơ hội kiếm lời khi bước vào sóng tăng, vì vậy việc chọn thời điểm đầu tư rất quan trọng, sau đó mới tới phân tích ngành nào triển vọng.
Nếu như nhà đầu tư chọn đúng ngành hưởng lợi từ xu hướng thị trường thì sẽ có tới 80% cơ hội chiến thắng khi phân bổ cổ phiếu cụ thể. Ngược lại, nếu chọn ngành sai, khi thị trường tăng điểm, cổ phiếu của nhà đầu tư vẫn khó kiếm lời.
Mặc dù thị trường phái sinh tạo ra cơ hội khi chỉ số chung giảm, nhưng do đặc điểm giao dịch T+0 và biến động mạnh, đây là kênh đầu tư không dễ cho nhà đầu tư bảo thủ, hoặc phản ứng chậm chạp. Thị trường này dành cho những nhà đầu tư nhanh nhạy sóng và phản ứng linh hoạt theo xu hướng thị trường.
Sàn phái sinh cần đổi mới cách tính phí
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng
Dòng tiền dịch chuyển qua lại giữa các thị trường cơ sở và phái sinh là bình thường ở các TTCK, bởi vì dòng tiền luôn tìm kiếm cơ hội sinh lời, nơi nào có cơ hội thì nơi đó có dòng tiền. Giai đoạn thị trường cơ sở giảm, nhà đầu tư chỉ có kênh đầu tư phái sinh là có thể sinh lời, vì vậy phát sinh hiện tượng thanh khoản phái sinh tăng cao về khối lượng khớp lệnh và khối lượng hợp đồng mở mới.
Tại Việt Nam, thị trường phái sinh chủ yếu mới thu hút nhà đầu tư ngắn hạn (đầu cơ), do còn rào cản như nhiều loại phí, cách tính phí phức tạp, đặc biệt phí qua đêm. Bên cạnh đó, nếu như thị trường quốc tế chỉ tính phí giao dịch một đầu, thị trường Việt Nam đang tính hai đầu, tạo nên những trở ngại cho nhà đầu khi tiếp cận kênh đầu tư mới này, cũng như hạn chế họ nắm giữ dài hạn. Các chính sách và loại phí hiện tại đang khuyến khích nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn trong ngày, điều này về lâu về dài sẽ không tốt cho thị trường bởi vì giao dịch liên tục tạo nên xác suất thua lỗ cao hơn cho nhà đầu tư và từ đó khiến họ khó gắn bó lâu dài với thị trường.