Dòng tiền nhàn rỗi tranh thủ kiếm lời
Theo thông lệ, nhà đầu tư thường rút bớt tiền ra khỏi tài khoản trước Tết Nguyên đán và tháng Giêng là tháng ăn chơi, nên các tuần giao dịch trong thời gian này thường kém sôi động.
Năm 2022 có thêm một yếu tố khác biệt, là nền kinh tế đã đủ điều kiện để gỡ bỏ hầu hết các hạn chế giãn cách chống dịch, các hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi nhanh chóng nên nguồn tiền của các doanh nghiệp tranh thủ thời gian giãn cách tham gia đầu tư tài chính đã quay trở lại phục vụ hoạt động kinh doanh chính, hoặc tạm thời chưa giải ngân thêm.
Báo cáo tài chính của không ít doanh nghiệp cho thấy, giá trị đầu tư cổ phiếu là không nhỏ. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) mang 200 tỷ đồng đi đầu tư cổ phiếu từ quý II/2020. Thời điểm cuối năm 2021, doanh nghiệp này nắm giữ cổ phiếu NLG của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long và cổ phiếu DXS của Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh, với tổng giá trị đầu tư gốc còn gần 80 tỷ đồng.
Trong năm 2021, sự dịch chuyển dòng tiền từ các doanh nghiệp vào thị trường chứng khoán diễn ra mạnh mẽ hơn.
Ví dụ, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) ghi nhận doanh thu tài chính năm 2021 lên đến trên 206 tỷ đồng, chủ yếu do lãi từ đầu tư chứng khoán hơn 139 tỷ đồng, trong khi năm 2020 chỉ lãi hơn 22 tỷ đồng.
Tổng giá trị gốc chứng khoán đầu tư tính đến ngày 31/12/2021 của NDN là gần 486 tỷ đồng, giá trị hợp lý gần 451 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục là SHB, TCB, VHM, EIB…
Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu Điện (PTC) không phát sinh doanh thu trong năm 2021, nhưng doanh thu tài chính đạt 86 tỷ đồng, đóng góp phần lớn vào lãi trước thuế 71 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 57 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản đầu tư tài chính nằm ở cổ phiếu như 20.000 cổ phiếu PTP của Công ty cổ phần Dịch vụ Viễn thông và In Bưu điện, cùng các khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Halcom Việt Nam (HID), Công ty cổ phần Viglacera Tiên Sơn (VIT), Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long (HLY), Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO)…
Tương tự, tại Công ty cổ phần SAM Holdings (SAM), các khoản đầu tư tài chính đầu năm 2021 là hơn 65,5 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2021 tăng lên 278,5 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HPG) chiếm tỷ trọng lớn nhất, với giá trị hơn 110 tỷ đồng, gấp đôi so với cuối quý III/2021.
Một số khoản đầu tư lớn khác là cổ phiếu DNP của Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai, cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần Tập đoàn FPT, cổ phiếu TCB của Techcombank, cổ phiếu SSI của Công ty Chứng khoán SSI.
Dòng tiền luân chuyển nhanh, các nhóm thay nhau tăng điểm ngắn hạn, nhưng chưa có nhóm cổ phiếu nào đủ mạnh để dẫn sóng thị trường.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, giai đoạn sau Tết Nguyên đán 2022, thị trường chứng khoán ở trong trạng thái tích luỹ nhiều hơn trước những thông tin có yếu tố tác động tiêu cực như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra lộ trình tăng nhanh lãi suất USD, nguy cơ chiến tranh Nga - Ukraine.
Năm 2022, câu chuyện mở cửa nền kinh tế, ngành nghề kinh doanh hoạt động trở lại là vấn đề cần quan tâm, vì sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường, đó là dòng tiền từ các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán trong giai đoạn dịch bệnh, nay rút tiền về tập trung cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đồng quan điểm, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank nhận định, mức thanh khoản 1,5 tỷ USD/ngày trong giai đoạn đỉnh cao khó có thể diễn ra thường xuyên trong năm nay, nhiều khả năng dao động trong khoảng 900 triệu USD - 1 tỷ USD/ngày.
Một trong các lý do giúp thanh khoản năm ngoái ở mức cao là thị trường có thêm dòng tiền từ những doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động kinh doanh do dịch bệnh
Ghi nhận nhiều tài khoản thuộc nhóm này có giá trị tối thiểu là 20 tỷ đồng/tài khoản. Ở không ít tài khoản lớn, 50 tỷ đồng trở lên, sau khi kiếm lời lớn đã rút ra một phần vốn để đầu tư sang các tài sản khác như bất động sản.
Rủi ro đến từ bên ngoài
Theo ông Thành, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới duy trì ở mức cao, vĩ mô hồi phục tốt nên kênh chứng khoán tiếp tục giúp nhiều người kiếm được tiền, tỷ suất không cao như năm ngoái nhưng so với lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn tốt hơn hẳn.
Thị trường bất động sản đang tăng giá, nhưng với các tài khoản có giá trị vừa phải, kênh chứng khoán vẫn dễ tham gia hơn. Hiện thị trường chứng khoán có vẻ thiếu động lực, chủ yếu đến từ các bất ổn bên ngoài.
Nhà đầu tư trong nước không sợ hãi, nhưng có tâm lý chờ đợi khi có một số yếu tố khó tiên lượng tác động sẽ xảy ra. Trong khi đó, dòng tiền của các tổ chức (đặc biệt là tổ chức nước ngoài) thận trọng hơn, dẫn đến chưa có dòng tiền nào dẫn dắt đủ mạnh.
Câu chuyện có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường là Fed sẽ tăng lãi suất USD như thế nào trong tháng 3 tới. Hiện tại, lạm phát ở Mỹ tăng ngoài dự đoán, trên 7%, nên nhiều người kỳ vọng Fed tăng lãi suất và chờ đợi kết quả thực tế.
Maybank Investment Bank mong muốn kịch bản xảy ra là Fed tăng lãi suất 0,5% cho đợt đầu tiên của năm 2022, thay vì 0,25%. Khi đó, thị trường sẽ có phản ứng mạnh, nhưng rồi bình tâm trở lại. Mọi người sẽ hiểu, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát cao và tăng mạnh một lần thì mức tăng cũng như số lần tăng các lần sau có khả năng giảm, tác động lên thị trường nhẹ hơn.
Tâm lý chờ đợi này có thể kéo dài cho đến tháng 3, cũng là lúc nhà đầu tư bắt đầu có các kỳ vọng khi thông tin mới của mùa họp đại hội đồng cổ đông thường niên được tiết lộ sẽ thúc đẩy dòng tiền tham gia thị trường.
Trong khi đó, ông Ngọc cho rằng, tác động của Fed sẽ mạnh hơn vào cuối quý II và đầu quý III/2022, vì hiện cơ quan này chưa rút hết gói nới lỏng định lượng (QE). Nhiều nước châu Âu dự tính rút gói QE trong quý III/2022, nhưng chưa ấn định thời điểm tăng lãi suất. Dần dần, dòng tiền không còn rẻ như năm qua và sẽ ảnh hưởng tới thị trường.
Theo đó, rủi ro sẽ tập trung nhiều hơn vào nửa cuối năm, vì đây là thời điểm ngân hàng trung ương có khả năng liên tục điều chỉnh chính sách và các hoạt động kinh doanh dần trở lại như trước dịch (thời điểm hiện tại mang tính khởi động) dẫn đến một phần dòng tiền trên thị trường được rút ra. Trong giai đoạn đầu năm, chỉ số chứng khoán có thể tăng trong nghi ngờ, thị trường có vẻ yếu nhưng dự báo vẫn sẽ đi lên, kỳ vọng vào các thông tin tích cực ở mùa đại hội đồng cổ đông trong 1 - 2 tháng tới.
Dự báo, thị trường sẽ có diễn biến tích luỹ, rồi bật tăng, VN-Index đạt 1.550 - 1.600 điểm. Dòng cổ phiếu dẫn dắt là các mã của doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao, với câu chuyện tại đại hội là chia cổ phiếu thưởng, cổ tức, phát hành thêm, kế hoạch tăng trưởng…