Dòng tiền vẫn ưu ái nhóm ngân hàng, VN-Index giữ sắc xanh nhạt về cuối phiên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng hút khá mạnh thanh khoản, nhưng áp lực phân phối thường trực khiến nhóm này phân hóa trong khi biên độ dao động giá lại khá hẹp, khiến VN-Index duy trì trạng thái giằng co, rung lắc trong suốt cả phiên hôm nay.
Dòng tiền vẫn ưu ái nhóm ngân hàng, VN-Index giữ sắc xanh nhạt về cuối phiên

Giao dịch trong phiên chiều giống như một bản “copy” của phiên sáng, khi VN-Index bật lên chạm 1.275 điểm ngay khi giao dịch được nối lại và đảo chiều hạ nhiệt từ vùng điểm này ngay sau đó, với bảng điện tử phân hóa mạnh.

Điểm khác biệt so với phiên sáng là VN-Index giữ được sắc xanh nhạt nhờ lực cầu tập trung vào một số ít bluechip trong phiên ATC. Đáng kể khác là thanh khoản có được sự hồi phục, nhưng vẫn chỉ ở mức dưới trung bình.

Đóng cửa, sàn HOSE có 176 mã tăng và 179 mã giảm, VN-Index tăng 2,05 điểm (+0,16%), lên 1.271,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 678,7 triệu đơn vị, giá trị 15.729 tỷ đồng, tăng 25% về khối lượng và 33% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 28,3 triệu đơn vị, giá trị 761,5 tỷ đồng.

Giao dịch ở nhóm bluechip gần như không khác nhiều so với cuối phiên sáng, ngoại trừ cổ phiếu HPG khi vươn lên thanh khoản cao nhất nhóm VN30 và dẫn đầu sàn với hơn 38,1 triệu đơn vị, khối ngoại cũng mua bán sôi động khi mua hơn 6,4 triệu đơn vị và bán ra gần 1,3 triệu đơn vị. Giá cổ phiếu HPG có lúc đã tăng hơn 2,5%, trước khi hạ nhiệt còn +2,1% lên 26.950 đồng khi đóng cửa.

Phần còn lại ít thay đổi về giá, nhưng thanh khoản nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn vượt trội với HDB, VIB, MBB, STB, TCB, SHB, VPB, TPB khi có từ hơn 10 triệu đến hơn 32 triệu đơn vị.

Các mã ngân hàng trên cùng một số cổ phiếu khác ở nhóm công ty chứng khoán như SSI, VCI, HCM, VIX cũng nằm trong số những mã khớp lệnh cao nhất sàn, với 11,1 triệu đến gần 28 triệu đơn vị, nhưng giá cổ phiếu cũng gần như ít biến động.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ xuất hiện một vài cái tên đáng kể, ngoài CTI và ACC giữ vững sắc tím cuối phiên sáng thì vào cuối ngày, các mã DBD, BMP, BMC cũng đã chạm giá trần, khớp lệnh 0,15 triệu đến gần 1 triệu đơn vị.

Tăng tích cực khác vẫn là cổ phiếu ngân hàng LPB, dù hạ nhiệt so với mức đỉnh trong phiên, nhưng vẫn tăng tới gần 5% lên 33.300 đồng, khớp lệnh gần 16 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu HAH, TDM, SAM, PVT, TBC, ADS, SGR tăng từ hơn 2,5% đến gần 4% đi kèm thanh khoản ở mức khá.

Ở chiều ngược lại, vẫn là hai cái tên KPF và PSH giảm sâu, với KPF giảm sàn -6,7% xuống 1.960 đồng, PSH -6,7% xuống 4.150 đồng. Các mã chứng khoán BSI, VDS, ORS giảm 3% đến 3,7%, trong đó, ORS khớp lệnh hơn 11,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index có nhịp hồi phục hãm bớt đà giảm vào giữa phiên chiều, nhưng cũng đã thêm một nhịp lùi về vùng điểm cuối phiên sáng khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 69 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index giảm 0,94 điểm (-0,40%), xuống 231,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,3 triệu đơn vị, giá trị 1.403 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,36 triệu đơn vị, giá trị 35,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ vẫn là tâm điểm, ngoài AMV và SRA giảm sàn từ cuối phiên sáng thì GKM cũng đã “gia nhập” nhóm giảm sàn về 8.500 đồng, khớp lệnh từ 0,71 triệu đến hơn 2,6 triệu đơn vị.

Các mã HUT, DDG, IDC biến động mạnh, có thời điểm cũng đều giảm sàn, nhưng kết phiên ít thay đổi với HUT nhích nhẹ 0,6%, DDG giảm 3,5% và IDC giảm 0,9%.

Các cổ phiếu lớn như SHS, PVS, CEO cũng như cuối phiên sáng, khi chỉ giảm điểm nhẹ. Trong khi MBS phiên này mất tới hơn 5%, khớp lệnh vươn lên cao nhất sàn với 14 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index rung lắc nhẹ quanh vùng giá thấp, trước khi có nhịp bật hồi áp sát tham chiếu vào những phút cuối.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%), xuống 92,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,8 triệu đơn vị, giá trị 450,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,95 triệu đơn vị, giá trị 44,1 tỷ đồng.

Các mã BSR, BCR, HNG là những cổ phiếu hút giao dịch nhất và đều tăng, với HNG +4,44% lên 4.700 đồng, trong khi hai cổ phiếu còn lại tăng trên dưới 1,5%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ, với VN30F2410 tăng 1,7 điểm, tương đương +0,13% lên 1.341,7 điểm, khớp lệnh hơn 223.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 57.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế lớn, với CVPB2315 phiên này khớp lệnh cao nhất khi có hơn 5,64 triệu đơn vị và giảm 6,3% xuống 150 đồng/cq. Theo sau là CTCB2402 với 3,74 triệu đơn vị và giảm 2,44% xuống 400 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục