Bên cạnh nhiều cổ phiếu vẫn đang hấp dẫn và thu hút dòng tiền thì trong thời gian tới, thị trường niêm yết dự kiến sẽ được bổ sung một lượng tiền đầu tư không nhỏ từ thị trường tự do theo chân cổ phiếu lên sàn.
Theo kế hoạch, HD Bank sẽ niêm yết trên HOSE vào ngày 14/12, hiện cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá 32.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù đã tăng giá gấp đôi trong 3 tháng qua, nhưng cổ phiếu HD Bank vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thông tin trên thị trường cho thấy, ngân hàng hàng này chốt giá chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài ở mức 35.000 đồng/cổ phiếu. Nhìn vào bước đi của doanh nghiệp có chung cổ đông lớn là Vietjet, nhiều nhà đầu tư tin rằng, cổ phiếu HD Bank sau khi niêm yết sẽ tiếp tục tăng.
HD Bank cũng như các doanh nghiệp sắp niêm yết khác sẽ giúp dòng tiền mới bổ sung vào thị trường, khi trước đó cổ phiếu được giao dịch sôi động trên thị trường tự do.
Trong bối cảnh chỉ số trên sàn tăng cao, bản tin của các công ty chứng khoán tập trung tư vấn cho nhà đầu tư tìm kiếm các cổ phiếu trong các nhóm ngành đang được định giá thấp.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, các lựa chọn đầu tư mới nên hướng đến nhóm cổ phiếu có định giá thấp và nhìn thấy triển vọng tăng trưởng rõ ràng trong quý IV, chẳng hạn nhóm tôn thép. Sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong 10 tháng đầu 2017 tăng trưởng lần lượt 22,8% và 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Giá thép nhiều khả năng vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng vào mùa xây dựng cuối năm và động thái cắt giảm sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc, nước sản xuất hơn 50% sản lượng thép thô toàn cầu. Chính sách phòng vệ thương mại chính thức của Bộ Công thương đối với các sản phẩm thép dài, phôi thép, tôn mạ kẽm, tôn mạ lạnh và mạ màu tạo điều kiện và cơ hội cho doanh nghiệp nội địa phát triển.
Nhóm cổ phiếu thép đang có mức định giá P/E thấp so với định giá chung của thị trường cũng như mức bình quân các công ty cùng ngành trong khu vực (Trung Quốc 15 - 16 lần, Ấn Độ 18 - 20 lần, Thái Lan 15 - 16 lần), trong khi ngành thép có triển vọng tăng trưởng. Đây là lý do cơ bản giúp các cổ phiếu thép như HPG, SMC, NKG, HSG tăng giá trong phiên giao dịch thứ Tư (6/12), dù thị trường chung điều chỉnh giảm.
Trong phiên 6/12, chỉ số VN-Index có thời điểm giảm 20 điểm, nhưng kết thúc phiên chỉ còn giảm 5 điểm, nhờ một số cổ phiếu lớn chuyển từ giảm sang tăng và không ít cổ phiếu vừa và nhỏ tăng giá. Diễn biến này cho thấy, dòng tiền nhanh chóng tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, từ cả cổ phiếu lớn và nhỏ.
Các cổ phiếu thu hút được dòng tiền chủ yếu được dự báo có kết quả kinh doanh quý IV khả quan, hoặc triển vọng trong năm 2018. Các mã cổ phiếu như PVD, STB, BVH, DBC, NTP, SHB đều tăng giá tốt. Các cổ phiếu nhỏ như HAI, HAG, HNG, AMD tăng giá mạnh vì đã trải qua giai đoạn tích lũy khá lâu. HAI và AMD thậm chí tăng giá trần. Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, mã HCM của Công ty Chứng khoán TP.HCM tiếp tục tăng giá, cho thấy kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư đặt vào cổ phiếu này.
Quan sát bên ngoài có thể khó lý giải hiện tượng dòng tiền đổ vào các cổ phiếu, nhưng các thông tin trên thị trường cho thấy, kế hoạch kinh doanh 2018 đã bắt đầu được tiết lộ. Chẳng hạn, cổ phiếu HSG sau nhiều phiên lình xình đã tăng trở lại khi có thông tin doanh nghiệp chia cổ tức 30%.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Bình chia sẻ, lợi nhuận năm 2017 ước tăng 15 - 20% so với kế hoạch và kỳ vọng doanh thu năm 2018 tăng trưởng 20%. Vietjet kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận cao nhờ khoản hạch toán lợi nhuận từ việc bán máy bay cho công ty cho thuê tài chính…
Nhìn chung, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường duy trì ở mức cao, nhiều nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân đều muốn nắm giữ cổ phiếu lâu dài.
Nhà đầu tư không bi quan như diễn biến của chỉ số
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Ngoài ra, giai đoạn từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11, tình trạng margin khá “căng”. Mặc dù vậy, bản chất thị trường năm nay khác hoàn toàn so với năm 2014 và 2015 - thị trường tăng nóng, chủ yếu là dòng tiền đầu cơ nên tính chất margin quyết định lên thị trường rất lớn. Tạm bỏ qua năm 2016 do dòng tiền yếu. Còn năm 2017, thị trường đi lên nhờ dòng tiền mới rất mạnh, vượt quá kỳ vọng của tôi. Do đó, tôi đánh giá, margin có thể sẽ ảnh hưởng ngắn hạn vào từng nhóm cổ phiếu, nhưng không ảnh hưởng lên xu thế chung của dòng tiền và các nhóm cổ phiếu còn lại.
Trong phiên 5/12, có hiện tượng bán mạnh ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng tình trạng bán tháo không diễn ra ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Nhóm cổ phiếu lớn “nhạy” với thị trường, “nhạy” với margin nên khi thị trường có lo ngại về rủi ro thì nhóm này thường sẽ bị bán mạnh trước tiên. Tuy vậy, động thái này chưa diễn ra, cho thấy tâm lý nhà đầu tư không bi quan như diễn biến của các chỉ số.
Margin trong tình trạng căng
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Về cơ bản, dòng tiền vẫn ở lại thị trường và thông thường, sau mỗi đợt điều chỉnh bởi “căng” margin, thị trường sẽ mất vài phiên điều chỉnh. Dòng tiền ngoại trong năm nay rất khả quan và đang duy trì động thái mua ròng. Nhiều quỹ đầu tư Nhật bản, Hàn Quốc đã và đang đầu tư vào Việt Nam. Cũng có thông tin về một số quỹ đầu tư của Mỹ rất quan tâm và có thể giải ngân vào thị trường Việt Nam trong năm 2018 - 2019.
Bên cạnh đó, có thêm nhiều công ty vốn hóa tỷ USD lên sàn, hoạt động thoái vốn nhà nước, phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm dòng tiền lớn. Theo đó, xu hướng chung của thị trường vẫn là đi lên, sau đợt điều chỉnh này.
Nhóm cổ phiếu nhiều khả năng tiếp tục thu hút dòng tiền là tài chính - ngân hàng. Sau hoạt động tái cơ cấu trước đó, các ngân hàng đã ghi nhận sự tăng trưởng tốt trong năm 2016 - 2017, thu hút dòng tiền lớn và cổ phiếu có động lực tăng giá trong năm tới, nhờ triển vọng kết quả kinh doanh tích cực hơn. Nhóm thứ hai là bất động sản, nhưng tương đối phân hóa. Nhóm thứ ba là dầu khí, nhờ giá dầu dự báo phục hồi trong năm 2018 - 2019. Nhóm chứng khoán hoặc nhóm ngành tiêu dùng cũng có thể duy trì đà tăng trưởng.
Thị trường đang ổn định trở lại
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS)
Nhìn chung, trạng thái thị trường hiện nay là đang ổn định trở lại và sẽ không giảm mạnh, bởi bản chất lượng margin trên thị trường dồi dào hơn so với các năm trước. Theo đó, sự điều chỉnh nhiều khả năng chỉ diễn ra vài phiên, dòng tiền vẫn sẽ ở lại thị trường, chờ thời cơ để giải ngân.
Dự báo, sau khi điều chỉnh khoảng 30 - 40 điểm, thị trường sẽ lấy lại thế cân bằng, bắt đầu hấp thụ thông tin mới về kết quả kinh doanh, thông tin thoái vốn, kế hoạch kinh doanh mới…, thì thị trường sẽ bắt đầu chu kỳ mới.
Đặc biệt, Nhà nước thoái vốn sẽ tạo hiệu ứng tích cực, nhất là dòng tiền ngoại vào thị trường rất tốt. Có thể xảy ra hiện tượng khối ngoại tái cơ cấu, bán bớt cổ phiếu trong danh mục, nhưng là để mua nhóm cổ phiếu khác.
Trong thời gian tới và năm 2018, nhóm cổ phiếu hút dòng tiền sẽ là ngân hàng, chứng khoán, đây là các trụ chính. Một số nhóm cổ phiếu khác như bất động sản, dầu khí, dòng tiền có thể sẽ ngắn hạn hơn.