Dòng tiền vẫn dè dặt chảy vào bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản đang có nhiều yếu tố hỗ trợ, song đà phục hồi vẫn chậm một phần do dòng tiền còn dè dặt.
Phần lớn người mua có tâm lý chờ giá nhà giảm thêm mới quyết định xuống tiền. Ảnh: Dũng Minh Phần lớn người mua có tâm lý chờ giá nhà giảm thêm mới quyết định xuống tiền. Ảnh: Dũng Minh

Hòa trong không khí nhộn nhịp trong buổi mở bán tại dự án Legacy Prime (Bình Dương), song anh Lê Quang - một khách hàng đến từ TP. Thủ Đức, TP.HCM vẫn đắn đo với những sản phẩm ở đây, dù đang có nhiều ưu đãi.

Theo khách hàng này, hiện tại, có thể nói thị trường địa ốc đã qua “cơn bĩ cực”, nhưng anh chưa quyết định mua vì cho rằng giá nhà sẽ giảm thêm trong những tháng cuối năm, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh để chốt doanh số.

Cũng đang có nhu cầu mua nhà ở, nhưng gia đình chị Hoài Thu (đang ở nhà thuê tại quận Gò Vấp, TP.HCM) chưa đưa ra quyết định “xuống tiền” vì một lý do khác. Chị kể, thời gian gần đây, có nhiều nhân viên môi giới liên hệ để tư vấn về những dự án căn hộ đang mở bán, mức giá dao động từ 38-45 triệu đồng/m2 đi kèm nhiều chính sách ưu đãi.

“Sau nhiều lần đi xem nhà mẫu và tính toán, gia đình tôi vẫn chưa thể quyết định sẽ mua ở đâu, bởi dự án có mức giá phù hợp thì lại ở quá xa, còn dự án có vị trí thích hợp thì giá lại cao. Hơn nữa, tài chính gia đình chưa đủ nên nếu quyết định mua nhà lúc này sẽ phải vay ngân hàng số tiền khá lớn, sợ gồng gánh không nổi”, chị Thu nói.

Là doanh nghiệp đang trực tiếp bán hàng tại thị trường Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding cho biết, sở dĩ khách hàng “ngại” vay ngân hàng để mua nhà là vì thời gian qua, lãi suất cho vay thả nổi tại các ngân hàng vẫn còn cao. Bên cạnh đó, diễn biến vĩ mô toàn cầu cũng như trong nước vẫn khó lường nên phải thận trọng, nhà đầu tư không liều lĩnh sử dụng đòn bẩy tài chính đi mua nhà đất như trước đây.

Theo ông Hậu, tâm lý người mua đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố liên quan đến kinh tế chung và có một thực tế là nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng “ăn đong” đơn hàng, sản xuất cầm chừng, người lao động bị giảm thu nhập, thậm chí có không ít người bị mất việc. Từ đó, việc chi tiêu hàng ngày cũng sẽ được điều tiết lại, chứ chưa nói đến việc đầu tư bất động sản.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ (EZ Property) cũng cho hay, thực tế, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho cả khoản vay mới và cũ nhưng chưa nhiều và sẽ theo lộ trình, trong khi không ít nhà đầu tư bất động sản có khoản vay cũ đã “hết lực”, không còn nguồn thu nhập khác để duy trì. Do đó, dù lãi suất giảm, những nhà đầu tư này vẫn rất khó xoay xở.

Còn ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam chia sẻ, dù mức độ quan tâm tới bất động sản và lượng tin đăng đều tăng trong 2 tháng qua, nhưng tỷ lệ xuống tiền mua thực vẫn thấp.

Theo ông Tuấn, đa phần người mua đánh giá, thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm sẽ ổn định hơn, nhưng để giao dịch tăng mạnh thì cần ít nhất 1-2 quý nữa. Vì vậy, những người có nguồn tài chính dư dả vẫn “đủng đỉnh” giữ tiền chờ thời cơ chín muồi nhất.

Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận rằng, nhóm nhà đầu tư có sẵn dòng tiền, đang chuẩn bị bắt đáy bất động sản không phải là nhóm khách mua chủ lực giúp gia tăng thanh khoản bền vững cho thị trường, nhóm này cũng không quá đông đảo để có thể làm thị trường ấm lên nhanh chóng.

“Nhóm khách mua ở thực, mua đầu tư dài hạn mới chiếm phần lớn sức cầu nhà đất và là đích đến bền vững cuối cùng cho thị trường. Vì vậy, cần phải phát triển những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhóm nhà đầu tư này, chẳng hạn căn hộ chung cư giá vừa tầm khoảng 2- 3 tỷ đồng/căn, hoặc đất nền pháp lý đầy đủ giá dao động quanh mức 2 tỷ đồng/nền, hoặc nhà riêng tầm giá dưới 4 tỷ đồng/căn”, ông Tuấn nói.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục