Dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang chuyển hướng

(ĐTCK) Dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang chuyển hướng nhằm đón đầu cơ hội từ sự phục hồi kinh tế.
Cổ phiếu bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, thủy sản đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Bất động sản, xây dựng được quan tâm

Trong tháng 12 này, thị trường chứng khoán được dự đoán có sự phân hoá mạnh mẽ, dòng tiền sẽ rũ bỏ mạnh hàng đầu cơ thuộc doanh nghiệp yếu kém và chảy vào các ngành, doanh nghiệp dự kiến có kết quả kinh doanh quý IV/2021 tăng trưởng, hưởng lợi từ chính sách kích cầu, hoặc có “câu chuyện riêng” như tăng vốn.

Tháng 11 vừa qua là vùng trũng thông tin của hầu hết các doanh nghiệp, nhưng thị trường vẫn có diễn biến khả quan, nhờ kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế.

Trong đó, dòng cổ phiếu bất động sản “dậy sóng”, vì được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ các gói kích cầu sẽ được triển khai. Tuy nhiên, không ít cổ phiếu yếu kém thuộc nhiều nhóm ngành khác cũng tăng giá theo.

Phiên 29/11, giới đầu tư lo lắng về biến thể mới Omicron của virus corona lây lan trên thế giới, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu “đỏ lửa”, nhưng phản ứng của các nhà đầu tư trong nước tích cực hơn dự báo.

Chỉ số VN-Index có lúc mất 28 điểm, nhưng kết phiên chỉ giảm 8 điểm, thanh khoản ở mức 31.000 tỷ đồng - không cao so với trung bình các phiên trước đó, cho thấy không có sự bán tháo trên diện rộng, mà chỉ tập trung ở một số nhóm cổ phiếu tăng nóng, thiếu nền tảng, còn các cổ phiếu tốt vẫn có dấu hiệu bật lên.

Dòng tiền dần chảy vào các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh khả quan, nhóm được kỳ vọng hỗ trợ bởi các chính sách kích thích kinh tế là đầu tư công như xây dựng, vật liệu xây dựng, giúp các mã HBC, CII, LCG, FCN, C4G, VGC, BCC, HT1 tăng giá.

Nhóm bất động sản sau đợt tăng giá trong tháng 11 hiện có diễn biến phân hóa, có những mã điều chỉnh, nhưng có những mã vẫn thu hút dòng tiền như CEO, SCR, DXG, DIG, HQC…

Tâm lý nhà đầu tư được củng cố trước thềm “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” (diendankinhte.quochoi.vn) diễn ra ngày 5/12, trong đó có thông tin về các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cổ phiếu đầu cơ điều chỉnh

Kích thích kinh tế thường tập trung vào việc đầu tư hạ tầng giao thông lớn, đây được xem là động lực chính, có tác động tích cực tới nhiều ngành nghề, bao gồm bất động sản. Theo đó, cổ phiếu bất động sản được nhà đầu tư quan tâm, tạo “sóng” trên thị trường. Trong sóng ngành này, có những cổ phiếu của doanh nghiệp nhỏ, yếu kém được một số đối tượng “vẽ vời, tung hô” nhằm thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm.

Đơn cử, mã PTL của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí liên tiếp tăng giá mạnh, dù doanh nghiệp này có lỗ lũy kế lớn, muốn huỷ niêm yết tự nguyện, lãnh đạo cũ vướng vào vòng lao lý…

“Khi đã vào sóng bất động sản, chỉ cần các room (nhóm tư vấn chứng khoán trên mạng) hô mua vì doanh nghiệp có quỹ đất, có triển vọng khả quan... là nhiều nhà đầu tư tự động đặt lệnh”, một nhà đầu tư nói và cho biết, giá cổ phiếu PTL tăng trần phiên 25/11 đã kích thích tâm lý sợ lỡ cơ hội (FOMO), càng đẩy giá liên tiếp tăng cao. Đến phiên xác định giá đóng cửa ngày 2/12, giá đột ngột giảm sàn, phiên 3/12 cũng giảm sàn.

Một số cổ phiếu khác sau giai đoạn tăng nóng đã quay đầu giảm sàn liên tục như TNI của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam, SJF của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương, IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I.

Trước đó, mã TNI tăng từ 6.000 đồng/cổ phiếu lên 12.000 đồng/cổ phiếu, khiến lãnh đạo TNI lên tiếng cảnh báo về diễn biến giá cổ phiếu bất thường, trong khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, kể cả mảng bất động sản được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cũng đang vướng pháp lý chưa triển khai.

Mã SJF tăng gấp 3 sau 1 tháng và gấp 6 sau 3 tháng, đạt trên 24.000 đồng/cổ phiếu ngày 26/11, được cho là đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư khi có tin đồn công ty con của SJF là Công ty cổ phần BWG Mai Châu sẽ được Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) thâu tóm (đại diện HPG đã lên tiếng phủ nhận tin đồn này).

Với IDI, cổ phiếu của doanh nghiệp có mảng xây dựng, bất động sản, nhưng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thuỷ sản có đà tăng nóng từ dưới mệnh giá lên 25.300 đồng/cổ phiếu ngày 29/11, gần gấp 3 trong chưa đầy 1 tháng.

Quý IV là mùa xuất khẩu, trong khi giá bán tăng, chi phí logistics hạ nhiệt..., ngành thủy sản được nhìn nhận sẽ có kết quả kinh doanh khả quan, bao gồm IDI. Tuy nhiên, giá cổ phiếu tăng nhanh và mạnh cho thấy dòng tiền đầu cơ nhập cuộc quá cao, gây rủi ro cho những người mua đuổi.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu ở vùng đỉnh lịch sử, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị IDI đăng ký bán ra toàn bộ 12,535 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,51%.

Trong phiên cuối tuần qua, ông Thuấn đã trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Chứng khoán và cho biết, ông bán lô cổ phiếu cho đối tác lớn thông qua thỏa thuận. Phiên cuối tuần cũng ghi nhận giao dịch thỏa thuận đúng bằng số cổ phiếu ông Thuấn đăng ký bán ra. Dù vậy, giá cổ phiếu IDI đã giảm sàn 4 phiên liên tục, có thể khiến tình trạng bán giải chấp (call margin) diễn ra (lệnh bán tự động từ các công ty chứng khoán).

Chọn cổ phiếu có nền tảng tốt

Theo các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, cũng như giới chuyên gia, cổ phiếu đầu cơ thường tăng sốc, giảm sâu, rủi ro rất cao nếu không nhanh nhạy nắm bắt thông tin và có mối quan hệ với lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các “đội, nhóm” đầu tư lớn.

Thị trường chứng khoán có triển vọng tích cực nhờ môi trường lạm phát và lãi suất thấp, Chính phủ có các chương trình kích thích kinh tế...

Về tình trạng mua trước đón đầu cơ hội dựa trên các thông tin hỗ trợ về ngành, đặc biệt là kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách kích thích kinh tế như hiện nay, nhà đầu tư cần phân tích ngành, phân tích doanh nghiệp một cách thấu đáo, vì giá cổ phiếu đang ở vùng cao, không phải cổ phiếu nào cũng có khả năng tiếp tục tăng.

Mua cổ phiếu cơ bản tốt thì dù giá sau đó điều chỉnh vẫn có cơ hội thu hồi vốn, nắm giữ trung và dài hạn có thể thu lãi như các mã HPG, HSG, FPT… Còn cổ phiếu “rác”, cổ phiếu của doanh nghiệp không có nền tảng, khi giá quay đầu giảm thì nhà đầu tư gần như không có chỗ bấu víu, thậm chí muốn bán cắt lỗ cũng không được vì mất thanh khoản.

Hiện tại, nhà đầu tư nên tập trung phân tích, chọn lọc cổ phiếu của doanh nghiệp dự kiến đạt kết quả kinh doanh tốt trong quý IV/2021 như nhóm thuỷ sản, ưu tiên chọn các mã đầu ngành. Với nhóm cổ phiếu chứng khoán là các công ty thuộc tốp đầu về thị phần, hoặc có kế hoạch tăng vốn nhằm chuyển mình trong hoạt động kinh doanh. Nhóm phân đạm cũng đáng quan tâm khi từ đầu năm 2021 đến nay kinh doanh bội thu.

Nhiều chuyên gia duy trì quan điểm tích cực về triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán. Kênh chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút đầu tư và không thiếu cơ hội nhờ môi trường lạm phát, lãi suất ở mức thấp, Chính phủ có các chương trình hỗ trợ kinh tế quy mô lớn…

Mai Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục