Dòng tiền tìm đến cổ phiếu bất động sản

(ĐTCK) Trong 3 tuần của tháng 9, phiên giao dịch ngày 5/9, nhóm cổ phiếu BĐS được giao dịch khá mạnh, chốt phiên ITA và FLC cùng đứng giá tham chiếu, SCR, IJC, OGC, KBC tăng giá. Phiên ngày 11/9, nhóm BĐS vẫn hút thanh khoản trên cả 2 sàn.
Dòng tiền tìm đến  cổ phiếu bất động sản

ITA, SAM, SCR, KBC, OGC tăng giá, FLC giảm nhẹ 100 đồng, IJC giảm 200 đồng. Phiên cuối tuần qua (19/9), nhóm cổ phiếu này phần lớn đóng cửa gần mức giá thấp nhất phiên, dự báo sẽ tiếp tục điều chỉnh trong đầu tuần này.

Thống kê biến động giá của 60 mã cổ phiếu ngành BĐS trên 2 sàn một tháng qua cho thấy, có 19 mã có mức giá tăng trên 10%, trong đó có tới 13 mã có giá dưới mệnh giá (tại thời điểm 18/8), khối lượng giao dịch bình quân nhìn chung không cao, một vài mã có sự gia tăng đột biến về khối lượng trong vài phiên của tháng 9, như SJC giao dịch 56.800 CP phiên 18/9 so với khối lượng giao dịch bình quân chỉ khoảng 8.000 CP/phiên; SJS cũng giao dịch đạt 1 triệu đơn vị/phiên ngày 8/9; PV2 giao dịch đột biến 2.112.600 CP trong phiên 12/9… Thanh khoản cao nhất vẫn thuộc về FLC với 21,4 triệu CP/phiên, kế đến là ITA với 10,7 triệu CP/phiên, SCR đạt 5,27 triệu CP/phiên, HQC giao dịch 4,4 triệu CP/phiên…

Theo đánh giá của nhiều CTCK, ở một số mã cổ phiếu thuộc những DN ngành BĐS có tiến độ bán hàng tốt, quỹ đất lớn và hướng đến những phân khúc đang có nhu cầu cao về nhà ở có thể thu hút dòng tiền. Xu hướng này sẽ thể hiện rõ hơn khi các DN công bố kết quả kinh doanh quý III.

Trong số 19 mã tăng giá trên, có 4 mã cổ phiếu có thanh khoản rất tốt, đạt trên 1 triệu đơn vị/phiên, gồm ASM (tăng giá 30,68% trong vòng 1 tháng gần đây), PVL (tăng 27,78%), KBC (tăng 22,73%) và PTL (10,81%). Trong đó, 2 DN có nguồn thu ổn định trong tương lai; 2 DN có kết quả kinh doanh thua lỗ.

Cụ thể, lợi nhuận quý II của CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL) tiếp tục ghi nhận con số âm và là quý thứ 8 liên tiếp Công ty thua lỗ. Tính đến 30/6/2014, PVL lỗ lũy kế lên tới 187 tỷ đồng, chiếm hơn 37% vốn điều lệ.

Mới đây, Công ty đã quyết định chuyển nhượng quyền sử dụng đất và toàn bộ quyền sở hữu tài sản trên lô đất 2.800 m2 của Tòa nhà Trung tâm thương mại và khách sạn Quỳnh Lưu Plaza cho đối tác Vietinbank khai thác, sử dụng. Giá trị chuyển nhượng không thấp hơn giá trị công nợ của PVL tại Vietinbank - Chi nhánh Hoàng Mai. CTCP Đầu tư Hạ tầng & Đô thị Dầu khí (PTL) thoát lỗ quý II/2014 nhờ có khoản lợi nhuận khác 21 tỷ đồng, tuy nhiên luỹ kế 6 tháng, PTL vẫn lỗ 14,3 tỷ đồng, đưa lỗ luỹ kế của Công ty lên 161,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), 6 tháng đầu năm, KBC đạt 220 tỷ đồng doanh thu, tăng 16%; LNST gần 16 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 54 tỷ đồng cùng kỳ. Theo thông tin từ KBC, ngày 20/8, KBC đã ký hợp đồng cho thuê 100 héc-ta đất ở KCN Quang Châu với Công ty Wintek (Đài Loan) để đầu tư mở rộng dự án. KBC có chủ trương tiếp tục thoái vốn tại CTCP Thuỷ điện SGI - Lào và CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn, giúp KBC giảm lỗ hoạt động tài chính. Những thông tin này đã giúp giá và thanh khoản cổ phiếu KBC gia tăng đáng kể.

CTCP Đầu Tư & Xây Dựng Sao Mai Tỉnh An Giang (ASM) cũng vừa công bố thông tin về việc phát hành hơn 59,6 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 1.073 tỷ đồng, chủ yếu để bổ sung nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu đầu tư các dự án BĐS của Công ty. Hiện ASM đang sở hữu 28 dự án bất động sản, với tổng quy mô đầu tư lên đến 12.600 tỷ đồng, tổng doanh thu dự kiến gần 22.000 tỷ đồng. Nửa đầu năm, ASM đạt 547 tỷ đồng doanh thu thuần, LNST 27 tỷ đồng. Theo ASM, trong 6 tháng cuối năm, Công ty sẽ hạch toán thêm trên 80 tỷ đồng doanh thu từ mảng bất động sản.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích CTCK MayBank Kim Eng cho rằng, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu ấm dần ở một vài phân khúc, nhưng xét trong thời gian còn lại của năm 2014, sẽ khó có khả năng các cải thiện kịp phản ánh vào trong BCTC của các công ty. Cơ hội đầu tư tốt nhất dành cho nhóm ngành này có thể sẽ bắt đầu trong năm sau.     

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục