Dòng tiền tiết kiệm đang dịch chuyển

(ĐTCK) Lãi suất giảm sâu, trong khi các kênh đầu tư khác đang có dấu hiệu ấm lên, là một trong những lý do để dòng tiền nhàn rỗi chuyển hướng sang nơi có khả năng sinh lời cao hơn.
Dòng tiền tiết kiệm đang dịch chuyển

Thực tế cho thấy, tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng trong thời gian qua đã không theo kịp so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, mà nguyên nhân chính được cho là do lãi suất đầu vào giảm mạnh.

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm nay của OCB cho thấy, cho vay khách hàng đạt 24.557 tỷ đồng, tăng trưởng 15,5%. Tiền gửi của khách hàng đạt 26.807 tỷ đồng, tăng 12,1%. Tại VPBank, cho vay khách hàng đạt 96.278 tỷ đồng, tăng trưởng 22,8%; tiền gửi của khách hàng đạt 120.430 tỷ đồng, tăng 11,1%. Như vậy, vốn huy động của VPBank chỉ tăng trưởng phân nửa so với tốc độ tăng của hoạt động cho vay.

Không chỉ đến thời điểm này, huy động vốn mới tăng trưởng chậm hơn so với tín dụng, bởi báo cáo tài chính của các ngân hàng cuối quý I/2015 đã cho thấy điều đó. Theo báo cáo tài chính hợp nhất Sacombank, đến hết quý I/2015, Ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng 4,7%, với dư nợ cho vay 133.987 tỷ đồng; huy động vốn chỉ nhích hơn chút đỉnh, tăng 4,9%, đạt 171.100 tỷ đồng. Còn theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2015, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt hơn 345.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6,52% so với cuối năm 2014. Tính đến hết tháng 6, huy động vốn của Ngân hàng tăng 7,67% so với năm 2014.

Theo số liệu từ Cục Thống kê TP. HCM, tính đến tháng 7, tổng dư nợ tín dụng tại TP. HCM đạt 1.133,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước và tăng 6,1% so với đầu năm. Mức tăng này tương đương tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của cả nước trong 6 tháng đầu năm.

Trong khi đó, tình hình huy động vốn trên địa bàn thành phố tính đến đầu tháng 7/2015 đạt 1.416 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 15,3%, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2014; vốn huy động VND chiếm 84,7%, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Huy động vốn toàn ngành ngân hàng đến hết tháng 6/2015 chỉ đạt mức tăng trưởng 4,37%, trong khi dư nợ tín dụng tăng trưởng đến 6,09%.

Thực tế thời gian qua cho thấy, các ngân hàng đã tái tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm không chỉ với kỳ hạn dài ngày mà còn cả kỳ hạn ngắn, nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trước áp lực các kênh đầu tư khác đang có chiều hướng ấm trở lại. Tuy nhiên, do phân khúc bất động sản nhà để ở hồi phục, nên nhiều khách hàng cá nhân rút tiền gửi tiết kiệm trước đây để mua nhà, thậm chí vay thêm một phần vốn từ ngân hàng do lãi suất thấp.

Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc VietA Bank cho rằng, mặt bằng lãi suất hiện nay là điều kiện khá tốt cho khách hàng cá nhân vay mua nhà. Đồng thời, giá bất động sản cũng về mức phù hợp hơn trước nên đã thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ những người có nhu cầu mua nhà để ở.

Thêm vào đó, các ngân hàng đang ra sức đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, lãi suất cũng dần ưu đãi hơn trước. Vì thế, đây được xem là thời điểm thích hợp để những người có nhu cầu rút tiền gửi tiết kiệm mua nhà. Đồng thời, xu hướng chứng khoán tăng cũng sẽ hút tiết kiệm của người dân.

Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, với xu hướng lãi suất tiết kiệm giảm cùng với quyết định nới thêm mức sở hữu nước ngoài tại các DN niêm yết, thị trường bất động sản hồi phục, đây sẽ là cơ hội cho chứng khoán, bất động sản thu hút nguồn vốn.

Ông Ho cho biết thêm, việc lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh thời gian qua và nhiều ý kiến cho rằng khó có thể tăng mạnh trở lại trong thời gian tới, chính là cơ hội để các kênh đầu tư khác hút vốn. Cơ sở để lý giải cho việc lãi suất tiền gửi khó tăng do lạm phát tại Việt Nam được kiểm soát ở mức thấp, tạo điều kiện để lãi suất đi xuống và ổn định.

“Lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm, không còn hấp dẫn nguồn tiền nhàn rỗi như trước, nên các khách hàng cá nhân sẽ không mặn mà với việc gửi tiết kiệm mà chuyển hướng sang bất động sản hoặc chứng khoán. Đặc biệt là khi thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục trở lại, dù trước mắt chỉ ở phân khúc nhà dành cho người có nhu cầu thực”, ông Ho nói.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng được nhận định sẽ cải thiện tốt hơn trong quý còn lại của năm 2015. Đáng chú ý là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định nới room tăng trưởng tín dụng cho hàng loạt ngân hàng lên mức 30 - 35% và nhiều khả năng sẽ điều chỉnh mục tiêu tín dụng toàn ngành năm 2015 từ 15% lên 17%.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục