Dòng tiền tập trung vào 30 cổ phiếu lớn

(ĐTCK) 80% dòng tiền đầu tư tìm mua các mã trong rổ tính HNX30, trong khi 20% còn lại được phân bổ cho 367 cổ phiếu cùng niêm yết khác.

30 cổ phiếu được chọn lựa trong rổ tính HNX30 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong 3 tháng gần đây đã chiếm tới 80% giá trị giao dịch toàn thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc 80% dòng tiền đầu tư tìm mua các mã này, trong khi 20% còn lại được phân bổ cho 367 cổ phiếu cùng niêm yết khác.

Dòng tiền phân hóa mạnh

Tại Sở GDCK TP. HCM, mức độ tập trung vào các cổ phiếu lớn của dòng tiền đầu tư không "đậm đặc" như tại HNX, nhưng cũng đáng chú ý khi có khoảng 35 - 55% dòng tiền tìm mua các cổ phiếu trong VN30, phần còn lại (45 - 65%) dòng tiền phân bổ vào 280 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ cùng niêm yết.

Thị trường cần có thêm các bộ chỉ số mới để phản ánh diễn biến giá của các nhóm cổ phiếu khác

Cùng với sự "phất lên" của nhóm cổ phiếu hàng đầu khi ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, sự phân hóa của nhóm cổ phiếu yếu ngày càng rõ nét, khi số lượng các cổ phiếu không có giao dịch tăng dần. Tại HNX, nhiều phiên có tới cả trăm mã cổ phiếu không có giao dịch, do không có lệnh mua, bán nào được đưa vào hệ thống, hoặc nếu có lệnh cũng chỉ là lệnh một chiều. Tại sàn HOSE, tình trạng nhiều mã cổ phiếu không có giao dịch cũng đáng quan tâm, khi trung bình mỗi phiên có khoảng 40 - 50 mã cổ phiếu không có giao dịch, số mã cổ phiếu được giao dịch dưới 1.000 cổ phiếu (giao dịch cho có giá), cũng lên tới con số hàng trăm tại sàn này.

 

TOP 30 không mang nghĩa cổ phiếu tốt

Thực trạng dòng tiền chảy mạnh vào TOP 30 cổ phiếu được chọn lựa để tính chỉ số đại diện cho từng sàn, đang đặt ra một câu hỏi, phải chăng các cổ phiếu trong TOP này đều là cổ phiếu tốt? Câu trả lời là KHÔNG, bởi tiêu chí chọn lựa các cổ phiếu vào TOP này không căn cứ trên hiệu quả hoạt động của các DN.

Tại HOSE, tiêu chuẩn đầu tiên chọn cổ phiếu vào rổ tính VN30 là giá trị vốn hóa lớn, tính bình quân hàng ngày trong 6 tháng liên tục. Tiêu chuẩn tiếp theo là tỷ lệ Free Float (tạm gọi là tỷ lệ cổ phiếu được tự do chuyển nhượng) và tiêu chuẩn thứ ba là tính thanh khoản của từng cổ phiếu. Tại HNX, cách chọn lựa cổ phiếu vào rổ tính HNX30 cũng khá tương đồng với HOSE, khi chỉ căn cứ trên 3 yếu tố chính trên và hoàn toàn không quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các DN.

Với cách chọn lựa như trên, nhóm 30 cổ phiếu có mặt trong rổ tính VN30 và HNX30 không mang hàm nghĩa là cổ phiếu tốt, mà đặc trưng của nhóm này là có vốn hóa lớn, thanh khoản cao, tỷ lệ cổ phiếu được tự do chuyển nhượng lớn. Tất nhiên, vì chọn lựa theo quy mô DN lớn, nên phần nhiều cổ phiếu trong TOP 30 này có DN hoạt động vững chãi, hiệu quả, nhưng bên cạnh đó cũng có những DN kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Vậy vì sao nhóm 30 cổ phiếu này ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của dòng tiền? Câu trả lời là vì thanh khoản, thanh khoản và thanh khoản.

Dòng tiền hướng mạnh vào 30 cổ phiếu được chọn để tính chỉ số đại diện trên 2 sàn là thành công của các Sở trong việc chọn lựa và vận hành chỉ số mới. Tuy nhiên, trước diễn biến về sự phân hóa ngày càng rõ nét giữa nhóm cổ phiếu trong TOP 30 với đại đa số cổ phiếu còn lại, vấn đề đặt ra là các Sở cần có thêm các bộ chỉ số theo các tiêu chí riêng, như ngành, chỉ số cổ tức…, để tăng vẻ đẹp của từng khối DN trên thị trường. Việc có thêm các chỉ số mới sẽ giúp gia tăng khả năng thu hút dòng tiền đầu tư vào TTCK và tăng sự chỉ dẫn đến nhà đầu tư trong việc tìm ra cơ hội phù hợp trong bức tranh chung của toàn thị trường.

Tường Vi
Tường Vi

Tin cùng chuyên mục