Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia chiến lược thị trường cao cấp CTCK MB (MBS), điểm nhấn quan trọng trong quá trình điều chỉnh của các chỉ số chứng khoán Việt Nam gần đây bao gồm, các chỉ số chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới trong tuần qua nhờ số liệu kinh tế tích cực và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục không tăng lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế và ứng phó với sự kiện Brexit trong thời gian tới.
Thứ hai, các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục xu thế tăng điểm từ sau sự kiện Brexit diễn ra, đây là kết quả của những động thái gần đây của các ngân hàng trung ương: Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) giữ nguyên lãi suất và phát tín hiệu về khả năng tung gói kích thích trong tháng 8. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chuẩn bị các giải pháp cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế khu vực trong mọi tình huống.
"Rủi ro ngắn hạn của thị trường đang ở mức lớn hơn. VN-Index đang thử lại vùng hỗ trợ 640 điểm, ở kịch bản tiêu cực nếu mốc hỗ trợ này không đứng vững, đường giá có thể còn vận động đi xuống trong ngắn hạn các tuần tới đây"
Chỉ số chứng khoán Nhật Bản cũng có tuần tăng điểm tích cực khi Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) đang chuẩn bị tung thêm gói kích thích kinh tế mới. Các chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-Index, HNX-Index có tuần điều chỉnh giảm mạnh sau khi tạo đỉnh trong tuần trước, áp lực bán gia tăng tại nhóm cổ phiếu trụ cột là nguyên nhân chính cho sự điều chỉnh này.
Riêng trong tuần này, có 2 sự kiện quan trọng có thể tác động tới TTCK thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đó là cuộc họp của Fed và BOJ. Nhiều dự báo cho rằng, các chính sách đưa ra trong kỳ họp này sẽ theo hướng tích cực cho các thị trường tài chính khi Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất hiện hành và BOJ sẽ đưa ra thêm biện pháp kích thích kinh tế.
Trong phiên đầu tuần, TTCK Việt Nam ghi nhận diễn biến giao dịch thận trọng khi thị trường vẫn suy giảm về điểm số và thanh khoản, mặc dù vậy biến động trong phiên đã thu hẹp lại và biên độ giảm điểm của các chỉ số ở mức thấp. Diễn biến này cùng với thanh khoản giảm về mức thấp là một trong những tín hiệu tạo đáy ngắn hạn, thêm một điểm tích cực cho quá trình tạo đáy ngắn hạn là việc khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng tích cực hơn 120 tỷ đồng trong phiên đầu tuần.
Về kỹ thuật, nếu tính vùng điểm thấp nhất mà các chỉ số hình thành trong tuần này so với với đỉnh của tuần trước thì VN-Index đã giảm 6,02% và HNX-Index đã giảm 5,68%, trong đó nhiều cổ phiếu cả blue-chip, midcap và penny đã có mức giảm từ 10 - 20%, cá biệt có nhiều cổ phiếu tăng nóng thời gian qua đã giảm từ 25 - 40%. Thực tế này giải thích cho hiện tượng dòng tiền nhen nhóm trở lại bắt đáy ở nhiều cổ phiếu, mặc dù thị trường chung vẫn thận trọng.
CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định, VN-Index thử đáy tới 3 lần trong phiên đầu tuần nhưng vẫn đóng cửa gần ngưỡng 650 điểm. Chỉ số vẫn dao động trong vùng 633 - 679 điểm như nhận định trong báo cáo chiến lược tháng 7 của Rồng Việt. Với diễn biến hiện nay của thị trường, lựa chọn thời điểm giải ngân là điều quan trọng nhất. VDSC cho rằng, những phiên rung lắc mạnh có thể được coi là cơ hội để mua các cổ phiếu cơ bản với giá tốt.
Còn theo ông Ngọc, vùng hỗ trợ mạnh hiện nay của VN-Index là vùng 640 điểm và của HNX-Index là vùng 83 điểm, đây là các vùng điểm hỗ trợ trung hạn của các chỉ số và nhiều khả năng dòng tiền sẽ trở lại mạnh mẽ hơn khi các chỉ số giảm về các ngưỡng hỗ trợ này. Điều này có thể kết thúc trạng thái điều chỉnh của thị trường, đưa các chỉ số hồi phục trở lại.
Theo đó, ông Ngọc khuyến nghị NĐT có thể mở lại trạng thái mua từng phần khi thị trường giảm về các vùng hỗ trợ 640 điểm với VN-Index và 83 điểm với HNX-Index, việc mua vào nên lựa chọn các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, vì đây là thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2016 và dòng tiền sẽ ưu ái cho những công ty có kết quả tích cực.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng Phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, rủi ro ngắn hạn của thị trường đang ở mức lớn hơn. VN-Index đang thử lại vùng hỗ trợ 640 điểm, ở kịch bản tiêu cực nếu mốc hỗ trợ này không đứng vững, đường giá có thể còn vận động đi xuống trong ngắn hạn các tuần tới đây.
Có hai yếu tố chính khiến ông Lâm lo ngại là dòng tiền khối ngoại không còn mạnh như các tháng trước, họ vẫn duy trì mua ròng nhưng giá trị mua ròng không lớn. Thứ hai là yếu tố chu kỳ, sắp vào tháng 7 Âm lịch, theo thống kê 5/6 năm gần đây, VN-Index chỉ tăng 1 năm, còn lại đều giảm.
Theo đó, ông Lâm khuyến nghị, NĐT không vội vàng mở thêm các vị thế mua mới và chờ đợi kết quả thử lại khu vực hỗ trợ 640 điểm, tỷ trọng được khuyến khích hiện tại là cân bằng giữa tiền và cổ phiếu, NĐT không nên mạo hiểm với margin quá mức.