Sau tuần cuối cùng của tháng 6 cũng là tuần cuối của quý II/2024, chỉ số VN-Index chứng kiến đà giảm mạnh và xuyên qua ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.250 điểm, đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7.
Thị trường giao dịch ảm đạm suốt cả phiên sáng ngày 1/7 bởi trạng thái giằng co của VN-Index và thanh khoản giảm mạnh. Mặc dù diễn biến có chút kém khả quan hơn trong nửa cuối phiên đã khiến chỉ số chung có những thời điểm bị đẩy về sát mốc 1.240 điểm, nhưng thị trường đã bảo toàn được vùng giá này.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu vẫn khá yếu nhưng áp lực bán được tiết chế đã giúp thị trường bật hồi. Sau khoảng hơn 30 phút mở cửa, chỉ số VN-Index dần tìm lại cân bằng và hồi phục sắc xanh.
Thị trường ngày càng nới rộng biên độ tăng và vượt mốc 1.250 điểm dù dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát. Thanh khoản thị trường giảm mạnh, rơi xuống mức thấp nhất kể từ phiên 29/1/2024 và thuộc top 5 phiên thấp nhất kể từ đầu năm. Điều này càng củng cố thêm về xu hướng hồi phục kỹ thuật của VN-Index.
Đóng cửa, sàn HOSE có 276 mã tăng và 141 mã giảm, VN-Index tăng 9,24 điểm (+0,74%) lên 1.254,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 487,2 triệu đơn vị, giá trị 13.114,8 tỷ đồng, giảm 42% về khối lượng và 37,12% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 28/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 54,26 triệu đơn vị, giá trị 1.222,75 tỷ đồng,
Nhóm VN30 đã đóng góp tích cực cho thị trường khi kết phiên tăng hơn 7 điểm với 22 mã tăng và chỉ còn 7 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu CTG có đóng góp lớn nhất với gần 1,4 điểm cho chỉ số chung, trái lại FPT tiếp tục là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi gần 0,7 điểm.
Tâm điểm đáng chú ý của nhóm VN30 là cặp đôi VRE và MWG với đà tăng mạnh về giá cùng thanh khoản đều thuộc top 5 mã lớn nhất thị trường. Trong đó, cổ phiếu MWG tiếp tục nới rộng biên độ và đóng cửa tăng 5,4% lên mức giá cao nhất trong ngày 65.800 đồng/CP, thanh khoản vẫn ấn tượng nhất thị trường đạt gần 21,8 triệu đơn vị.
Đặc biệt, cổ phiếu VRE đã trở thành điểm sáng của thị trường chung khi tăng tốc và khoe sắc tím thành công. Đóng cửa, VRE tăng 6,8% lên mức 21.850 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 13,75 triệu đơn vị và dư mua trần 87.100 đơn vị.
Xét về nhóm ngành, trái với diễn biến kém tích cực ở phiên sáng, bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép đã đồng loạt khởi sắc. Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, hàng loạt mã đã nới rộng biên độ hoặc đảo chiều tăng để tìm đến mức giá cao nhất trong ngày, ngoại trừ cổ phiếu TCB tiếp tục “đi lùi”. Trong đó, VPB và SHB cùng tăng gần 2%, với thanh khoản trong 3 mã dẫn đầu thị trường khi đều đạt hơn 16 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thép, trong khi HPG chớm xanh, thì HSG và NKG cùng tăng tốt trên dưới 2%. Trong đó, HPG vẫn là mã giao dịch sôi động nhất ngành và đứng ở vị trí thứ 5 toàn thị trường với 13,56 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhiều mã cũng tìm đến mức giá cao nhất trong phiên với mức tăng khá tốt như VDS tăng 6,1%, FTS tăng 3,8%, AGR tăng 3,2%, CTS tăng 2,7%, BSI tăng 2,4%, VCI tăng 2,3%. Trong đó, VND chỉ tăng nhẹ 0,3% nhưng là mã duy nhất của ngành gia nhập nhóm cổ phiếu sôi động của thị trường với hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh. Trái lại, chỉ còn SSI giảm nhẹ chưa tới 0,5%, đáng kể là “tân binh” DSE dù đã thu hẹp biên độ nhưng vẫn đóng cửa giảm mạnh 4,7%.
Ở chiều ngược lại, chỉ còn 5 nhóm ngành chưa thoát khỏi trạng thái điều chỉnh, với mức giảm chủ yếu chưa tới 0,5%, ngoại trừ nhóm công nghệ thông tin giảm gần 1% bởi sức ép từ mã lớn FPT giảm 1,5%, đóng cửa tại vùng giá thấp trong phiên 128.600 đồng/CP.
Trên sàn HNX, nhận “tín hiệu xanh” từ sàn HOSE, chỉ số HNX-Index đã đảo chiều khởi sắc trong nửa cuối phiên và cũng đóng cửa tại mức giá cao nhất trong ngày.
Cụ thể, sàn HNX có 97 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng 0,98 điểm (+0,41%) lên 238,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 47,96 triệu đơn vị, giá trị gần 869 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,2 triệu đơn vị, giá trị 114,13 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có đóng góp tích cực khi kết phiên tăng gần 4 điểm, trong đó các mã tăng tốt nhất phải kể đến TNG. Sau diễn biến rung lắc trong phiên sáng và dần hồi phục nhẹ vào cuối phiên, cổ phiếu TNG đã nới rộng đà tăng, đóng cửa tăng 5,8% lên mức 27.500 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đứng ở vị trí thứ 2 toàn thị trường đạt hơn 5,6 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã khác trong nhóm này như CEO, IDC, PVC, PVS… đã đảo chiều khởi sắc.
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX đua nhau khởi sắc với BVS tăng 3%, MBS tiếp tục nới rộng biên độ và đóng cửa tăng 2,3%, SHS tăng 1,8%... Trong đó, SHS vẫn có thanh khoản tốt nhất ngành, đạt 4,83 triệu đơn vị.
Thanh khoản tốt nhất thị trường là mã vừa và nhỏ MBG với hơn 7,2 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa cổ phiếu này thoát nằm sàn với mức giảm 6,8% xuống 4.100 đồng/CP.
Trên UPCoM, mặc dù áp lực bán cũng phần nào hạ nhiệt nhưng chưa đủ lực để giúp UPCoM-Index đảo chiều thành công.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,24%), xuống 97,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,79 triệu đơn vị, giá trị 702,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,26 triệu đơn vị, giá trị 86,28 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý của thị trường là BCR. Sau diễn biến lình xình của phiên sáng, lực cầu dần gia tăng đã giúp BCR khởi sắc với thanh khoản sôi động. Đóng cửa, BCR tăng 8,5% lên mức giá 6.400 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 2 thị trường, đạt 2,74 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu dệt may VGT cũng đảo chiều thành công và đóng cửa tăng 2% lên mức 15.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch chỉ thua BCR đôi chút, với 2,55 triệu đơn vị khớp lệnh.
Dẫn đầu thanh khoản thị trường vẫn là BSR với hơn 7,74 triệu đơn vị giao dịch thành công và đóng cửa cổ phiếu này cũng tìm được sắc xanh dù mức tăng còn hạn chế chỉ 0,5% lên mức 22.100 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng trên dưới 10 điểm, trong đó VN302407 tăng 10,7 điểm, tương đương +0,8% lên 1.285 điểm, khớp lệnh 180.350 đơn vị, khối lượng mở 62.545 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CSTB2402 có giao dịch sôi động nhất với hơn 2 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 8,7% lên mức 1.370 đồng/CP. Tiếp theo là CMWWG2313 khớp 1,76 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 25,3% lên 2.770 đồng/cq.