Dòng tiền nội đối ứng với 2 “ông lớn” bán ròng

(ĐTCK) 20 phiên trở lại đây, khối ngoại bán ròng trên 5.600 tỷ đồng và tự doanh của các công ty chứng khoán cũng thoái ròng trên 2.300 tỷ đồng. 
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Nhà đầu tư ngoại và công ty chứng khoán cùng bán ròng

Từ ngày 1/4 tới 25/4/2020, trung bình giao dịch khớp lệnh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) là 284,7 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 0,19% so với tháng 3.

Thanh khoản nhìn chung đi ngang, nhưng chỉ số VN-Index hồi phục đáng kể, điểm số tăng 17,2% sau nhịp báo tháo kể từ Tết Nguyên đán 2020. Vậy nhưng, cả khối ngoại và tự doanh có động thái bán ròng trong giai đoạn thị trường ở vùng đáy.

Trên thị trường, có thể phân biệt dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Trong đó, trong nước bao gồm nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước và khối tự doanh công ty chứng khoán.

Dòng tiền nội đối ứng với 2 “ông lớn” bán ròng ảnh 1

Diễn biến VN-Index và mức định giá P/E.

Theo số liệu thống kê của FiinTrade, trong vòng 20 phiên trở lại đây, giá trị mua vào của khối ngoại là 10.955,58 tỷ đồng, giá trị bán ra 16.653,12 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 5.695,54 tỷ đồng trên HOSE.

Khối tự doanh cũng có động thái tương tự, trong vòng 20 phiên, tự doanh mua vào 1.470,32 tỷ đồng, bán ra 3.786,69 tỷ đồng, giảm 2.316,37 tỷ đồng.

Như vậy, để đối ứng dòng tiền bị bán ròng từ tự doanh và khối ngoại chỉ còn lại nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước hỗ trợ nâng đỡ thị trường giai đoạn vừa qua.

Khối ngoại chủ yếu bán ròng các cổ phiếu trụ như VIC với giá trị bán ròng 1.242,5 tỷ đồng, MSN 400,9 tỷ đồng, VRE 297,8 tỷ đồng, STB 292,7 tỷ đồng, VNM 233,5 tỷ đồng, BID 227,4 tỷ đồng, VCB 156,9 tỷ đồng…

Một số quỹ đầu tư quy mô lớn có động thái thoái vốn đáng chú ý tại thị trường chứng khoán Việt Nam là Pyn Elite Fund, VinaCapital, Dragon Capital.

Cụ thể, Quỹ Pyn Elite Fund liên tục thoái vốn khỏi các khoản đầu tư lâu năm như HUT, VNE, SVC, DIC, MWG. Trong đó, HUT bị bán ra 20 triệu cổ phiếu, CII bị bán ra 1,5 triệu cổ phiếu, MWG bị bán ra 1,36 triệu cổ phiếu, VNE bị bán ra 1 triệu cổ phiếu.

Tỷ suất lợi nhuận tháng 3/2020 của Pyn Elite Fund âm 26,78%, đây là tháng thứ 6 liên tiếp, Quỹ có mức lợi tức âm; giá trị tài sản giảm 96 triệu EUR, còn 299 triệu EUR.

Quỹ VinaCapital đã bán 1,4 triệu cổ phiếu Dabaco (DBC), bán 300.000 cổ phiếu Hoá chất cơ bản Miền Nam (CSV), bán 526.000 cổ phiếu Phân bón Bình Điền (BFC).

Quỹ Dragon Capital bán 255.000 cổ phiếu Hà Đô (HDG), bán 246.500 cổ phiếu Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT).

Dòng tiền nội đối ứng với 2 “ông lớn” bán ròng ảnh 2

Động thái bán ròng của khối ngoại là điều dễ lý giải trong bối cảnh chung trên toàn cầu hiện nay. Sau khi nền kinh tế gặp cú sốc do dịch Covid-19, nhu cầu nắm giữ đồng tiền mạnh, cũng như áp lực rút vốn của nhà đầu tư tại các quỹ ngày một cao, buộc các quỹ phải bán cổ phiếu và chuyển sang đồng tiền mạnh.

Theo đó, chỉ số US Dollar Index bật tăng từ 95 lên đỉnh 102,8 và hiện giao dịch tại mức 100, tương ứng tăng hơn 5%.

Quan sát các thị trường trong khu vực, vốn ngoại rút ròng trên diện rộng. Nếu như triển vọng kinh tế thời gian tới chưa có dấu hiệu khả quan, thì khó có thể kỳ vọng dòng tiền này sớm quay trở lại.

Khối tự doanh cũng có xu hướng khá tương đồng khi thoái vốn tại các cổ phiếu trụ, chẳng hạn thoái MSN gần 13 tỷ đồng, GEX hơn 18 tỷ đồng, HPG 12,4 tỷ đồng, FPT 4,9 tỷ đồng, DBC 7,4 tỷ đồng, MWG 3,9 tỷ đồng…

Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước nói chung gia tăng, bao gồm nguồn tiền của các nhà đầu tư mới, nhằm “bắt đáy” thị trường. Kênh chứng khoán trở nên hấp dẫn so với nhiều kênh đầu tư khác.   

Trong giai đoạn khối ngoại và tự doanh thoái vốn, định giá thị trường thấp hơn khá nhiều so với đầu năm. Nếu như cuối năm 2019, định giá P/E của VN-Index là 15,7 lần, thì ngày 1/4/2020, con số này là 10,26 lần, hiện tại (24/4) là 12,12 lần.

Điều này có nghĩa, mặt bằng giá chứng khoán hồi phục từ mức thấp, nhưng cả hai khối nhà đầu tư trên đều bán ròng.

Trong khi đó, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước nói chung gia tăng, bao gồm nguồn tiền của các nhà đầu tư mới, nhằm “bắt đáy” thị trường. Kênh chứng khoán trở nên hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác như bất động sản, gửi tiết kiệm…

Không đẩy mạnh vào ngân hàng hay bất động sản, tiền lỏng tạm chọn cổ phiếu

Theo báo cáo của Achieve Ambitions - ILL Vietnam về thị trường bất động sản - thị trường căn hộ ở TP.HCM, nguồn cung hạn chế, lượng bán trong quý I/2020 chỉ đạt 1.980 căn, thấp hơn một nửa so với quý IV/2019 và quý I/2019.

Mức bán này chỉ bằng khoảng 54% tổng lượng hàng có sẵn trên thị trường, thấp nhất trong 2 năm trở lại đây và giá bán trung bình giảm 15% so với đầu năm.

Đối với thị trường nhà liền kề, lượng bán quý đầu năm nay chỉ đạt 366 căn, thấp hơn trung bình hàng quý trong 5 năm qua. Tại Hà Nội, lượng bán căn hộ đạt 3.520 tỷ đồng, thấp hơn 49,1% cùng kỳ.

Theo báo cáo tài chính quý I/2020 của nhóm ngân hàng, tổng tiền gửi của Vietcombank tăng từ 928.451 tỷ đồng lên 934.048 tỷ đồng, tăng 0,6%. Tại VietinBank, tiền gửi khách hàng tăng từ 892.785 tỷ đồng lên 895.750 tỷ đồng, tăng 0,33%.

Tại VPBank, tiền gửi khách hàng tăng từ 213.950 tỷ đồng lên 215.716 tỷ đồng, tăng 0,83%. Tại Sacombank, lượng tiền gửi tăng từ 400.844 tỷ đồng lên 405.709 tỷ đồng, tăng 1,21%…

Những chỉ báo trên cho thấy, dòng tiền vào kênh bất động sản suy giảm, trong khi lượng tiền gửi ngân hàng chỉ tăng nhẹ.

Nhiều ý kiến nhận định, đối với nhà đầu tư trong nước, việc nhiều cổ phiếu giảm sâu về mức định giá thấp đã kích hoạt nhà đầu tư tham gia bắt đáy, tạo nên đợt hồi phục đáng kể.

Tuy nhiên, sau khi thị trường chứng khoán hồi phục trên diện rộng, thị trường có khả năng sẽ bước vào giai đoạn phân hoá mạnh, dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng, trụ vững sau dich bệnh, triển vọng khả quan, hưởng lợi từ đầu tư công được đẩy mạnh…, còn cổ phiếu của các doanh nghiệp gặp khó khăn, báo cáo lợi nhuận giảm sẽ khó thu hút được dòng tiền.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục