Thị trường chứng khoán thu hút dòng tiền
Các chiến lược gia thị trường nhận định rằng, việc thắt chặt hoạt động tại các kênh đầu tư thông dụng kể trên đang tạo lực hấp dẫn dòng vốn khổng lồ tại Đại lục đổ vào thị trường chứng khoán, vốn đang trong trạng thái tăng trưởng chậm kể từ sau chấn động hồi năm 2015.
Cụ thể, Morgan Stanley dự báo, giá trị nắm giữ cổ phiếu tại Trung Quốc sẽ tăng lên mức 11.000 tỷ Nhân dân tệ (1.700 tỷ USD) cho tới cuối năm 2019, trong bối cảnh các chính sách “dọn dẹp sạch sẽ” hệ thống tài chính tiếp tục được áp dụng. Hiện tại, các yếu tố cơ bản hỗ trợ thị trường chứng khoán Trung Quốc đang tích cực: Số liệu kinh tế và thu nhập được cải thiện, chính phủ đã thành công trong việc giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trong hệ thống tài chính…
“Các yếu tố kinh tế nền tảng được nâng cao, giá trị thị trường đang ở mức tích cực và thị trường toàn cầu bớt dần tính chất bất ổn. Đó là các lý do khiến thị trường chứng khoán đang có môi trường lý tưởng để phục hồi”, Hao Hong, chiến lược gia trưởng Bocom International Holdings Co., người dự đoán chính xác việc thị trường chứng khoán Trung Quốc đạt đỉnh và lao dốc năm 2015 cho biết.
Sự tăng trưởng thu nhập của người dân Trung Quốc từ lâu đã tạo nên những cơn sốt đối với nhiều loại tài sản, từ chứng khoán, bất động sản, cho tới hàng hóa, bitcoin, khi giới đầu tư luôn tìm cách đổ vốn vào các thị trường chưa bị giới chức nước này kiểm soát chặt chẽ.
Trong vài năm qua, các chiến dịch kiểm soát rủi ro tài chính của Chính phủ Trung Quốc đã nhắm tới khá nhiều kênh đầu tư được ưa chuộng của người dân quốc gia này. Mới đây nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBBoC) Chu Tiểu Xuyên đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nợ doanh nghiệp tăng vọt. Điều này cho thấy nỗ lực kiểm soát ngành tài chính sẽ không được nới lỏng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong bài phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào ngày 18/10 vừa qua, Tổng bí thư Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện các quy định tài chính, bảo vệ hệ thống khỏi các mối đe dọa. Đồng thời, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, nhà là để ở, không phải để đầu cơ.
Trong bối cảnh bất động sản, đầu tư ra nước ngoài, các sản phẩm tài chính lợi nhuận cao bị kiểm soát, tại thị trường nội địa, chứng khoán chính là lựa chọn tốt nhất cho dòng tiền đầu tư khổng lồ tại Đại lục, Thomas Deng, chiến lược gia trưởng thị trường Trung Quốc tại UBS Wealth Management cho biết.
Để mắt tới cổ phiếu vốn hóa nhỏ
“Giới đầu tư sẽ để mắt tới chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa nhỏ của công ty làm ăn tốt. Thực tế, sau nhiều sóng gió, động lực thúc đẩy nhà đầu tư bỏ vốn vào thị trường chứng khoán không còn nằm ở thanh khoản ra sao, mà ở triển vọng tăng trưởng trong tương lai như thế nào”, Thomas Deng nói và dự đoán, thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ giữ vững đà tăng và sức mua nhiều khả năng tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Cùng chung quan điểm, báo cáo mới do nhóm chiến lược gia mà
Richard Xu, Phó chủ tịch iFresh Inc dẫn đầu nhận định: “Đà hồi phục của tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và tỷ lệ tiết kiệm vẫn ở mức cao sẽ hỗ trợ cho dòng tiền của các quỹ đầu tư chảy vào thị trường chứng khoán. Dòng tiền này sẽ theo xu hướng tăng trưởng ổn định, bền vững, không bùng nổ một cách bất ngờ như năm 2015”.
Hiện tại, thị trường chứng khoán nội địa Đại lục đang cách rất xa so với những ngày đầu năm 2015. Chỉ số Shanghai Composite đã tăng 8,5% trong năm nay, nhưng vẫn chậm hơn so với đà tăng của nhiều thị trường chứng khoán châu Á khác.