FED dần nới lỏng chính sách tiền tệ
Đi ngang tích lũy vẫn là vận động chính của thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần qua, nhưng có sự khởi sắc hơn vào những phiên cuối tuần.
Cả thế giới đã “nín thở” mong chờ quyết định về lãi suất sau kỳ họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng như những phát biểu sau đó của lãnh đạo Fed và kết quả mang tới những phiên giao dịch có nhiều cung bậc cảm xúc.
Có lúc, thị trường giảm mạnh vì Fed giữ nguyên lãi suất và không có ý định tăng lãi suất trong các bước đi tiếp theo trong bối cảnh lạm phát cao hơn dự báo, nhưng có lúc thị trường lại hưng phấn vì những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell về các chỉ số kinh tế Mỹ đang tốt lên và lạm phát vẫn trong xu hướng giảm dài hạn.
Đặc biệt, Fed tuyên bố sẽ làm chậm lại tốc độ của chương trình thắt chặt định lượng bằng cách cho phép 25 tỷ USD trái phiếu kho bạc đáo hạn mỗi tháng từ bảng cân đối kế toán của mình, giảm so với mức trần 60 tỷ USD hiện tại, kể từ tháng 6 tới. Việc làm chậm chương trình này được xem là một biện pháp nới lỏng chính sách, giảm bớt áp lực lên thị trường trái phiếu kho bạc và thế chấp.
Những dữ liệu kinh tế trong báo cáo cập nhật gần đây về hiệu suất của lực lượng lao động tại Mỹ chỉ ra rằng, hiệu suất đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng với mức 2,9% hàng năm trong quý đầu tiên của năm 2024, một bước tiến từ con số 2,7% được ghi nhận trong báo cáo trước đó. Theo đó, đây là một điểm nhấn quan trọng, góp phần vào mức tăng trưởng kinh tế trong những quý gần đây và được đánh giá là có sự hỗ trợ từ việc tăng cường đầu tư của các doanh nghiệp vào công nghệ và cải thiện hiệu quả. Đây cũng là một xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ vào việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo.
Cổ phiếu đáng chú ý trên thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần qua là Apple, với kế hoạch sử dụng 110 tỷ USD để mua lại cổ phiếu quỹ, tăng 22% so với năm ngoái và là đợt mua lại cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử. Ngay sau đó, giá cổ phiếu Apple đã tăng 7%.
Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều khi thị trường Trung Quốc khởi sắc hơn, trong khi thị trường Nhật Bản lại suy giảm. Đồng Yên Nhật trở thành tâm điểm sau khi tăng mạnh trong tuần, giá trị giao dịch cũng tăng vọt, làm dấy lên suy đoán rằng, chính quyền Nhật Bản đã can thiệp lần thứ hai trong tuần để hỗ trợ đồng nội tệ sau đợt suy yếu kéo dài. Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index di chuyển ra ngoài vòng Elip là dấu hiệu bị mất động lực tăng trong ngắn hạn, cần có dòng tiền mạnh mẽ trong tuần mới để kéo quay trở lại đà tăng.
Ngay sau cuộc họp của Fed, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh, với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm 0,08%, xuống dưới mốc 5%. Biến động giảm này được thị trường chào đón, bởi lãi suất trái phiếu kho bạc trước đó tăng nhanh, gây ra sự không ổn định cho cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) hạ nhiệt, nhưng duy trì trên ngưỡng hỗ trợ 105, tương ứng mốc Fibonacci 38,2%, tức chưa mất khả năng tăng lên ngưỡng 109 ở mốc Fibonacci 61,8%. Do vậy, rủi ro tỷ giá và lãi suất vẫn là rủi ro cần quan sát kỹ trong ngắn hạn.
Với mặt hàng dầu, đà tăng giá dần suy yếu sau khi di chuyển vào phía trong hình Elip. Tồn kho dầu của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2023 do các nhà máy lọc dầu xử lý ít dầu thô hơn bởi nhu cầu xăng giảm, dẫn tới giá dầu WTI giảm xuống dưới 80 USD/thùng.
Giá dầu đã giảm khoảng 10% so với mức cao nhất trong 5 tháng vào giữa tháng 4/2024, do hậu quả từ cuộc tấn công của Iran vào Israel không có dấu hiệu leo thang và đe dọa đến nguồn cung. Giá dầu đang hướng tới mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 2/2024 do nhu cầu suy yếu, làm tăng suy đoán rằng, OPEC+ sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá.
VN-Index: Chờ các vị thế mua chứng thực sức mạnh
Do chỉ có 2 phiên giao dịch nên tuần giao dịch vừa qua của VN-Index chưa phản ánh trọn vẹn những biến động ngắn hạn của thị trường. Trong phiên cuối tuần, sự kiện cơ cấu danh mục của các quỹ ETF ảnh hưởng lớn tới tâm lý giao dịch, đặc biệt là vị thế mua mới. Đây là thời điểm các quỹ ETF mua bán mạnh, nhưng thanh khoản toàn thị trường ít có sự cải thiện, do đó triệt tiêu một phần nỗ lực hồi phục của VN-Index.
Sau 2 tuần, VN-Index đã vượt trở lại trên ngưỡng hỗ trợ đã mất tại 1.200 điểm và tiệm cận đường tín hiệu trung bình động 20 phiên (MA20) tại 1.225 điểm. Mặc dù động thái này rất quyết liệt, nhưng nội lực tăng chủ yếu do tình trạng tiết cung, cũng như sự dịu xuống của các yếu tố liên thị trường. Các động lực quan trọng và có độ tin cậy điển hình như tín hiệu tạo đáy của nhóm dẫn dắt (ngân hàng, chứng khoán, thép…) và điểm bùng nổ giải ngân trên diện rộng chưa được ghi nhận.
Trên đồ thị luân chuyển ngành, mới chỉ có các ngành và cổ phiếu đơn lẻ có đà tăng khỏe (công nghệ, viễn thông, sản xuất công nghiệp, bán lẻ), hoặc nỗ lực hồi phục đáng chú ý (y tế, du lịch, giải trí). Thay vào đà tăng mạnh mẽ dựa trên kỳ vọng tăng trưởng của nhóm dẫn dắt là các nỗ lực hồi phục kỹ thuật dựa trên phản ứng bật hồi của giá sau khi đạt trạng thái bán quá mức ngắn hạn và không đi kèm sự cải thiện của thanh khoản.
Theo đó, đà tăng hiện tại có thể sẽ sớm đối diện với lượng cung lớn tại vùng giá tồn tại các kháng cự kỹ thuật mạnh, dẫn tới xác suất xảy ra các phiên điều chỉnh và rung lắc xuất hiện nhiều hơn. Đây sẽ là thời điểm để các vị thế mua chứng thực sức mạnh và độ tin cậy của nhịp hồi phục hiện tại, với điều kiện đáy ngắn hạn mới của VN-Index không được thấp hơn ngưỡng hỗ trợ 1.165 điểm. Các tiêu chí như thanh khoản, nhóm dẫn dắt và điểm mua cho dòng tiền lớn cũng phải được thỏa mãn trong đợt thử cung sắp tới. Như vậy, chiến lược mua mới có cơ sở để chưa vội vàng trong tuần qua và bình tĩnh đánh giá trong các diễn biến tuần mới.