Dòng tiền chưa quyết liệt, áp lực giảm vẫn còn

(ĐTCK) Rủi ro của TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng vẫn hiện hữu. Theo đó, cơ hội cho nhà đầu tư mở vị thế bán trên sàn phái sinh nhiều hơn.
Dòng tiền chưa quyết liệt, áp lực giảm vẫn còn

Dòng tiền tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro

Mối lo ngại về kinh tế toàn cầu giảm tốc tiếp tục tác động đến tâm lý các nhà đầu tư trên thế giới cũng như Việt Nam. Một báo cáo công bố ngày 3/1 cho thấy, hoạt động sản xuất ở Mỹ đột ngột yếu đi do lượng đơn hàng giảm mạnh.

Tương tự, số liệu của Trung Quốc cho thấy ngành sản xuất của nước này trong tháng 12/2018 lần đầu tiên suy giảm trong hơn 2 năm. Bức tranh kinh tế thêm phần u ám khi hãng công nghệ Mỹ Apple có động thái cắt giảm dự báo doanh thu lần đầu tiên trong gần 12 năm, do doanh số sản phẩm iPhone yếu đi ở thị trường Trung Quốc.

Dòng tiền toàn cầu đang có sự dịch chuyển sang các tài sản an toàn. Trong khi đó, dòng tiền tiếp tục tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro cao (chứng khoán…).

Cụ thể, những tài sản an toàn như vàng và các đồng tiền như Yên Nhật và Franc Thụy Sĩ có dấu hiệu thu hút dòng tiền trở lại. Khi mà các TTCK lao dốc, rủi ro địa chính trị tăng lên, Chính phủ Mỹ đóng cửa cuối năm 2018, những quyết sách khó lường của Tổng thống Mỹ… làm gia tăng bất ổn chính trị, ngoại giao và kinh tế toàn cầu, thì giới đầu tư càng có cơ sở để quay lại những tài sản an toàn.

Về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giới đầu tư kỳ vọng sẽ có những tín hiệu khả quan. Thực tế, TTCK Mỹ và Trung Quốc đều đã giảm sâu và gần 2 tháng nữa là kết thúc thời hạn đình chiến thương mại, trong khi các số liệu gần đây cho thấy cuộc chiến này đã có ảnh hưởng tiêu cực ngày càng lớn đến nền kinh tế hai nước.

Tại vòng đàm phán sắp diễn ra, hai bên dự kiến sẽ thảo luận về biện pháp thực thi sự đồng thuận mà ông Trump và ông Tập đã đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng trước ở Argentina. 

“Cây nến rút chân”

Vùng đáy cũ quanh 850 - 860 đã bị thủng trong tuần qua, quán tính giảm rất nhanh và mạnh; có thời điểm, độ lệch giữa cơ sở và phái sinh tới 17 điểm.

Ðà giảm bị chững lại tại cận dưới của đường xu hướng giảm quanh khu vực 815 đối với VN30F1901 và 825 đối với VN30. Lực mua mới kết hợp với lực mua lại để đóng vị thế của bên bán khiến lực kéo lên từ các vùng giá này rất mạnh.

 VN30 và VN30F1901 tạm thời thiết lập vùng đệm mới.

Tuy nhiên, nhịp hồi phục trong phiên cuối tuần chưa làm thay đổi bức tranh chung của thị trường là giảm. Ðà giảm có thể tiếp diễn, vì các vùng hỗ trợ phòng thủ chưa mang nhiều niềm tin.

Cả 2 đường cung và cầu đều đang vận động ở mức bên dưới 10%, đây được xem là vùng quá bán, cũng gần chạm mức đáy cũ 6% trên chỉ báo tâm lý của HSC.

 Cung và cầu lùi về mức rất thấp.

Trình trạng cung và cầu cũng phản ánh thị trường đang giao dịch ở mức thanh khoản rất kém, dòng tiền vẫn thờ ơ. Ðường cầu thấp thể hiện bên cầm tiền tiếp tục đứng ngoài thị trường, bất chấp lực cung gần như cạn kiệt.

Ðây chỉ là nhịp đầu tiên đường cung và cầu chạm hỗ trợ, trong quá khứ phải ít nhất 2 lần giá kiểm chứng hỗ trợ thì mới trở thành chỉ báo tạo đáy.

Ðà lan tỏa (màu xanh) tiếp tục giảm, hiện ở mức quanh 15%, trong khi mức đáy cũ khoảng 10%, tức có thể giảm thêm.

 Đà lan tỏa chưa cho tín hiệu tạo đáy.

Trong khi đó, đà lan tỏa trung bình 10 phiên (màu đỏ) mặc dù đang xuống vùng quá bán (< 30%) nhưng chưa phải là mức thấp nhất từng ghi nhận, điều này cũng trùng khớp với cách nhìn trong 1 - 2 phiên.

Nhìn chung, mặt bằng giá của thị trường có khả năng giảm thêm. Quá trình tạo đáy không thể được dễ dàng được nhìn thấy trong 1 phiên hồi, sự giằng co quanh đáy cũ nhiều khả năng sẽ diễn ra.

 Số lượng cổ phiếu tiêu cực chiếm áp đảo, các ngành dẫn dắt vẫn ở trạng thái trung bình kém.

Tuần qua, số lượng cổ phiếu mất đà tăng chiếm 98%, tỷ trọng 2% còn lại nằm ở CTD và DPM, tất nhiên 2 cổ phiếu này không tạo ra hiệu ứng tích cực cho chỉ số chung.

Xét theo mức độ đóng góp về vốn hóa, các cổ phiếu trong nhóm dẫn dắt như bất động sản, ngân hàng, thực phẩm và đồ uống gần như đều tiêu cực.

Lưu ý, nhóm thực phẩm và đồ uống (VNM, MSN), ngân hàng (CTG, MBB) đang bị chiết khấu rất sâu. Do đó, tiềm năng đảo chiều mạnh nhất có thể rơi vào các cổ phiếu này. 

Vùng hỗ trợ 815 - 820 mang tính quyết định

Ðiểm nhấn trong tuần này là cuộc gặp Mỹ - Trung liên quan đến đàm phán chiến tranh thương mại, cuộc chiến mà cả 2 bên đều đang bị thiệt hại đã được thể hiện qua các con số cụ thể. Khi mà cuộc chiến không giúp bên nào được lợi thì giới đầu tư kỳ vọng về bước tiến triển trong cuộc gặp lần này. Tất nhiên, lý lẽ và tư duy của người làm chính trị khác với giới đầu tư. Do đó, an toàn nhất là khi có kết quả mới đưa ra hành động.

Tâm lý nhà đầu tư vẫn kém, nên khả năng bứt phá của thị trường trong những phiên đầu tuần có xác suất không cao. Kịch bản khả dĩ là thị trường còn giằng co, rung lắc quanh vùng đáy cũ 815 - 820 trên VN30F1901.

 Biểu đồ kỹ thuật Hợp đồng VN30F1901.

Chiến lược ưu tiên cho phiên những đầu tuần là canh bán ở những nhịp hồi phục của chỉ số lên các vùng kháng cự quan trọng (kháng cự 1: 835 - 840, kháng cự 2: 850 - 855). Hoạt động mua đuổi theo đà hồi phục nên được tiết chế, thay vào đó, có thể canh mua khi chỉ số lùi về kiểm chứng khu vực đáy cũ 815 - 820.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục