Dòng tiền chọn cổ phiếu cổ tức cao

(ĐTCK) Lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm xuống chỉ còn 6 - 8%/năm khiến các cổ phiếu có lợi suất cổ tức cao hơn mức lãi suất trên thu hút được dòng tiền đầu tư.

Trên TTCK, cổ phiếu PET của Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) không tăng mạnh trong đợt sóng đầu năm nay khi lãi suất tiền gửi ngắn hạn ngân hàng còn ở mức 9%/năm. Nhưng với đà giảm của lãi suất ngân hàng, giá cổ phiếu PET đã tăng trên 20.000 đồng/CP cho đến thời điểm này, chủ yếu do Công ty duy trì tỷ lệ trả cổ tức từ 15 - 18%/năm.

Cổ tức cao phản ánh nhiều mặt sức khỏe doanh nghiệp 

Một môi giới CTCK HSC vừa tư vấn cho khách hàng mua cổ phiếu của CTCP Điện lực Khánh Hòa (KHP), một trong những lý do là KHP trả cổ tức cao. Cụ thể, trong những năm qua, KHP duy trì mức cổ tức trên 10%. Với giá thị trường 11.500 đồng/CP, lợi suất cổ tức của cổ phiếu KHP tương đương 13%/năm, hấp dẫn hơn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Một số cổ phiếu khác tăng tính hấp dẫn nhìn từ góc độ cổ tức trên thị giá như JVC của CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật, với cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu hàng năm từ 18 - 25%, trong khi thị giá dưới 20.000 đồng/CP. JVC là công ty có khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định hàng năm nhờ cung cấp, kinh doanh thiết bị khám chữa bệnh cho các bệnh viện trên cả nước.

Đầu tư các cổ phiếu thị giá nhỏ như SAM hay HQC cũng có cơ hội nhận được cổ tức cao nếu công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay.

Tuy nhiên, CTCK HSC lưu ý, TTCK trở nên hấp dẫn hơn khi được hưởng lợi từ 2 yếu tố: NĐT thiếu kênh đầu tư sinh lợi cao và chi phí lãi vay của doanh nghiệp giảm đáng kể. Nhưng sau khi chia cổ tức, giá cổ phiếu thường giảm sâu, khiến kết quả đầu tư không như kỳ vọng. Chỉ những doanh nghiệp có nguồn thu nhập ổn định, hoặc tăng trưởng mạnh thì sau đó giá cổ phiếu mới phục hồi. Tất nhiên, NĐT cần phải chờ đợi để giá cổ phiếu quay về mức giá trước khi chia cổ tức. Sự phục hồi của giá cổ phiếu đôi khi còn phụ thuộc vào xu hướng chung của thị trường.

Thực tế đầu tư cho thấy, rủi ro cho NĐT khi trông chờ vào cổ tức là thị trường đi vào xu thế giảm. Giá cổ phiếu bị điều chỉnh giảm tương ứng với giá trị cổ tức, thậm chí tiếp tục giảm do ảnh hưởng của thị trường chung và NĐT không còn tin vào việc chia cổ tức sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu. Ngay cả các cổ phiếu như PET, JVC hay HCM của CTCK HSC cũng đều đã từng rơi vào tình trạng như vậy. Phải chờ đợi nhiều tháng sau NĐT mới có lãi trở lại. Trong thời gian đó, việc luân chuyển vốn qua các cổ phiếu khác có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn. Vì thế, với nhiều NĐT nhạy bén với thị trường thì thông tin chia cổ tức cao chỉ là lý do để đầu tư ngắn hạn, họ sẽ bán ngay khi đạt lợi nhuận kỳ vọng, tương đương tỷ lệ cổ tức dự kiến được chia, chứ không đợi đến khi doanh nghiệp chính thức chia cổ tức bằng tiền mặt.

Nhưng với những cổ phiếu lớn, có thanh khoản cao và hoạt động kinh doanh tăng trưởng thì thời gian giá cổ phiếu phục hồi trở lại khá nhanh, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi nền kinh tế có vẻ đang ở đáy của giai đoạn suy giảm và đang tìm kiếm con đường phục hồi. Một số cổ phiếu đáp ứng được các chỉ tiêu như thanh khoản tốt hơn các cổ phiếu còn lại trong danh sách, lợi tức lớn hơn lãi suất ngân hàng, giá cổ phiếu phục hồi sau khi chia cổ tức là DPM, SBT, CNG, HVG...

Xu thế đầu tư vào các cổ phiếu trả cổ tức cao đang phổ biến hơn trên thị trường, bởi quan điểm đầu tư an toàn, thận trọng của nhiều NĐT. Cổ tức cao còn thể hiện công ty có dòng tiền tốt, tức lợi nhuận và doanh thu có sự tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh  hiện nay, những công ty có khả năng trả cổ tức cao sẽ được hưởng lợi khi các doanh nghiệp khác suy yếu do khó khăn của nền kinh tế. Cổ tức cao phản ánh nhiều mặt sức khỏe doanh nghiệp, chứ không chỉ là một thông tin hỗ trợ giá cổ phiếu. 

Minh An
Minh An

Tin cùng chuyên mục