Đồng Tháp xây dựng kịch bản phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về kịch bản ứng phó với Covid-19 cũng như kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Đồng Tháp là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ông có thể đánh giá sơ bộ tác động của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương?

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng ở nhiều địa phương trong tỉnh và ở trong các khu, cụm công nghiệp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động hoặc thực hiện cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh.

Tại Đồng Tháp, 8 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt 43.500 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2021 giảm 10,9% so cùng kỳ.

Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho một số doanh nghiệp phải tạm ngưng, giải thể. Theo đó, đã có 138 doanh nghiệp giải thể (giảm 30% so với cùng kỳ); số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm thời ngừng kinh doanh là 184 doanh nghiệp (tăng 20% so với cùng kỳ); số doanh nghiệp tái hoạt động là 112 doanh nghiệp (tăng 77% so với cùng kỳ), nâng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 4.332 doanh nghiệp.

Lĩnh vực nông nghiệp - “bệ đỡ” của ngành kinh tế cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu thu hoạch và tiêu thụ nông sản. Trong lĩnh vực này, chỉ còn có khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động trong tổng số hơn 4.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh; lĩnh vực thương mại chỉ hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu; lĩnh vực xây dựng cơ bản bị đình trệ. Hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, dẫn đến tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng năm 2021 của tỉnh có dấu hiệu không tốt hơn so với cùng kỳ 2020.

Trên cơ sở đánh giá đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ thực hiện những giải pháp gì nhằm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển, thưa ông?

Đồng Tháp xác định từng bước thích nghi và sống chung với dịch. Do đó, ngoài thực hiện song song mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, chúng tôi đã chủ động thành lập Ban Nghiên cứu đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp, xây dựng kịch bản ngắn hạn và dài hạn ứng phó với Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cũng như trong 5 năm tới (2021 - 2025).

Cụ thể, tỉnh đưa ra 2 kịch bản, trong đó, với tình hình này, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt khoảng 2,5% - 3,5%. Tỉnh sẽ tập trung vào các lĩnh vực sau:

Thứ nhất, đảm bảo sản xuất nông nghiệp thắng lợi, triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất vụ thu đông 2021 và xuống giống vụ đông xuân sớm, thích ứng với điều kiện thời tiết, phù hợp với thị trường và điều kiện thực tế của từng khu vực; mở rộng diện tích sản xuất rau màu, hoa kiểng, đảm bảo diện tích cây ăn trái.

Thứ hai, tạo điều kiện kết nối tiêu thụ, thu hoạch nông sản cho người dân trong điều kiện dịch bệnh; khẩn trương hỗ trợ thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái đến kỳ thu hoạch.

Thứ ba, khôi phục chăn nuôi.

Thứ tư, giải quyết lượng thủy sản còn tồn của các vùng nuôi và hàng tồn tại doanh nghiệp chế biến cá tra.

Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng dần số lượng hoạt động từ 150 đến 300 doanh nghiệp theo phương án “4 tại chỗ”, tăng công suất nhà máy từ 50% đến 65%. Cụ thể, đối với 150 doanh nghiệp thực hiện “4 tại chỗ” (thời gian qua hoạt động khoảng 50% công suất), tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng công suất hoạt động; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã ngưng trệ trong 3 tháng qua dần khôi phục. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để 14 dự án mới đưa vào hoạt động nhanh chóng ổn định sản xuất, gia tăng công suất.

Ban Quản lý Khu Kinh tế và UBND các huyện, thành phố rà soát nhu cầu tiêm vắc-xin và đề xuất tiêm chủng cho các đối tượng lao động tại các khu, cụm công nghiệp đảm bảo kiểm soát tốt, hạn chế nguy cơ tình hình dịch lây lan khi tái hoạt động. Ưu tiên các đối tượng trong chuỗi sản xuất (lái xe/tàu, thu mua, bốc xếp, công nhân tại chỗ...); ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất ngành hàng chủ lực của địa phương (chế biến xuất khẩu cá tra, xay xát, chế biến gạo phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, chế biến thức ăn chăn nuôi, dược phẩm, doanh nghiệp ngành thực phẩm, may mặc, giày da…)

Song song đó, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường kết nối hệ thống, ứng dụng thương mại điện tử, phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; phát huy các chuỗi cung ứng, khôi phục các chợ khi có điều kiện; tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, tỉnh tập trung đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn...

Ông Phạm Thiện Nghĩa (đứng giữa) kiểm tra hoạt động “4 tại chỗ”của Công ty TNHH Khải Phát Việt Nam (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)
Ông Phạm Thiện Nghĩa (đứng giữa) kiểm tra hoạt động “4 tại chỗ”của Công ty TNHH Khải Phát Việt Nam (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)

Ảnh hưởng của Covid-19 là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Đồng Tháp chưa đạt kế hoạch đề ra. Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm, những biện pháp nào được tỉnh thực thi nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư công, thưa ông?

Kết quả giải ngân đến giữa tháng 9 đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch đã phân bổ, tuy nhiên, vẫn cao hơn 1,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư công, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố duy trì hoạt động các dự án đang khởi công; tạo điều kiện các dự án công và tư nhân tại một số vùng xanh hoạt động trở lại có điều kiện, theo nguyên tắc “3 tại chỗ”; nguyên tắc “2 tại chỗ”, kết hợp “1 cung đường, 2 điểm đến”. Rà soát nhu cầu và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ, nhân viên, người lao động thuộc đơn vị tư vấn, thi công trên địa bàn tỉnh.

Ngành xây dựng triển khai linh hoạt phương án về hoạt động xây dựng trong điều kiện thích ứng với tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nhanh chóng khôi phục hoạt động cung ứng nguyên vật liệu; kịp thời kiểm tra, tổng hợp nhu cầu cung ứng cát san lấp mặt bằng, nền đường của các chủ đầu tư theo thứ tự ưu tiên, hỗ trợ việc cung ứng cát san lấp theo kế hoạch; đẩy nhanh giải ngân vốn.

Triển khai linh hoạt Phương án số 44/PA-UBND ngày 6/9/2021 của UBND tỉnh Đồng Tháp về hoạt động xây dựng trong điều kiện thích ứng với tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021 đạt từ 95% trở lên. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn trong tình hình mới.

Bên cạnh quan tâm, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn thì việc thu hút các nguồn lực đầu tư góp phần khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội địa phương cũng rất quan trọng. Ông có thể cho biết, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp được tỉnh thực hiện ra sao để phù hợp trong tình hình mới ?

Khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế, việc thu hút nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp, vốn tài trợ từ dự án hợp tác quốc tế được tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm.

Trong bối cảnh hiện nay, tỉnh chỉ đạo tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại Nghị quyết số02/NQ-CP ngày 1/1/2021của Chính phủ, nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Đồng Tháp; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; phối hợp triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, kênh thương mại trực tuyến do các tổ chức nước ngoài triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống lâu nay.

Song song đó, đẩy mạnh tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường các chương trình quảng bá tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa; Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chú trọng hoạt động kết nối đưa sản phẩm của doanh nghiệp vào các kênh phân phối lớn trong và ngoài nước; phát triển mạnh kênh thương mại điện tử.

Tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động. Chú trọng mời gọi đầu tư từ các quốc gia là đối tác đầu tư của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng trong những năm qua, đặc biệt là các quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Triển khai nhanh các chính sách hiện áp dụng như: hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, ngày 7/9/2021 của Ngân hàng Nhà nước; hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo Quyết định số 964/QĐ-UBND-HC ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh Đồng Tháp; Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi Covid-19; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021; giảm 30% thuế TNDN đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có doanh thu dưới 200 tỷ đồng theo Nghị định 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020; các chính sách hỗ trợ khác của địa phương. Triển khai nhanh các chính sách mới khi Chính phủ ban hành.

UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn vắc-xin cho doanh nghiệp, tháo gỡ trong chi phí logistics và có chính sách dài hạn hơn về cơ cấu nợ ngân hàng; có chính sách trong hỗ trợ tiêu thụ nông - thuỷ sản, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục lại khâu giống, thu mua cá nguyên liệu, chế biến, lưu kho tạm trữ cho người dân nhằm duy trì chuỗi sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Hữu Phúc (thực hiện)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục