Đồng Tháp thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại với Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
Đồng Tháp mong muốn có sự hợp tác đầu tư và thương mại năng động, hiệu quả với các đối tác Nhật Bản nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Đồng Tháp mong muốn có sự hợp tác năng động, hiệu quả với các đối tác Nhật Bản Ảnh: dongthap.gov.vn Đồng Tháp mong muốn có sự hợp tác năng động, hiệu quả với các đối tác Nhật Bản Ảnh: dongthap.gov.vn

Đưa mối quan hệ hợp tác tương xứng tiềm năng

Nhằm tiếp tục duy trì, mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản nói chung và Đồng Tháp - Nhật Bản nói riêng, được sự quan tâm hỗ trợ của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, ngày 29/11, tại TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Tháp chức Hội nghị Hợp tác đầu tư và thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản.

Qua hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh địa phương, con người, môi trường và cơ hội hợp tác đầu tư của tỉnh Đồng Tháp để thu hút, kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản triển khai các dự án đầu tư trong và ngoài khu, cụm công nghiệp tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, Hội nghị tạo cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Đồng Tháp và các đối tác Nhật Bản trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, Hội nghị bao gồm các hoạt động như giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại giữa Đồng Tháp và Nhật Bản; thảo luận, chia sẻ trực tiếp giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Đồng Tháp…

Tại Hội nghị, Đồng Tháp bố trí một số quầy trưng bày, triển lãm giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh; thông tin về các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp, lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư; các kết quả đạt được trong quan hệ giữa Nhật Bản và Đồng Tháp về văn hoá, du lịch, nông nghiệp, công tác đưa người lao động làm việc tại Nhật Bản...

Bên cạnh đó, sau khi kết thúc chương trình làm việc chính của Hội nghị, sẽ có hoạt động giao lưu - kết nối (networking) đầu tư và thương mại giữa các doanh nghiệp Đồng Tháp với các doanh nghiệp Nhật Bản; giới thiệu về văn hóa, du lịch, ẩm thực đặc trưng của tỉnh và giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của Đồng Tháp đã và đang có nhu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản.

Thời gian qua, thông qua sự hỗ trợ, kết nối của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường quan hệ hữu nghị và ký kết hợp tác với chính quyền, các doanh nghiệp, tập đoàn, các tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản, như tỉnh Ibaraki, tỉnh Okinawa, Công ty Goodlife, Yasaka, Tổ chức Seed to Table, Viện Jamwei, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội Phát triển kinh tế khu vực ASEAN (ARECO) Nhật Bản, Nghiệp đoàn Business Frontier…

Trong đó, Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ với Tổ chức Seed to Table được thực hiện từ tháng 5/2019 đến nay, nhằm hỗ trợ các hộ nông dân quy mô nhỏ, các trường học áp dụng canh tác nông nghiệp hữu cơ và hướng dẫn những người xung quanh được hiểu thêm kiến thức về nông nghiệp hữu cơ.

Trong lĩnh vực y tế - giáo dục, Trường cao đẳng Y tế Đồng Tháp hợp tác với các đối tác Nhật Bản, gồm Viện Giáo dục y tế và phúc lợi Nhật Bản (JAMWEI), Công ty cổ phần PGT Holdings và Nghiệp đoàn Hello Japan, CTCP Tsukui, Nghiệp đoàn Setouchi tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị trong lĩnh vực điều dưỡng và quản lý điều dưỡng; đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ về điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho sinh viên có nhu cầu học tập và làm việc tại Nhật Bản…

Đặc biệt, vừa qua, Đồng Tháp đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Something, hai bên đã thống nhất cùng nhau tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn học tập kinh nghiệm, tập huấn chuyên môn trên các lĩnh vực lao động, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản, thủy sản; tăng cường kết nối tuyển thực tập sinh tại Đồng Tháp; hỗ trợ tỉnh kết nối với các tập đoàn và nhà đầu tư Nhật Bản.

Về hợp tác trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc nước ngoài, có hơn 9.000 lao động Đồng Tháp đang sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, có 1.278 lao động sang Nhật Bản làm việc.

Mặc dù vậy, mối quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Đồng Tháp và các đối tác Nhật Bản còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu của hai bên.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có tổng số 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 314 triệu USD. Tuy nhiên, trong đó, chỉ có 2 dự án của Nhật Bản, gồm Chi nhánh Công ty Ajinomoto Việt Nam và Nhà máy sản xuất bánh gạo Nhật của Công ty cổ phần Thiên Hà Kameda đang được đầu tư tại Cụm công nghiệp dịch vụ - thương mại Trường Xuân (huyện Tháp Mười).

Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng Tháp với Nhật Bản năm 2022 đạt 18,17 triệu USD, trong đó xuất khẩu 17,42 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng Tháp với Nhật Bản đạt 20,5 triệu USD, trong đó, xuất khẩu sang Nhật đạt 20,18 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, dệt may, giày da, bánh phồng tôm, các sản phẩm từ gạo, collagen… Hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược phẩm, nguyên liệu dệt may, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Đề xuất hợp tác đầu tư, thương mại trên nhiều lĩnh vực

Nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của địa phương, tỉnh Đồng Tháp kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản tập trung đầu tư vào nông nghiệp.

Cụ thể, đối với ngành lúa gạo, Đồng Tháp kêu gọi các công ty, doanh nghiệp phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với diện tích lớn để đáp ứng được cả chất lượng và số lượng cho thị trường; đầu tư dây chuyền xay xát, chế biến hiện đại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm gạo và sau gạo như bánh gạo, dầu cám gạo, than trấu, ván rơm; xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm gạo Đồng Tháp.

Đối với ngành hàng trái cây, đầu tư nhà máy chế biến trái cây diện tích 4 - 6 ha với công nghệ hiện đại, dây chuyền phân loại tự động, hệ thống xử lý hơi nước, chế biến các sản phẩm đông lạnh, nước ép; quảng bá thương hiệu trái cây như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành đến các thị trường trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất trái cây; đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chính, có thế mạnh như xoài (đặc biệt là xoài cát Cao Lãnh, xoài cát chu Cao Lãnh, sen, khoai môn, ớt, cây có múi (chanh, cam, quýt), nhãn…; đầu tư thành lập trung tâm bảo quản, chợ trái cây trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; đầu tư sản xuất bao trái xoài và các loại cây ăn trái khác; xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp; máy móc phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp; chế biến, bảo quản nông sản, phụ phẩm nông nghiệp...

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng đề xuất hợp tác và đầu tư trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến; xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị; đầu tư du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch nông nghiệp...

Về thương mại, Đồng Tháp đề xuất đối tác Nhật Bản hợp tác xúc tiến, đẩy mạnh xuất khẩu các ngành hàng thế mạnh của tỉnh như thủy sản, nông sản chế biến (sản phẩm chế biến từ xoài, sen, nhãn, rau quả, mặt hàng trái cây tươi…), gạo và các sản phẩm sau gạo, giày da… Đồng thời, tăng cường nhập khẩu nguồn nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất của tỉnh như dược phẩm, nguyên liệu dược, nguyên liệu dệt may (da giày), chế biến thức ăn chăn nuôi…

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cũng mong muốn các đối tác Nhật Bản tăng cường đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực đào tạo nguồn lao động chất lượng cao và đưa lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài…

Đồng Tháp phấn đấu trở thành nơi đáng sống, đáng đầu tư, là điểm đến hấp dẫn

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Nằm ở đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long, được thiên nhiên ưu đãi, Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với sản lượng lúa, thủy sản đứng trong nhóm đầu cả nước và có nhiều loại cây trái nổi tiếng như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, sen Tháp Mười; nhiều địa điểm du lịch, không gian văn hoá thu hút du khách như Làng hoa Sa Đéc, Vườn Quốc gia Tràm Chim; các khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Xẻo Quýt, Gò Tháp...

Với vị trí chiến lược, Đồng Tháp đang tập trung phát triển kinh tế biên giới, khẩn trương triển khai các tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 30, Đường N2, các tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Cao Lãnh - Mỹ An, tạo thuận lợi trong giao thương cả về đường bộ lẫn đường thủy, nối Đồng Tháp gần hơn với các trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng và cả nước.

Nhất quán chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ, Đồng Tháp đã trở thành điểm sáng của cả nước về môi trường đầu tư, kinh doanh, với 15 năm liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước xúc tiến đầu tư trên những lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, phát triển hạ tầng logistics, du lịch sinh thái..., Đồng Tháp đã xây dựng nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đồng thời ban hành chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án Chuyển đổi số, với mục tiêu phục vụ người dân, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hỗ trợ các mô hình kinh tế tuần hoàn, gia tăng hàm lượng công nghệ để phát triển nhanh và bền vững.

Nỗ lực tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng văn hóa con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, Đồng Tháp phấn đấu trở thành nơi đáng sống, đáng đầu tư, là điểm đến hấp dẫn được doanh nghiệp và du khách ưu tiên lựa chọn.

Trúc Giang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục