Đồng Tháp tập trung phát triển các đô thị động lực

0:00 / 0:00
0:00
Vượt qua nhiều thách thức và biến động khó lường, kinh tế Đồng Tháp tiếp tục tăng trưởng khá, nhất là tại các đô thị động lực trung tâm, tạo tiền đề và nguồn lực cho phát triển trong tương lai.
Cao Lãnh phát huy vai trò là đầu tàu tăng trưởng của tỉnh Đồng Tháp Cao Lãnh phát huy vai trò là đầu tàu tăng trưởng của tỉnh Đồng Tháp

Tín hiệu tích cực

Với vai trò là đô thị trung tâm, thủ phủ Đất sen hồng, TP. Cao Lãnh phát triển mạnh mẽ công nghiệp, phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng của tỉnh Đồng Tháp với nhiều tín hiệu tích cực. Thành phố hiện có 72 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Chính quyền các cấp triển khai thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở khởi nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu công nghiệp, UBND TP. Cao Lãnh khuyến khích doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị công nghệ, đào tạo nâng cao tay nghề đội ngũ công nhân, đáp ứng nhu cầu chuỗi cung ứng xuất khẩu của Thành phố.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Trong 9 tháng của năm 2023, trên địa bàn Thành phố có 143/150 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 95,3% chỉ tiêu kế hoạch, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là 1.612 doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, có 9 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa phương.

Đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, Cao Lãnh đã lập hồ sơ đề nghị tỉnh phê duyệt thành lập Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp TP. Cao Lãnh với quy mô 48,514 ha. Hiện đã có nhà đầu tư đề nghị đầu tư khai thác, đồng thời phối hợp hỗ trợ việc đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Quảng Khánh 16,783 ha, với ngành nghề hoạt động sản xuất dược phẩm và các sản phẩm liên quan đến dược phẩm, công nghiệp sản xuất sạch.

Với vị thế tiềm năng của mình, TP. Cao Lãnh khai thác hiệu quả, nâng tầm quảng bá hình ảnh con người Đồng Tháp, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với nhiều khởi sắc và đạt được kết quả tốt. 9 tháng qua, Cao Lãnh đón và phục vụ khoảng 280.000 lượt khách, với doanh thu khoảng 25,5 tỷ đồng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Thường xuyên tuyên truyền, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, Fanpage Facebook về các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch của Thành phố, góp phần quảng bá hình ảnh một thành phố “Năng động - Văn minh - An toàn - Thân thiện”, phát triển Cao Lãnh theo tiêu chí đô thị loại I, xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh.

Còn tại Sa Đéc - đô thị động lực phía Nam của Đồng Tháp, thực hiện hiệu quả Kết luận số 254 của Tỉnh ủy khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội TP. Sa Đéc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần xây dựng Sa Đéc trở thành thành phố văn minh, hiện đại, Thành phố đã hoàn thành 8 đồ án quy hoạch phân khu theo định hướng quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đạt 100%) và tổ chức công bố, cắm mốc. Quy hoạch chi tiết các dự án tái định cư tại khu số 1, 2, 3, 4. Bên cạnh đó, mở rộng khu dân cư chợ Tân Phú Đông, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 3 xã, quy hoạch chi tiết Công viên Sa Đéc, quy hoạch chi tiết khu đô thị và cụm tiểu thủ công nghiệp, khu tái định cư Dự án Nam sông Tiền. Tiếp tục lập quy hoạch chi tiết mở rộng khu trung tâm các xã, từ đó tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư phát triển đô thị nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Công tác phát triển đô thị tiếp tục có chuyển biến tích cực. Ước đến cuối năm 2023, đối với các tiêu chí đô thị loại II, TP. Sa Đéc có 5/5 tiêu chí đều đạt trên điểm tối thiểu; tổng điểm 90,9/100 (tăng 6,72 điểm so với năm 2020); đối với các tiêu chí đô thị loại I có 2/5 tiêu chí đạt trên điểm tối thiểu, tổng điểm 69,5/100 (tăng 4,62 điểm so với năm 2020). Nhiều tuyến giao thông hoàn thành đưa vào khai thác như đường vành đai ĐT.848 (vành đai Tây Bắc) đoạn từ nút giao ĐT.848 đến Quốc lộ 80; nâng cấp đường ĐT.848 đoạn từ vòng xoay Khu công nghiệp C Sa Đéc đến Cái Tàu Thượng; đường Hoàng Sa... Đặc biệt, kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền được đưa vào quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là tuyến đường thủy nội địa Quốc gia đạt cấp III. Cùng với hoàn thiện thủ tục thực hiện Dự án hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền, triển khai dự án giao thông trọng điểm đô thị như đường D2, đường N7, đường Phạm Hữu Lầu... nhằm tạo thuận lợi giao thương, thu hút đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội và đô thị; khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức thành công Festival hoa kiểng Sa Đéc lần I- 2023 vào cuối năm nay.

Trong 33 dự án đăng ký kêu gọi phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, các dự án đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu lập dự án theo quy hoạch phân khu được duyệt, triển khai thi công nhằm tạo điểm nhấn không gian kiến trúc đô thị của thành phố, hướng đến các tiêu chí đô thị loại I như: Khu nhà phố Tân Quy Tây, Khu nhà phố đường Nguyễn Hữu Cảnh, Khu đô thị Vĩnh Phước. Ngoài ra, các dự án đang lập thủ tục đề xuất dự án (Khu đô thị bốn mùa, Khu đô thị và du lịch thế giới hoa, Khu đô thị thành phố xanh...) mang tính chất đặc trưng của một khu đô thị thu nhỏ trong lòng thành phố với nhiều tiện ích hiện đại.

Tại đô thị vùng biên giới, TP. Hồng Ngự đã bám sát các mục tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm, tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế, với nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, đề ra nhiều biện pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực: triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên tỷ lệ đô thị hóa của Hồng Ngự cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, tập trung các sản phẩm, ngành nghề địa phương có lợi thế: chế biến thực phẩm, xay xát lúa gạo, sản xuất gia công cơ khí dân dụng, may mặc, chế biến gỗ, sản xuất thức ăn thủy sản... Trong những tháng đầu năm, có 45 doanh nghiệp công nghiệp đã đăng ký kinh doanh trên địa bàn, hiện đang hoạt động hiệu quả hết công suất với 43 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp của thành phố tập trung tạo điều kiện để môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Trong đó, triển khai công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là những người mới khởi nghiệp phát triển bình đẳng, đúng quy định của pháp luật; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, công khai, minh bạch.

Trong 9 tháng đầu năm, tại Hồng Ngự có 35 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký trên 80 tỷ đồng; 175 hộ đăng ký kinh doanh mới, với vốn đăng ký là 40,919 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn Thành phố có các dự án đang triển khai đầu tư như: Khách sạn Sydney Như Hào (Sky Hotel) đang triển khai giai đoạn II; Xưởng may mặc Miền Nam của Công ty TNHH May mặc Miền Nam - Việt Nam; Dự án xây dựng kho lạnh và nhà máy chế biến thủy sản Hùng Cá; Dự án Trung tâm thương mại Go! Hồng Ngự; Dự án Khu đô thị Đông An Thạnh...

Công tác quy hoạch và phát triển đô thị được đẩy mạnh, trong đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt 78,3%; tỷ lệ cây xanh bao phủ toàn đô thị đạt 4,69 m2/người (diện tích cây xanh nội thị 5,38 m2/người). Trung tâm Điều hành thông minh IOC TP. Hồng Ngự cũng triển khai dựa trên nền tảng 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, có hiệu quả tích cực trong công tác giám sát tình hình an ninh trật tự, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giám sát an toàn giao thông, thông tin trên môi trường mạng của thành phố...

Tập trung nguồn lực phát triển đô thị

Tại buổi họp chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm hoàn thành năm 2023, làm tiền đề cho cả nhiệm kỳ, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, quyết tâm đạt mục tiêu kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của đơn vị là 100%. Tập trung phát huy thế mạnh của tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp và phát triển đô thị. Thường xuyên đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên các lĩnh vực.

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến nay toàn tỉnh có 22 đô thị gồm: 2 đô thị loại II (TP. Sa Đéc, TP. Cao Lãnh), 1 đô thị loại III (TP. Hồng Ngự); 3 đô thị loại IV và 16 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị toàn tỉnh đạt 39,2%. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng tiến hành rà soát và có các phương án điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp trình cấp thẩm quyền phê duyệt, với 3 phương án được đề xuất: phát triển theo thương hiệu, lãnh thổ; phát triển theo đơn vị hành chính; phát triển theo động lực kinh tế theo Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến năm 2030, Đồng Tháp phấn đấu toàn tỉnh có 48 đô thị, trong đó 2 đô thị loại I (TP. Cao Lãnh, TP. Sa Đéc), 1 đô thị loại II (TP. Hồng Ngự), 2 đô thị loại III (thị trấn Mỹ An, thị trấn Lấp Vò), 7 đô thị loại IV (thị trấn Mỹ Thọ, thị trấn Tràm Chim, thị trấn Thanh Bình, thị trấn Cái Tàu Hạ - Nha Mân, thị trấn Lai Vung, thị trấn Sa Rài, thị trấn Thường Thới Tiền) và 36 đô thị loại V.

Đến năm 2050, phát triển Đồng Tháp là trung tâm giao lưu kinh tế giữa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, là trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước. Tiếp tục khẳng định vị trí trung tâm đầu mối nông nghiệp bền vững về thủy sản nước ngọt, hoa kiểng, trái cây, lúa gạo, ứng dụng công nghệ cao của khu vực ĐBSCL, dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế. Quan trọng hơn, Đồng Tháp là một trong những tỉnh đáng sống và hạnh phúc của vùng với các tiêu chí hướng đến sự cân bằng, hài hòa và bền vững.

Đồng Tháp xác định 7 quan điểm phát triển đô thị, 10 lĩnh vực ưu tiên và 16 chỉ tiêu phát triển chính, cân bằng giữa các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường - kết cấu hạ tầng, trong đó lấy hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân làm cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển. Đồng thời xây dựng 3 kịch bản phát triển đột phá, đảm bảo sự cân bằng và dự trữ cho tương lai. Quy hoạch tổ chức không gian phát triển tỉnh theo 4 vùng liên huyện giàu đặc trưng, bao gồm:

Chuỗi đô thị và hành lang kinh tế sông Tiền, với hạt nhân phát triển là TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc.

Vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền, với hạt nhân phát triển là TP. Hồng Ngự và Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp, được định hướng là cửa ngõ giao thương quốc tế của tỉnh và vùng ĐBSCL, có vai trò quan trọng và tiên phong trong liên kết và hợp tác liên vùng.

Vùng kinh tế hậu cần ven sông Hậu, với hạt nhân phát triển là thị trấn Lấp Vò - điểm giao giữa trục đường bộ quốc gia N2 và trục đường thuỷ quốc gia theo sông Hậu, được định hướng là đầu mối hạ tầng, dịch vụ cấp vùng quan trọng, giúp kết nối hoàn thiện các chuỗi giá trị cho tỉnh Đồng Tháp và trung tâm vùng ĐBSCL.

Vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp trung tâm Đồng Tháp Mười, với hạt nhân phát triển là thị trấn Mỹ An, được định hướng là vùng sản xuất nông nghiệp đổi mới mang tính thích ứng, đổi mới, sáng tạo, nơi lưu giữ hồn cốt, bản sắc sinh thái - văn hóa Đồng Tháp Mười, vườn ươm cho những giá trị phát triển bền vững trong tương lai.

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục