Tín hiệu lạc quan
Trên lĩnh vực nông nghiệp, Đồng Tháp tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và sản phẩm OCOP, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được nhân rộng, công tác hỗ trợ người dân sản xuất và tiêu thụ nông sản được tập trung thực hiện. Ngành nông nghiệp tiếp tục thúc đẩy triển khai các giải pháp tái cơ cấu đi vào chiều sâu theo định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi an toàn, bền vững; tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực theo chuỗi giá trị (lúa gạo, cá tra, cây ăn trái, sen…), hình thành các vùng sản xuất có quy mô, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, đặc biệt chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đáp ứng các tiêu chuẩn cao VietGap, GlobalGap…
Xác định công nghiệp là động lực quan trọng để tăng trưởng và phát triển kinh tế, tỉnh đã ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xác định phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo là khâu đột phá.
Với sự đồng hành của chính quyền, sự nỗ lực vượt khó và chủ động thích nghi của cộng đồng doanh nghiệp, hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã và đang trên đà phục hồi, tăng trưởng. Chỉ số Sản xuất công nghiệp tháng 7/2022 tăng 0,15% so với tháng 6 và tăng 74,8% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung 7 tháng tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Đến nay, toàn bộ hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh đã khôi phục hoạt động 100% công suất. Hoạt động bán hàng online kết hợp bán hàng tại chỗ phát triển.
Tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường, như tổ chức Tuần hàng sản phẩm OCOP Đồng Tháp trên sàn thương mại điện tử; livestream quảng bá sản phẩm OCOP Đồng Tháp trên fanpage của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Đồng Tháp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng của năm 2022 đạt 51.956 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.
Các mặt hàng chủ lực của tỉnh đều giữ vững được thị trường truyền thống và có sự dịch chuyển nhẹ từ thị trường châu Á sang các nước châu Âu. Xuất khẩu nông sản cũng ghi nhận bước tiến mới với việc xuất khẩu thành công trái xoài Đồng Tháp sang EU.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không tính hàng tạm nhập, tái xuất) 7 tháng ước khoảng 916 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 55,5%, gạo tăng 35,8%, sản phẩm may tăng 62,7%, bánh phồng tôm tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Du lịch khôi phục mạnh mẽ trong điều kiện “bình thường mới”. Đặc biệt, Đồng Tháp tích cực triển khai Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2026 nhằm thúc đẩy ngành du lịch phục hồi, phát triển với phương châm “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, truyền thông quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch với các sản phẩm đặc thù, sản phẩm mới, hấp dẫn. Với nhiều hoạt động kích cầu sau đại dịch, ngành du lịch Đồng Tháp có nhiều khởi sắc. Tháng 7/2022, toàn tỉnh thu hút 400.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư
Thời gian qua, Đồng Tháp đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng.
Quán triệt chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, các cấp chính quyền, ban, ngành trong tỉnh chủ động tiếp xúc, tăng cường tương tác để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều hoạt động hỗ trợ, tập trung khôi phục và phát triển kinh tế được Đồng Tháp duy trì hiệu quả.
Nhờ đó, Đồng Tháp tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Đây là năm thứ 14 liên tiếp, Đồng Tháp đứng trong top 5 và năm thứ 8 liên tiếp đứng trong top 3 các tỉnh, thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”.
Trong 7 tháng của năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 443 doanh nghiệp thành lập mới (tổng vốn đăng ký 3.244 tỷ đồng) và 134 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, có 213 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 176 doanh nghiệp giải thể. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 4.700 doanh nghiệp đang hoạt động.
Song song với việc tăng cường xúc tiến, thu hút, hỗ trợ thủ tục đầu tư, UBND tỉnh cũng tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ rà soát, thúc đẩy các dự án chậm triển khai đi vào hoạt động, thu hồi các dự án không có khả năng triển khai để kêu gọi nhà đầu tư khác. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ đề xuất đầu tư của 65 dự án, trong đó có 14 dự án được chấp thuận đầu tư với số vốn đăng ký trên 2.300 tỷ đồng.
Tính chung từ năm 2020 đến ngày 20/7/2022, có 59 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 7.467 tỷ đồng. Trong đó, có 16 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động (tổng vốn đầu tư 1.223 tỷ đồng); 16 dự án đang triển khai (tổng vốn đầu tư 2.267 tỷ đồng), các dự án còn lại đang thực hiện thủ tục đầu tư.
Đáng chú ý, Đồng Tháp đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với NovaGroup để đầu tư Dự án Thành phố thông minh Mekong; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Tập đoàn T&T trong các lĩnh vực: đầu tư bất động sản, đô thị, tài chính, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ và logistics.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp đón các nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu đầu tư tại địa phương, như Tập đoàn TH (đầu tư lĩnh vực nông nghiệp), Tập đoàn Đầu tư tài chính và xây dựng Đại Dương - OCEAN Group (đề xuất đầu tư trung tâm logistics), Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise…
Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào khu - cụm công nghiệp
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình thực hiện đầu tư xây dựng năm 2021 để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, chỉ đạo các ngành, các cấp tuân thủ quy định, công khai và minh bạch trong công tác đấu thầu, quan tâm khâu hậu kiểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025.
Để công tác triển khai các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 được nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo tiến độ, UBND tỉnh ban hành các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 và Quy chế phối hợp, Kế hoạch triển khai. Các dự án đang được Trung ương và tỉnh khẩn trương triển khai gồm: Cao tốc tuyến Mỹ An - Cao Lãnh, Quốc lộ 30 (tuyến tránh TP. Cao Lãnh), Hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền, Bến phà An Phong - Tân Bình...
Cùng với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, Đồng Tháp cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 3 KCN đang hoạt động (Sa Đéc, Sông Hậu và Trần Quốc Toản), thu hút 63 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 11.590 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 204,07 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các KCN đạt khoảng 99,26%. Tại Khu kinh tế cửa khẩu có 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 124,76 tỷ đồng.
Thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn rất quan tâm đăng ký đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đề xuất thực hiện Dự án Đầu tư hạ tầng KCN tại xã Định An (huyện Lấp Vò), quy mô giai đoạn I là 150 ha và KCN Công nghệ cao tại xã Hòa Tân (huyện Châu Thành), quy mô 250 ha. Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư KCN ở xã Tân Mỹ (huyện Lấp Vò), quy mô 150 ha.
Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp cũng có nhiều thuận lợi hơn kể từ khi Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (huyện Tân Hồng) được bổ sung vào Nghị định thư thực hiện Hiệp định Vận tải đường bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Campuchia, mở ra nhiều cơ hội, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đồng Tháp đang tập trung quản lý xây dựng, đốc thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp, KCN Tân Kiều, Cụm công nghiệp Tân Lập, Cụm công nghiệp Quảng Khánh, tiếp tục mời gọi đầu tư KCN Ba Sao bằng nguồn vốn tư nhân.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Đồng Tháp đã khẩn trương, nghiêm túc, triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân vào bản Quy hoạch, chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt. Đến nay, nội dung Quy hoạch đã cơ bản được hoàn thiện.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xây dựng các công trình, phát triển trung tâm đầu mối tại TP. Cao Lãnh; xây dựng bệnh viện đa khoa vùng tại Đồng Tháp; xây dựng Bảo tàng Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 30; đầu tư xây dựng mới đường Hồ Chí Minh đoạn Tân Thạnh - Mỹ An và đoạn Mỹ An - nút giao An Bình; đầu tư xây dựng mới cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ) và cao tốc Trà Vinh - Hồng Ngự (đoạn An Hữu - Cao Lãnh); đầu tư xây dựng mới Quốc lộ N1 qua Đồng Tháp, trong đó có cầu Tân Châu; đầu tư nâng cấp Quốc lộ 80B; nâng cấp Quốc lộ N2B thành cao tốc.
Giai đoạn 2026 - 2030, sẽ đầu tư xây dựng mới cao tốc Trà Vinh - Hồng Ngự (đoạn Hồng Ngự - Cao Lãnh); đầu tư nâng cấp Quốc lộ 30B và Quốc lộ 30C…