Nhiều nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã lọt vào top các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, như Philippines hay Việt Nam, với tốc độ hơn 6% mỗi năm.
Với dân số hơn 620 triệu người và GDP 2.600 tỷ USD, tiềm năng đầu tư vào đây được đánh giá rất lớn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo đến năm 2020, khu vực này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Tuy nhiên, mục tiêu hợp nhất về kinh tế tại ASEAN vẫn còn nhiều thách thức. Các doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản, bất chấp lộ trình năm 2015 về việc giảm rào cản thương mại và tạo ra thị trường chung để tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động.
Nguyên nhân khác là sự khác biệt về thể chế chính trị và các tranh chấp lãnh thổ.
“Vấn đề là các nước luôn nghĩ đến mình trước, rồi mới tới ASEAN”, Song Seng Wun - nhà kinh tế học tại CIMB Private Banking nhận xét.
Triển vọng kinh tế
GDP các nước ASEAN đã lên 2.600 tỷ USD năm 2016, từ 37,6 tỷ USD năm 1970. Tốc độ tăng trưởng tại đây năm tới được BMI Research dự báo là 4,9%, với lực đẩy là Myanmar, Việt Nam và Philippines.
GDP các quốc gia ASEAN giai đoạn 1970 - 2016 (đơn vị: tỷ USD). Ảnh: Bloomberg
Thương mại
Rất nhiều quốc gia thành viên ASEAN phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Việc này khiến họ dễ chịu ảnh hưởng từ các biến động toàn cầu. Đông Nam Á giờ đã trở thành lựa chọn thay thế Trung Quốc, nhờ giá nhân công rẻ, nhu cầu nội địa tăng và cơ sở vật chất cải thiện.
Dù vậy, thương mại giữa các nước trong khối vẫn còn thấp, so với các nhóm nước tương tự, như EU, Capital Economics cho biết.
Kim ngạch thương mại các nước ASEAN ngày càng tăng (đơn vị: nghìn tỷ USD).
Thương mại nội khối chỉ đóng góp tổng cộng một phần năm kim ngạch, thấp hơn rất nhiều so với hơn 60% tại EU. Rào cản phi thuế quan giữa các nước cũng vẫn cao, đặc biệt là tại Indonesia.
Đầu tư
Rất nhiều nước trong khu vực đang hưởng lợi từ yếu tố dân số. Khi lực lượng lao động tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hong Kong co lại từ năm 2015, con số này tại Đông Nam Á được dự báo vẫn tăng đến năm 2020, Nomura cho biết.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng hơn 270 lần từ năm 1970 (đơn vị: tỷ USD).
Triển vọng tăng trưởng mạnh của Đông Nam Á cũng đang giúp khu vực này thu hút nhiều đầu tư hơn. Coca-Cola đang mở rộng tại Việt Nam và Myanmar. Trong khi đó, Apple sẽ xây trung tâm nghiên cứu tại Indonesia.