Chiều 17/7, sau nhiều ngày nghị án, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên án đối với 6 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Quỹ Tín dụng Nhân dân Gia Kiệm (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) lập khống hồ sơ chiếm đoạt hơn 33,7 tỷ đồng.
Hội đồng Xét xử tuyên phạt Phạm Ngọc Xuyến (67 tuổi, cựu Giám đốc Quỹ Tín dụng Nhân dân Gia Kiệm) mức án 13 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 175, Bộ Luật Hình sự.
Các bị cáo Nguyễn Tiến Dũng (46 tuổi, cựu Kế toán Trưởng) nhận mức án 10 năm tù, Trần Ngọc Hưng (78 tuổi, cựu Thủ quỹ) 10 năm tù, Vũ Thanh Hà (63 tuổi, cựu cán bộ tín dụng) 12 năm tù, Trần Uy Quyền (61 tuổi) 12 năm tù và Trần Hiến Minh (60 tuổi, cùng cựu Kiểm soát viên) 12 năm tù cùng về tội danh trên.
Hội đồng Xét xử tuyên buộc 6 bị cáo trên bồi thường cho Quỹ Tín dụng hơn 22,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, hai bị cáo khác gồm Vũ Văn Hòa (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị) và ông Nguyễn Văn Lợi (cựu Trưởng ban Kiểm soát) là chủ mưu cầm đầu nhưng đã chết. Tổng số tiền chiếm đoạt của Hòa và Lợi gần 10 tỷ đồng.
Do cả hai đã chết, Tòa dành quyền khởi kiện dân sự cho Quỹ Tín dụng đối với người thừa kế thực hiện nghĩa vụ khi có yêu cầu.
Hội đồng Xét xử nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Vụ án diễn ra trong thời gian dài, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các bị cáo và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, khả năng khắc phục, thu hồi tài sản trả cho người liên quan (khách hàng Quỹ Tín dụng) rất khó. Vụ án còn gây ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự địa phương.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai xác định, Quỹ Tín dụng Nhân dân Gia Kiệm được thành lập từ năm 1996 và đã có nhiều sự thay đổi về nhân sự. Trong đó, Vũ Văn Hòa làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị từ năm 1998-2019.
Từ năm 2008, Hòa, Xuyến, Dũng, Hưng, Lợi, Hà, Quyền, Minh là những người tham gia điều hành, quản lý Quỹ Tín dụng Nhân dân Gia Kiệm đã cùng bàn bạc chiếm đoạt tiền của quỹ bằng cách trực tiếp đứng tên lập khống hồ sơ tín dụng để vay tiền tiêu xài cá nhân nhưng không trả lãi và gốc.
Khi đến hạn tất toán hợp đồng, các bị cáo lại lập hồ sơ tín dụng vay mới để thay thế hợp đồng tín dụng vay trước. Các bị cáo không đưa tiền gửi của 91 khách hàng vào hoạt động cho vay để sinh lời mà chiếm đoạt tiền tiêu xài cá nhân dẫn đến hoạt động của Quỹ Tín dụng luôn trong tình trạng thu không đủ bù chi, phải lấy tiền của người gửi sau chi trả tiền gốc và lãi cho khách hàng gửi trước hoặc khách hàng có nhu cầu rút tiền.
Đến tháng 1/2018, Quỹ Tín dụng Nhân dân Gia Kiệm hoàn toàn mất cân đối về nguồn vốn kinh doanh, bị tê liệt và mất khả năng chi trả, không còn khả năng thanh khoản cho những nguồn vốn đã huy động của quỹ. Những sai phạm này gây thất thoát số tiền hơn 33,7 tỷ đồng.