Đồng Nai cách ly người từ TP.HCM, doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
Việc thực hiện cách ly người từ TP.HCM đến Đồng Nai có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp, không đảm bảo duy trì sản xuất của các doanh nghiệp tại TP.HCM.
HEPZA cho rằng việc thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp; ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc TPHCM (ảnh: Lê Toàn) HEPZA cho rằng việc thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp; ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc TPHCM (ảnh: Lê Toàn)

Doanh nghiệp kêu cứu

Liên quan đến quy định từ 00 giờ ngày 5/6, tất cả những người từ TP.HCM về/đến Đồng Nai đều phải cách ly y tế 21 ngày tại nhà hoặc cơ sở lưu trú (người cách ly tự trả phí) mà UBND tỉnh Đồng Nai ban hành, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) đã công văn hỏa tốc gửi UBND TP.HCM về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai.

Theo HEPZA, hiện nay có khoảng hơn 6.000 người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hằng ngày di chuyển đến các Khu công nghiệp, Khu chế xuất: Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam thuộc TP.HCM để làm việc.

Đồng thời, rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua Cụm cảng Cái Mép Thị Vải và hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP.HCM, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc TP.HCM.

Chính vì vậy, HEPZA cho rằng việc thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp, việc lưu thông hàng hóa.

Đồng thời, việc di chuyển của người lao động gặp khó khăn, khả năng sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc TPHCM.

Ngay sau khi nhận được đơn kêu cứu của HEPZA, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải và Sở Y tế Thành phố nghiên cứu tình hình thực tế, kịp thời tham mưu cho UBND TP.HCM có công văn trao đổi với tỉnh Đồng Nai để giải quyết, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao sớm hoàn tất và cung cấp danh sách nhân viên, công nhân đang làm việc tại đơn vị với đầy đủ thông tin về nơi cư trú, số điện thoại liên lạc… để phục vụ cho công tác truy vết khi có nhu cầu.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng yêu cầu các quận - huyện và TP. Thủ Đức tăng cường kiểm tra việc tuân thủ và thực hiện các Bộ tiêu chí an toàn ở các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định.

Đồng Nai khẳng định không “ngăn sông cấm chợ”

Quy định này của UBND tỉnh Đồng Nai khiến nhiều người bất ngờ, vì Đồng Nai và TP.HCM là hai địa phương giáp ranh, không chỉ người dân qua lại hằng ngày mà rất nhiều người ở TP.HCM làm việc tại các công ty, khu công nghiệp ở Đồng Nai và ngược lại.

Trước nhiều ý kiến cho rằng quy định của Đồng Nai vừa đưa ra gây không ít xáo trộn đời sống của không ít người lao động. Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, giám đốc Sở Y tế Đồng Nai khẳng định, Đồng Nai không ngăn sông cấm chợ, nhưng phải áp dụng biện pháp này vì số chuyên gia, lao động ở TP.HCM làm việc ở Đồng Nai rất lớn, trên 10.000 người.

Nếu để số lượng người này đi đi, về về chắc chắn ở Đồng Nai sẽ có các ổ dịch, nhất là trong tình hình hiện nay. Cho nên, Đồng Nai quyết liệt chống dịch như tinh thần của Thủ tướng là tấn công ngay từ ban đầu.

"Sau thời điểm này, những người từ vùng dịch TP.HCM lên Đồng Nai được chọn 1 trong 2 quyền. Một là ở Đồng Nai làm việc bình thường, hoặc là ở TP.HCM làm việc online".

Chính vì vậy, người đến, về Đồng Nai từ TP.HCM từ ngày 4/6 trở về trước không buộc phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Riêng những trường hợp có liên quan đến các ca bệnh Covid-19, trở về từ khu vực phong tỏa của TP.HCM phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà theo quy định phòng chống dịch Covid-19.

Ngược lại, những người ở Đồng Nai trước đây làm việc ở TP.HCM đi về trong ngày buộc phải lựa chọn, một là thuê nhà ở lại TP.HCM để làm việc tại TP.HCM trong thời gian này, hoặc ở Đồng Nai và làm việc trực tuyến…

Nếu từ ngày 5/6, người Đồng Nai lên TP.HCM làm việc, khi quay về Đồng Nai bắt buộc phải cách ly 21 ngày tại nhà, nơi lưu trú theo quy định của UBND tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Vũ, hiện Đồng Nai cũng đã quy định trong thời gian này cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn không đến TP.HCM (trường hợp đặc biệt phải được thủ trưởng cơ quan đồng ý bằng văn bản). Vì vậy, nếu làm việc ở Đồng Nai hoặc TP.HCM thì ở luôn tại đó. Các doanh nghiệp, công ty, cơ quan nhà nước cũng đã có phương án làm việc online, phân bổ công việc cho người lao động… để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối với vận chuyển hàng hóa, ông Vũ khẳng định không có gì cản trở. Ví dụ, tài xế vào Đồng Nai giao hàng chỉ cần khai báo y tế rồi về TP.HCM, không phải cách ly 21 ngày. Tuy vậy, những doanh nghiệp có tài xế chở hàng hóa thiết yếu phải có phương án phòng chống dịch bệnh cho tài xế.

Theo Quy định tại văn bản số 6180/UBND-KGVX của UBND tỉnh Đồng Nai, từ 0h ngày 5/6, áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày đối với tất cả người từ TP.HCM về, đến Đồng Nai (trừ các đối tượng phải áp dụng các biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của ngành y tế).

Thời gian cách ly tính từ ngày rời TP.HCM. Đồng thời yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 và 14. Phí cách ly tại cơ sở lưu trú và lấy mẫu xét nghiệm do đối tượng cách ly trả.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu người về, đến từ TP.HCM liên hệ các trạm y tế tại nơi cư trú để khai báo y tế và được hướng dẫn cách ly y tế tại nhà hoặc cơ sở lưu trú theo quy định. Văn bản của tỉnh còn nhấn mạnh sẽ xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, không chấp hành.

Trong thời gian này, các cán bộ, công chức viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh không đến TP.HCM, trừ trường hợp đặc biệt phải được thủ trưởng cơ quan đồng ý bằng văn bản. Tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách từ Đồng Nai đi TP.HCM và ngược lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng kêu gọi người dân về, đến từ TP.HCM liên hệ cơ quan y tế gần nhất để khai báo; kêu gọi nhân dân ở từng tổ, ấp, khu phố tăng cường giám sát cộng đồng dân cư, thông tin phản ánh những trường hợp về, đến từ TP.HCM không thực hiện khai báo y tế và cách ly.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục