Động lực từ FDI

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đang trở thành điểm đến trong làn sóng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, mang lại kỳ vọng cho các ngành thâm dụng công nghệ, công nghệ cao, bất động sản khu công nghiệp…
Động lực từ FDI

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu có ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn FDI. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019.

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp FDI đang dần hồi phục, duy trì tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh và mở rộng dự án. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu đầu tư lớn vào Việt Nam.

Mới đây, Foxconn Singapore PTE Ltd đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất 8 triệu iPad và MacBook mỗi năm tại Bắc Giang, tổng vốn đầu tư của dự án là 270 triệu USD. Dự kiến, trong năm 2021, nhà đầu tư này sẽ đầu tư thêm khoảng 700 triệu USD và tuyển dụng 10.000 lao động.

Tỉnh Bắc Giang cũng đã trao giấy phép đầu tư cho 3 dự án khác gồm dự án Công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment Limited (Hồng Kông), dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam và dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam của nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore). Ba dự án này có tổng vốn đăng ký trên 290 triệu USD.

Tại Tây Ninh, dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) được điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới, hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Phùng Thanh Quang, Giảng viên bộ môn Ngân hàng thương mại, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, với việc Việt Nam gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại lớn như EVFTA, CPTPP, RCEP, dòng vốn FDI sẽ tăng mạnh.

Chỉ số FDI/GPD của Việt Nam ở mức cao nhất (6,2%) trong khu vực cho thấy, Việt Nam là một địa điểm thu hút FDI nổi trội so với các nước trong khu vực.

“Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới có xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất về Việt Nam, đặt kỳ vọng vào các ngành thâm dụng công nghệ, công nghệ cao… FDI là động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế, FDI chuyển dịch theo hướng tích cực sẽ ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế, trong đó có thị trường chứng khoán”, ông Quang nhận xét.

Ông Nguyễn Khánh, Giám đốc Tư vấn, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Sài Gòn Bond cho rằng, chi phí nhân công của Việt Nam cho các hoạt động sản xuất rất cạnh tranh trong khu vực, đặc biệt là so với Thái Lan và Malaysia.

Trong khi đó, kinh tế - chính trị ổn định, Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thành lập các khu công nghiệp, khu kinh tế, có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Luật Đầu tư đã bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư… Các yếu tố này sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn FDI.

Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, việc chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là một xu hướng lớn, có khả năng tăng tốc, nhu cầu đối với các khu công nghiệp sẽ tăng đáng kể. Ngoài Foxconn, không ít doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 20 ngày đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 2,02 tỷ USD (giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái vì cùng kỳ có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD); vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục