Doanh nghiệp và Chính phủ là 2 đối tác
Ông Trần Ðình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Khi nền kinh tế hội nhập sâu hơn, các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh cả trên sân nhà và sân chơi quốc tế. Chúng tôi nhìn nhận rằng, những lợi ích cụ thể như ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường là quan trọng khi Việt Nam ký kết các FTA. Nhưng quan trọng hơn, hội nhập tạo ra áp lực cạnh tranh, từ đó có thể tạo ra sức ép để doanh nghiệp gây áp lực với Chính phủ xem xét và cải thiện nhiều quy định.
Nhìn vào cơ cấu doanh nghiệp và quy mô doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay, có thể thấy sự bức thiết trong việc tạo điều kiện để doanh nghiệp lớn lên. Chính phủ cần tạo ra không gian phát triển, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, không phân biệt đối xử doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, có cách tiếp cận rõ ràng để chuyển nguồn lực nhà nước cho khu vực tư nhân...
Chúng ta cần duy trì cách tiếp cận giảm chi phí cho doanh nghiệp như kiềm chế lạm phát ở mức thấp để lãi suất vay vốn thấp, tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng thi hành công vụ nhằm loại bỏ các chi phí không chính thức cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính…
Ðồng thời, cần phân bổ các nguồn lực hợp lý hơn, có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Sẽ phải có quan điểm và luận điểm rất rõ ràng để quyết định ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp nào đó về vốn, đất đai…, chẳng hạn ưu đãi cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Và cũng đến lúc không phân biệt doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp khởi nghiệp... Hỗ trợ thế nào để không tạo ra cơ chế xin - cho là vấn đề rất quan trọng.
Các FTA thế hệ mới là chất xúc tác kiến tạo chính sách
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế.
Trong CPTPP có 1 chương về doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng mang tính tuyên ngôn nhiều hơn là cụ thể, rằng Hiệp định chắc chắn mang lại lợi ích to lớn cho khối doanh nghiệp này.
Nhìn chung, CPTPP sẽ mang lại cơ hội kinh doanh, lợi thế xuất khẩu, phục vụ người tiêu dùng, du lịch, giải trí, thương mại, phân phối bán lẻ, giáo dục, y tế... Thị trường mới mở ra không đơn thuần là xuất khẩu dựa trên lợi thế so sánh, mà còn nhắm tới thương mại điện tử, những tiêu chuẩn, đòi hỏi xanh về môi trường.
Cái được lớn nhất của các FTA thế hệ mới là chất xúc tác để Chính phủ tiếp tục kiến tạo chính sách, phục vụ lợi ích doanh nghiệp, giảm chi phí giao dịch. Ðó có thể là những quy định gắn với điều tiết chính sách sau đường biên giới, cạnh tranh doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ.
Có những chất xúc tác như vậy mới có thêm động lực cải thiện môi trường kinh doanh để kỳ vọng Việt Nam trở thành một trung tâm (Hub) của các tập đoàn nước ngoài. Họ sẽ vào Việt Nam, tạo cơ hội để doanh nghiệp nội tham gia chuỗi, tham gia mảng. Chỉ cần doanh nghiệp Việt Nam “chơi” được với “đại gia” là có thể tiếp cận được vốn, vì ngân hàng nhìn vào dòng tiền là có thể cho vay.
Trong khu vực tài chính, CPTPP không có nhiều đột phá so với WTO, trừ các quy định về tài chính gián tiếp thì khá rõ. Nhưng cũng phải thấy, nếu không chịu tác động từ những xu hướng mới như vậy thì không phải ngẫu nhiên Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều chính sách như cho vay chuỗi, theo mảng…