Động lực mới cho tiến trình M&A

(ĐTCK) Các hiệp định thương mại sẽ ký từ nay đến năm 2015, các cam kết mở cửa nền kinh tế sẽ tạo ra cơ hội cực kỳ lớn cho M&A.
Động lực mới cho tiến trình M&A

“Tổng giá trị M&A tại Việt Nam nửa đầu năm nay có sụt giảm nhẹ, nhưng các năm trước cho thấy, các thương vụ M&A thường kết thúc vào nửa cuối năm và tôi tin rằng, bằng giờ năm sau, tại Diễn đàn M&A này, chúng ta sẽ ghi nhận những kết quả hết sức bất ngờ. M&A 2013 sẽ lớn mạnh nhiều hơn so với dự báo”, ông John Ditty, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia nhận xét tại Diễn đàn mua bán, sáp nhập DN (M&A forum 2013) lần thứ 5 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Vietnam phối hợp tổ chức hôm qua (8/8).

Nhiều động lực mới

Theo ông John Ditty, xu hướng đô thị hóa, áp lực cạnh tranh ngày một lớn… là những động lực làm gia tăng nhu cầu M&A tại Việt Nam . Cùng quan điểm này, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, bên cạnh sức ép cạnh tranh giữa các DN, thì xu hướng hội nhập sẽ mở ra rất nhiều cơ hội M&A. Theo đó, khi DN gặp khó khăn, bản thân họ cũng có nhu cầu được M&A để tạo thêm sức mạnh.

“Thêm vào đó, các hiệp định thương mại sẽ ký từ nay đến năm 2015, các cam kết mở cửa nền kinh tế sẽ tạo ra cơ hội cực kỳ lớn cho M&A”, ông Thành nhấn mạnh.

Nhận xét về lĩnh vực M&A tại Việt Nam, ông David Blackhall, Giám đốc điều hành VinaCapital Real Estate, đơn vị có hơn 10 năm kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, cho rằng, nền tảng kinh tế Việt Nam đang tốt hơn so với 1 năm trước. “Đó là một thông tin tốt lành. Có rất nhiều NĐT nước ngoài, là những công ty toàn cầu quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam . Trong tương lai, tôi cho rằng, các NĐT đến từ Nhật Bản và các nước trong khu vực sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng trong M&A tại Việt Nam”, ông David Blackhall nói.

Thống kê của Ban tổ chức M&A forum 2013 cho thấy, năm 2012, các NĐT đến từ Nhật chiếm vị trí số 1 về lượng thương vụ và tổng giá trị M&A tại Việt Nam. Ông Masataka “Sam” Yoshida - Giám đốc đầu tư, RECOF - đơn vị tư vấn M&A tên tuổi của Nhật Bản cho biết, các NĐT Nhật đã và sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng của Việt Nam trong M&A.

“M&A với đối tác Nhật thường chậm, kéo dài thời gian hơn, nhưng khá chắc chắn. Việt Nam luôn đứng ở vị trí rất cao trên thế giới trong các thương vụ M&A của Nhật ra bên ngoài”, ông Yoshida nhận xét.

 

Lĩnh vực nào sẽ “hút” M&A?

Thống kê của RECOF cho thấy, trong số 81 thương vụ M&A mà NĐT Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam, thì 4 lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất là IT/phần mềm (16%), sản xuất (15%), thương mại - phân phối (14%), thực phẩm (11%). Lĩnh vực ngân hàng, phi sản xuất đều chiếm tỷ lệ 9%.

Còn theo thống kê của Capital IQ, số lượng các thương vụ M&A vào ngành tài chính giảm dần từ năm 2010 lại đây, trong khi lĩnh vực hàng thiết yếu, ngành công nghiệp, nguyên vật liệu lại tăng mạnh trong năm 2012.

Ông Yoshida cho rằng, NĐT Nhật không tập trung vào lĩnh vực bất động sản, một phần do nhu cầu đầu tư trực tiếp của các NĐT, một phần do e ngại những rủi ro pháp lý. Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành lại có lý giải khác: “NĐT Nhật Bản rất khôn ngoan. Họ ít đầu tư vào bất động sản vì sợ rủi ro, nhưng lại đầu tư vào các lĩnh vực có liên quan, để tận dụng sự phát triển của lĩnh vực bất động sản”.

Trong khi đó, chia sẻ tại Diễn đàn, ông David Blackhall cũng cho biết, VinaCapital Real Estaste nhận được sự quan tâm rất lớn của các NĐT nước ngoài, các DN toàn cầu, không chỉ trong lĩnh vực bất động sản, mà rất nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông David, do M&A bất động sản tại Việt Nam chịu rất nhiều rủi ro khi môi trường pháp lý còn nhiều điểm chưa rõ ràng đối với NĐT ngoại, nên những thương vụ M&A bất động sản thời gian qua chủ yếu đến từ các NĐT trong khu vực ASEAN, Hồng Kông, Trung Quốc….

Cũng theo ông David, việc đưa VAMC vào hoạt động; tái cấu trúc các NHTM, với việc dư thừa vốn lưu động của các ngân hàng, những bất cập chính sách đã giảm… có thể sẽ là động lực thúc đẩy M&A ngành bất động sản thời gian tới.

 

Làm gì để thúc đẩy M&A?

Có 2 vấn đề cần quan tâm, đó là làm sao để tìm được đối tác nước ngoài cho các thương vụ M&A và giải quyết các vướng giải quyết các vướng mắc chủ yếu của hoạt động này?

Điều phối phiên thảo luận, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức đặt câu hỏi: Làm sao để DN tìm được đối tác M&A? Tại Diễn đàn, có ý kiến cho rằng, mình cứ làm tốt thì sẽ có đối tác tìm đến, “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy nhiên, không đồng ý với quan điểm này, một khách mời cho rằng, nếu đã hoạt động tốt rồi thì không phải DN nào cũng có nhu cầu M&A. Vì thế nên chăng, cần có một trung tâm thông tin để DN muốn huy động vốn tìm đối tác M&A.

Vấn đề thứ hai là giải quyết các trở ngại liên quan đến pháp lý và thủ tục mua bán, sáp nhập. Bà Linh Bùi, Luật sư cao cấp Công ty Allens Pte.Ltd cho rằng, trở ngại pháp lý ở Việt Nam còn khá lớn. “Nhiều quy định pháp lý ở Việt Nam chưa đầy đủ hoặc còn những rào cản như những giới hạn trong bán lẻ, hoạt động ngân hàng… Một số khách hàng của chúng tôi gặp rủi ro vì là người đầu tiên thực hiện giao dịch một số loại hình M&A”, bà Linh nói và bổ sung thêm một nút thắt cũng là ý kiến chung của nhiều diễn giả, thủ tục cấp giấy phép tại Việt Nam phải qua nhiều cơ quan quản lý, mất thời gian…, khiến kéo dài quá trình đàm phán của các thương vụ.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng nêu ra một số điểm thường khiến M&A diễn ra chậm hoặc bất thành. Đó trước hết là văn hóa DN, khi một số DN không sẵn sàng hoặc không biết cách chia sẻ đầy đủ nhu cầu thông tin của đối tác. Một lý do khác, theo ông Yoshida, đó là sự khác biệt trong kỳ vọng giá giữa NĐT trong nước và nước ngoài. “Giai đoạn sau của quá trình M&A thường dẫn đến việc thất bại trong đàm phán M&A đó là kỳ vọng giá, khi các DN trong nước kỳ vọng giá quá cao, còn các NĐT Nhật lại chỉ sẵn sàng bỏ ra một mức tiền thấp hơn”, ông Yoshida nhận xét.

Vấn đề minh bạch thông tin của các DN Việt Nam cũng được nêu lên như một cản trở đối với sự quan tâm của các NĐT ngoại. Đó là tình trạng sổ sách chứng từ kế toán không minh bạch, ban lãnh đạo không nêu được kế hoạch phát triển tương lai, hoặc minh bạch quản trị… “Chúng tôi rất lo ngại DN mời một tổ chức tư vấn để xào nấu thông tin. Khi tiến hành bất cứ thương vụ M&A nào, việc được cung cấp đầy đủ thông tin cả tốt và xấu để chúng tôi cung cấp cho đối tác là điều kiện hàng đầu để thúc đẩy M&A”, ông Volker Becker, Giám đốc dự án ngân hàng đầu tư, CTCK Bản Việt nhận định.    

 

“Hành lang pháp lý cần hoàn thiện hơn”

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất quan tâm đến hoạt động M&A và coi đây là kênh huy động vốn hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế còn có những khó khăn. Tôi khẳng định rằng, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ các cam kết theo lộ trình mở cửa gia nhập WTO, kể cả những cam kết về tỷ lệ sở hữu cũng như việc các đối tác ngoại mua lại DN Việt Nam. Về khung pháp lý cho hoạt động M&A, tôi cho rằng, vẫn cần hoàn thiện và thống nhất hơn. Hành lang pháp lý về M&A hiện nay được chi phối bởi nhiều quy định của nhiều ngành khác nhau. Khi thị trường M&A lớn mạnh thì khung pháp lý cũng cần phát triển tương ứng.

 

Do đó, tôi đề nghị, thông qua Diễn đàn này, các đơn vị tư vấn cần tập hợp tất cả các vướng mắc, khó khăn trong quá trình M&A, để gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đó Bộ sẽ phân công các đầu mối làm việc để sớm giải quyết các khúc mắc, nhằm thúc đẩy hoạt động này.

“Những vấn đề nóng đã phần nào có câu trả lời”

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức M&A forum 2013

 

Diễn đàn M&A năm nay được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ đang tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế với 3 trọng tâm là tái cấu trúc DN, đầu tư và hệ thống ngân hàng - tài chính. Trong Diễn đàn thường niên lần thứ 5 này, chúng ta đã nhìn lại toàn cảnh thị trường M&A trong 5 năm qua và tìm ra những cơ hội cho giai đoạn mới.

 

Bên cạnh đó, trong “Chương trình kết nối đầu tư” tại Diễn đàn, nhiều DN và nhà đầu tư đã có cơ hội để trao đổi và kết nối các thương vụ M&A. Tôi hy vọng, sẽ sớm có thêm nhiều thương vụ thành công trong thời gian tới.

 

Tại Diễn đàn, nhiều vấn đề nóng đã được đặt ra. Hành lang pháp lý hiện nay liệu đã theo kịp thực tế sôi động của các hoạt động M&A? Làm thế nào để các DN tìm được các đối tác M&A phù hợp? Làm thế nào để có thể đẩy nhanh trình tự, thủ tục của thương vụ M&A? Đó là những câu hỏi có liên quan trực tiếp đến sự thành bại của một thương vụ M&A cụ thể, cũng như sự phát triển của toàn bộ hoạt động M&A tại Việt Nam. Những vấn đề nóng này đã được đặt ra và phần nào tìm được câu trả lời tại diễn đàn này. Đó sẽ là những gợi mở tốt để chúng tìm cùng tìm kiếm “Cơ hội trong thị trường 5 tỷ USD”.

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục