Động lực để doanh nghiệp Việt bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khó có thể trông chờ vào chính sách hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp đã quyết định niêm yết cổ phiếu, tận dụng cơ hội huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán để chủ động vươn ra toàn cầu.
Nhà máy gạch nhựa SPC của Hoàng Gia Pha Lê tại Đồng Nai. Nhà máy gạch nhựa SPC của Hoàng Gia Pha Lê tại Đồng Nai.

Trong thế giới phẳng và nền kinh tế đang hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, câu chuyện để nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam giữ được vị thế của mình, phát triển vững mạnh luôn là điều khiến nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết trăn trở.

Gần đây, không khó để thống kê số doanh nghiệp niêm yết có khát vọng và đang gặt hái được thành công trên các thị trường quốc tế.

Tất nhiên, thị trường quốc nội với gần 100 triệu dân cũng quan trọng, nhưng nói như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, doanh nghiệp Việt chỉ có thể lớn tiếp nếu vươn khỏi lũy tre làng.

5 tháng đầu năm nay, trong khi doanh thu thị trường nội địa sụt giảm mạnh so với cùng kỳ do tác động của đại dịch Covid-19, thị trường nước ngoài của FPT vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu ít nhất 15% (EU 20%, Mỹ 18% và Nhật Bản 15%).

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy chuỗi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu liên tục 10 năm của Việt Nam đã tạm đứt gãy khi 6 tháng đầu năm nay, chỉ đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, trong bức tranh đó, có những chấm sáng mà doanh nghiệp đang rất quan tâm. Ðó là đà tăng của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ tiếp tục được giữ vững với 30,3 tỷ USD, tăng hơn 10%.

Kết thúc nửa đầu năm 2020, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bỏ xa thị trường kế tiếp là Trung Quốc với 19,5 tỷ USD.

Giải thích cho việc tại sao Mỹ, nơi có hơn 300 triệu dân nhưng luôn là thị trường có sức mua và mức độ chịu chi cao nhất thế giới, ông Ðinh Việt Anh, Chủ tịch Công ty cổ phần Sản xuất và đầu tư  Hoàng Gia, nhà sản xuất gạch lát sàn lớn thứ 2 Việt Nam cho biết: “Người dân có thói quen thay đổi nội thất nhà mỗi khi thay đổi khách thuê cũng như văn hóa tự tay làm mới ngôi nhà mình ở sau vài ba năm. Bởi vậy, sức tiêu dùng vật liệu tại thị trường Mỹ thường đứng đầu thế giới”.

Ðây là một trong những lý do Hoàng Gia Pha Lê, liên doanh giữa Hoàng Gia và Công ty cổ phần Sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê (PLP) - một doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đã quyết định đầu tư lớn cho  sản xuất gạch nhựa hèm khóa SPC, với định hướng xuất khẩu tập trung vào Mỹ.

Gạch nhựa mới xuất hiện trên thị trường thế giới trong khoảng 2 năm gần đây với lớp lõi gồm bột đá CaCO3 (Nhựa Pha Lê đang sở hữu mỏ đá tại Nghệ An với trữ lượng hơn 5 triệu tấn) và nhựa PVC. Tại thị trường Mỹ, mới xuất hiện trong 2 năm, loại vật liệu này đã chiếm tới 50% thị phần ván sàn, đạt tốc độ tăng trưởng vượt ngoài dự kiến của các nhà phân phối vật liệu.

Khi trao đổi về câu chuyện vươn ra thị trường toàn cầu của các doanh nghiệp Việt, Giáo sư Phan Văn Trường, chuyên gia quản trị kinh doanh, Cố vấn thương mại Chính phủ Pháp cho rằng, đó phải là chiến lược được hỗ trợ ở tầm quốc gia.

Trên mảng thương mại quốc tế, hầu hết các quốc gia thuộc nhóm tiến bộ đều có đội tham tán kinh tế và thương mại được trú ngay tại các sứ quán ở nước sở tại vô cùng hùng hậu.

Những người này, phần đông là chuyên viên về kỹ thuật hay thương mại, chứ không phải là công chức hành chính, có bổn phận giúp cho mọi công dân của nước họ có ý muốn xuất khẩu sang nước sở tại có đầy đủ thông tin, dữ kiện, thống kê, danh bạ, lịch sử, địa dư để thành công nhanh chóng.

Thậm chí, trong mớ thông tin đó, còn có cả khâu phân tích thị trường, các đối thủ cạnh tranh, các hành vi giá biểu, danh bạ của các nhà trung gian hay phân phối.

Nhiều nước còn có cơ chế bảo hiểm thương mại an toàn cho những doanh nghiệp muốn xuất khẩu. Chưa hết, hệ thống ngân hàng của họ có mặt rất đông đảo tại nước ngoài, đây là khâu vô cùng lợi hại cho những doanh nghiệp xuất khẩu, vì ngân hàng là một điểm hỗ trợ không thể chối cãi.

Gần 20 năm “đem chuông đi đánh xứ người”, trở thành một tên tuổi lớn về xuất khẩu gạch bông ra nước ngoài của Việt Nam, ông Ðinh Việt Anh cảm nhận thấm thía về những điều bất cân xứng mà Giáo sư Phan Văn Trường đề cập ở trên, đặc biệt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các tập đoàn vật liệu xây dựng Trung Quốc. Dẫu vậy, để lớn lên, doanh nghiệp buộc phải chọn cách ra biển lớn.

Khó có thể trông chờ vào các chính sách hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp đã quyết định niêm yết cổ phiếu, tận dụng cơ hội huy động vốn đầu tư thông qua thị trường chứng khoán để chủ động vươn ra thị trường toàn cầu.

Công ty cổ phần Vicostone thuộc Tập đoàn Phenikaa đã xoay chuyển chiến lược từ sản xuất và tiêu thụ nội địa sang làm hàng cao cấp, xuất khẩu.

Thành công trên thị trường quốc tế đã đưa doanh nghiệp này lọt vào Top 4 nhà sản xuất đá ốp lát nhân tạo lớn nhất thế giới và gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận nghìn tỷ.

Vingroup, Hòa Phát, Vĩnh Hoàn, Viglacera, FPT..., nhiều doanh nghiệp đã ngày càng mở rộng sản xuất, đầu tư lớn nhờ nguồn lực huy động được thông qua thị trường chứng khoán. Ðây cũng là giá trị cốt lõi để các doanh nghiệp thu hút thêm nhà đầu tư, tạo ra các hạt giống tốt cho thị trường chứng khoán.

Giáo sư Phan Văn Trường cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần có tư duy tạo thêm giá trị để tạo thêm lợi nhuận. Muốn có một chính sách lợi nhuận bền vững thì chỉ có một lộ trình: Biến đổi công nghệ nhanh chóng, tạo thêm giá trị và chất lượng.

Chính khi làm thế thì sản phẩm của mình mới tạo ra sự đặc trưng, cho phép doanh nghiệp bán giá mình muốn. Không có công nghệ thì sẽ không có giá trị gia tăng. Tư duy bớt chất lượng, bớt công nghệ, bớt mọi thứ rồi bán rẻ để cạnh tranh chính là nguồn gốc của sự mất lợi nhuận.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Vicostone cho rằng, R&D là điều kiện bắt buộc đảm bảo cho phát triển và tăng trưởng bền vững. Không có R&D, doanh nghiệp dù có thành công đến đâu thì đó chỉ là kinh doanh ngắn hạn.

Tuy nhiên, để làm được R&D hiệu quả, doanh nghiệp phải có quyết tâm, có tầm nhìn, có nguồn lực dài hạn về tài chính, nguồn lực nhân sự.

Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Nhựa Pha Lê cho biết, hơn 2 năm đầu tư cho R&D với sự hợp tác của các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và Trường Ðại học Bách Khoa Hà Nội, Nhựa Pha Lê mới làm chủ được công thức phối trộn bột đá CaCO3 và các chất phụ gia, để có thể làm chủ được công nghệ ứng dụng trong quá trình tạo ra lớp cốt của gạch SPC.

R&D sẽ tiếp tục được Nhựa Pha Lê đầu tư mạnh để nâng cao hiệu suất lao động, tạo ra các sản phẩm khác biệt có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Tốc độ và sự chủ động trên thương trường cũng là yêu cầu quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt ở các khu vực kinh tế tập trung lớn nhất thế giới như thị trường Mỹ.

Ông Phương cho biết, xuất hàng sang Mỹ, doanh nghiệp Việt phải đảm bảo khả năng cung ứng hàng ổn định với quy mô lớn.

Ngay trong giai đoạn đầu thăm dò thị trường, một nhà phân phối đã yêu cầu Hoàng Gia Pha Lê phải cấp tối thiểu 50 container/tháng.

Bởi vậy, ngay khi nhà máy số 1 tại Ðồng Nai vận hành tối đa công suất (dự kiến cuối tháng 9/2020), nhà máy số 2 với 15 dây chuyền, công suất lớn hơn sẽ được Hoàng Gia Pha Lê khởi công tại Hải Phòng.

Ðể chủ động về thị trường, Hoàng Gia Pha Lê đã thực hiện M&A hai doanh nghiệp phân phối vật liệu tại Mỹ để sẵn sàng cho việc thành lập các cứ điểm bán hàng tại đây.

“Hệ thống phát triển thị trường được tổ chức thành từng nhóm, được đặt tên là các “biệt đội”, đang tính cực tuyển người, đào tạo. Ðội ngũ này luôn được đặt ở trong thế sẵn sàng chờ tình hình Covid-19 dịu xuống là sẽ lập tức tỏa đi các nơi, liên tục tấn công từ thị trường liên bang đến tiểu bang, từ hệ thống bán buôn đến bản lẻ với mục đích tạo độ phủ thị trường trong thời gian ngắn nhất”, ông Phương tiết lộ.

Doanh nghiệp Việt không thiếu ước mơ và đầy khát vọng. Quan trọng là chúng ta “phải phổ biến hơn nữa tinh thần xuất thân ra nước ngoài, được khuyến khích và hỗ trợ bởi một chính sách xuất khẩu thật đáp ứng, với một trang bị nhân sự và thông tin thật hùng hậu và quy củ, với một quy chế thuế vụ mang tính cạnh tranh. Rồi chúng ta sẽ được chứng kiến các doanh nhân Việt Nam năng động làm sao, hiệu ứng như thế nào”, Giáo sư Phan Văn Trường kỳ vọng. 

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục