Động lực đẩy nền kinh tế đi lên đã rõ ràng

(ĐTCK) “Nền kinh tế thế giới bắt đầu nhịp tăng trở lại với tốc độ tăng trưởng khoảng 3,2% năm 2014 và có thể đạt 3,5% trong năm tới. Không chỉ các nước đang phát triển tăng tốc mà nền kinh tế các nước phát triển cũng dần hồi phục. Hai động cơ này sẽ giúp đẩy nền kinh tế đi lên nhanh hơn”, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ tại “Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2014” vừa được tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM.
Động lực đẩy nền kinh tế đi lên đã rõ ràng

Cũng theo ông Sandeep Mahajan, sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới còn khá dè dặt, nhưng dù sao đây cũng là một tin tốt lành. Kinh tế Việt Nam cũng có kịch bản tương tự, đặc biệt hoạt động xuất khẩu sẽ có triển vọng tốt.

Trao đổi về những yếu tố tích cực tạo niềm tin cho DN Việt Nam tính kế làm ăn, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, những năm trước đây, kinh tế Việt Nam lúc nào cũng bị động với lạm phát, nên chính sách thường điều chỉnh theo kiểu qua sông dò đá. Tuy nhiên, với nền tảng ổn định năm 2013, năm 2014 này, Chính phủ quyết tâm chuyển từ lạm phát bị động sang lạm phát mục tiêu khoảng 6% đến 7%.

“Cùng với quyết tâm ổn định lạm phát của Chính phủ thì lượng kiều hối vẫn tăng và giải ngân FDI tiếp tục chứng tỏ rằng, môi trường kinh tế Việt Nam vẫn ổn định”, ông Lịch nói.

Đi vào những giải pháp cụ thể hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh tiết lộ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm ngay lời giải cụ thể và rốt ráo cho nền kinh tế ngay trong quý I/2014. Những vấn đề then chốt cần phải được giải quyết đó là xử lý nợ xấu, giải quyết những ngân hàng yếu kém, phá băng tín dụng tín dụng.

“Đến thời điểm này, chúng ta đã xử lý được khoảng 1/3 số nợ xấu, phần còn lại phải xử lý nhanh hơn. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất đề án khá chi tiết về vấn đề này”, ông Nghĩa nói. Cùng với việc tập trung giải quyết những vấn đề của ngân hàng thì cải cách DNNN để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là vấn đề nóng bỏng cần làm ngay. “Các cơ quan chức năng đã phê chuẩn đề án tái cấu trúc hơn 100 DNNN và sẽ gây áp lực để tiến trình này phải được thực hiện sớm. Những ai không muốn cải cách sẽ bị thay thế”, ông Nghĩa thông báo.

Đối với việc phục hồi lại thị trường bất động sản vốn đang bị tai tiếng xấu là một trong những nguyên nhân gây ra sự suy thoái của nền kinh tế, ông Nghĩa cũng cho biết những sửa đổi lớn về chính sách để khơi thông thị trường này. Cụ thể, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vốn trước đây chỉ dành cho vay nhà xã hội, nay sẽ được áp dụng với cả một số nhóm nhà ở thương mại; việc xác nhận tình trạng nhà ở của chính quyền địa phương cũng thay đổi thành chỉ cần xác nhận nơi cư trú; các cơ quan chức năng cũng dự kiến tăng thời hạn cho vay của gói tín dụng này lên 15 năm và mức lãi suất cho vay được giảm thêm 1%.

Điều kiện được áp dụng gói tín dụng này cũng cho phép vận dụng linh hoạt dựa trên giá bán là chính, chứ không phải diện tích căn hộ. Cùng với việc “cởi trói” cho gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, các cơ quan chức năng cũng đang đề nghị thành lập gói tín dụng trên 70.000 tỷ đồng để tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng nhà ở cho người có thu nhập trung bình…

Kinh tế đã ấm lên, chính sách vĩ mô cũng sẽ có những thay đổi tích cực hơn, vấn đề còn lại là DN sẽ hành động thế nào để đón đầu cơ hội mới? Theo các chuyên gia kinh tế, ngành nào bị tác động nhiều nhất, sớm nhất khi kinh tế suy thoái cũng có thể là những ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Chẳng hạn như ngành công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng, dệt may, giày da, điện tử, vật liệu xây dựng… Ngành dịch vụ bị suy giảm ít nhất trong những năm khủng hoảng kinh tế sẽ tiếp tục cất cách theo đà tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi đó ngành viễn thông sẽ là ngành khá nóng trên thị trường chuyển nhượng quốc tế.

Theo TS. Trần Du Lịch, DN Việt Nam hiện được chia làm 3 đối tượng:  Thứ nhất, không còn kỳ vọng và không nên phục hồi; Thứ hai, đang tồn tại và cần chính sách hỗ trợ (năm 2013 đã có khoảng 13.000 DN quay trở lại hoạt động); Cuối cùng là các DN vẫn phát triển tốt, đã và đang lên kế hoạch mở rộng thị trường, tiếp cận các cơ hội mới.

“Thời điểm này là cơ hội trời cho để các DN khỏe mạnh đủ tiềm lực mua lại các DN đang ốm yếu. Cơ hội này sẽ không lặp lại trong vòng 50 năm tới”, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định.          

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục