Sáng 29/2, Hội nghị SOM Khu vực Tam giác phát triển CLV (Campuchia - Lào - Việt Nam) đã diễn ra tại Attapeu (Lào), sau khi hội nghị các tiểu ban kết thúc vào ngày hôm qua (28/2).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Thongphane SAVANPHET, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM Lào về Tam giác phát triển CLV đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị SOM ngày hôm nay.
“Đây là lúc chúng ta cùng xem xét lại những gì đã làm được trong thời gian qua, đồng thời tìm ra định hướng hợp tác trong thời gian tới, làm sao để thúc đẩy hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV”, ông Thongphane SAVANPHET nói.
Những kết quả đáng ghi nhận
Theo ông Thongphane SAVANPHET, trong thời gian qua, cả 3 nước đã cùng nhau thực hiện các dự án trong khuôn khổ hợp tác, cùng nhau cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và du lịch…, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống người dân.
Đánh giá cụ thể hơn về kết quả hợp tác này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Trưởng SOM Việt Nam về Tam giác phát triển CLV cho biết, trong thời gian qua, 3 bên đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hợp tác chung, góp phần xây dựng kinh tế các địa phương trong Khu vực Tam giác phát triển, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi bên.
Cụ thể, các hoạt động hợp tác đầu tư giữa ba nước tiếp tục được duy trì; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, tăng cường tính kết nối, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và thúc đẩy hợp tác…
Bên cạnh đó, các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, hợp tác văn hóa - xã hội tiếp tục mở rộng trên tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và cùng phát triển của ba quốc gia…
Rất nhiều con số đã được Thứ trưởng Trần Quốc Phương viện dẫn để chứng minh cho sự hợp tác hiệu quả ở Khu vực Tam giác phát triển CLV, đặc biệt là sự nỗ lực trong hợp tác 3 bên của phía Việt Nam.
Chẳng hạn, về đầu tư, hiện trong Khu vực Tam giác phát triển thuộc Lào và Campuchia, Việt Nam có 110 dự án với số vốn đăng ký đầu tư là 3,76 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng số dự án và 44,3% vốn đăng ký đầu tư sang Lào và Campuchia nói chung. Trong đó, Việt Nam đầu tư tại Lào 65 dự án, với số vốn hơn 2 tỷ USD, và đầu tư tại Campuchia có 45 dự án, với số vốn 1,67 tỷ USD.
Các dự án như Thủy điện Xecaman1, Xecaman3, rồi Dự án khai thác vàng của CTCP Đầu tư kinh doanh Long Thành, hay Dự án Khu liên hiệp Chế biến nông nghiệp Tập đoàn Trường Hải Thaco… chính là những dự án quy mô lớn được Việt Nam đầu tư tại khu vực Tam giác phát triển CLV.
Trong khi đó, quy mô thương mại giữa Việt Nam và Lào cũng không ngừng được mở rộng, tăng từ mức hơn 823 triệu USD năm 2016 lên 1,63 tỷ USD năm 2023, tức là tăng gấp 2,1 lần. Còn quy mô thương mại Việt Nam - Campuchia thậm chí còn tăng gấp gần 3 lần, từ mức hơn 2,9 tỷ USD năm 2016 lên tới 8,56 tỷ USD vào năm 2023.
“Với quy mô dân số chỉ ở mức 7,4 triệu người đối với Lào và 16,6 triệu người đối với Campuchia, kết quả hợp tác thương mại như trên là thành tích hết sức đáng kể”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và nhấn mạnh rằng, trong hợp tác thương mại nói chung, hợp tác thương mại biên giới giữa Việt Nam và hai nước cũng phát triển tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế, cải thiện đời sống xã hội, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho cư dân biên giới.
Và tất nhiên, hợp tác đầu tư cũng đã có những đóng góp và tác động tích cực đối với kinh tế - xã hội của khu vực Tam giác phát triển, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, cải thiện cơ sở hạ tầng…
Tạo bước đột phá cho hợp tác Tam giác phát triển CLV
Nhắc đến dấu mốc quan trọng khi năm 2024 là dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập Khu vực Tam giác phát triển CLV, Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Trưởng SOM Việt Nam cho rằng, tuy các kết quả hợp tác trong thời gian qua là tích cực, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, mà cả du lịch, an ninh đối ngoại, môi trường - xã hội…, song chưa xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng của mỗi bên.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Trưởng SOM Việt Nam đã đánh giá cao về kết quả hợp tác trong thời gian qua của Khu vực Tam giác phát triển CLV. |
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế chưa tạo được bước đột phá lớn để phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và rút ngắn khoảng cách phát triển so với mức bình quân chung của quốc gia. Việc xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực còn chậm…
Chính vì vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, để thúc đẩy việc triển khai cũng như xây dựng định hướng, kế hoạch hợp tác cho các năm tiếp theo, đòi hỏi 3 nước phải đồng lòng nỗ lực, tăng cường phối hợp và đưa ra các giải pháp toàn diện hơn nữa nhằm tạo được bước đột phá trong triển khai các thỏa thuận hợp tác trong Khu vực Tam giác phát triển CLV.
Ý kiến này của Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các vị Trưởng SOM của Lào và Campuchia. Tất cả đều thống nhất rằng, cần phải quan tâm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong Tam giác phát triển CLV, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, tạo thuận lợi về thương mại, du lịch, phát triển trang web chung CLV, triển khai Kế hoạch hành động kết nối 3 nền kinh tế, cũng như triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu vực Tam giác phát triển CLV đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Hiện nay, Kế hoạch hành động kết nối 3 nền kinh tế đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội Khu vực Tam giác phát triển CLV đến năm 2030 và các năm đang được phía Việt Nam chủ động xây dựng, đề xuất và cũng đã được phía Lào, Campuchia đánh giá cao.
“Chúng ta cần đẩy mạnh kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực cao su, cũng như thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực du lịch, với chiến lược ‘Ba quốc gia, một điểm đến’, cũng như tiến tới thực hiện bản quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác Phát triển CLV…”, Ông PENH Sovicheat, Quốc vụ khanh, Bộ Đầu tư, Trưởng SOM Campuchia về Tam giác phát triển CLV bày tỏ.
Định hướng hợp tác trong thời gian tới của Khu vực Tam giác phát triển CLV đã được Hội nghị SOM thảo luận và cho ý kiến. Sau khi có được sự thống nhất, các định hướng này được ghi vào biên bản Hội nghị.
Ngày mai (1/3), biên bản này sẽ được trình lên Hội nghị lần thứ 13 của Ủy ban Điều phối chung Khu vực Tam giác phát triển CLV. Theo đó, các Bộ trưởng CLV sẽ xem xét, đánh giá và cho ý kiến chỉ đạo nhằm thúc đẩy việc triển khai cũng như xây dựng định hướng, kế hoạch hợp tác của Khu vực Tam giác phát triển CLV cho các năm tiếp theo.