Tuy GDP có tăng trưởng (dù thực chất nền kinh tế rất khó khăn), nhưng tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia (GNI) trên GDP ngày càng doãng ra và lượng tiền từ chi trả sở hữu thuần chảy ra nước ngoài ngày càng tăng.
Tỷ lệ này tăng khoảng 26 lần vào năm 2012 so với năm 2000, lượng tiền từ chi trả sở hữu thuần chảy ra nước ngoài chủ yếu do các doanh nghiệp FDI chuyển về quốc gia của công ty mẹ.
Trong khi đó, khu vực kinh tế Nhà nước hoạt động không hiệu quả, nợ nần lớn, việc chú trọng phát triển khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đang là yêu cầu khẩn thiết để nâng cao sức mạnh nội tại của nền kinh tế.
Việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam sắp gia nhập TPP và tái cơ cấu hoạt động ngoại thương theo hướng tránh phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam đang cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nhiệm vụ và cơ hội này hoàn toàn phụ thuộc vào khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có phát triển hay không.
Thực ra, từ trước đến nay, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước là khu vực có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong GDP. Số liệu thống kê (Bảng 1) cho thấy, tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng từ 47% năm 2005 lên 49% năm 2012.
Trong khu vực này, khu vực kinh tế cá thể đóng góp tỷ trọng cao nhất trong GDP (33%), cao hơn khu vực kinh tế Nhà nước và cao hơn hẳn khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (18%).
Từ trước đến nay, khi nói đến khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, hầu hết các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách thường xem đó là khu vực kinh tế tư nhân, mà hoàn toàn bỏ qua khu vực kinh tế cá thể, hầu như chưa có cuộc điều tra hoặc nghiên cứu nghiêm túc nào về khu vực này.
Tuy tỷ trọng đầu tư của khu vực doanh nghiệp Nhà nước trên 40% tổng số vốn đầu tư, nhưng tỷ trọng của khu vực này trong GDP chỉ 32%, trong khi khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có tỷ trọng vốn đầu tư chỉ khoảng 38% GDP, nhưng tỷ trọng giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này chiếm đến 49% GDP.
Trong đó, tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực kinh tế cá thể chiếm đến 33% một lần nữa khẳng định nền kinh tế Việt Nam không chỉ là nền kinh tế gia công mà còn rất manh mún.