Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index giảm 2% trong ngày thứ Năm (10/11), đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2009. Báo cáo giá tiêu dùng đưa ra kỳ vọng rằng, mức tăng giá nhanh nhất trong nhiều thập kỷ đang giảm dần và tạo điều kiện cho các quan chức Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Tốc độ tăng lãi suất chậm hơn có thể hạn chế đà tăng của đồng đô la trong năm nay.
Bipan Rai, người đứng đầu chiến lược ngoại hối tại Canadian Imperial Bank of Commerce cho biết: “Chỉ số giá tiêu dùng lõi nhẹ nhàng hơn đang dẫn đến việc các thị trường định giá lại lãi suất cuối kỳ thấp hơn. Điều đó đang dẫn đến sự sụt giảm hơn nữa đối với đồng đô la ngay bây giờ”.
Kỳ vọng thị trường hiện đang cho thấy khả năng Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 12 cao hơn nhiều so với mức tăng 75 điểm cơ bản, điều này có thể góp phần làm giảm chênh lệch lãi suất với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE).
Trong ngày 10/11, trái ngược với sự sụt giảm của đồng đô la, đồng yên đã tăng gần 4%, dẫn đầu mức tăng trong nhóm đồng tiền các quốc gia G10. Theo Gregory Marks, nhà kinh doanh ngoại hối tại HSBC, trong môi trường này, so với đồng đô la, đồng yên và đồng rand Nam Phi có khả năng vượt trội hơn.
Tiền tệ châu Âu cũng tăng so với đồng đô la, đồng bảng Anh tăng tới 3,3% lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 9. Đồng euro tăng tới 2,1% lên mức cao nhất trong gần hai tháng, trong khi đồng franc Thụy Sĩ tăng hơn 2% so với đồng bạc xanh. Tuy nhiên, khả năng việc đồng bạc xanh giảm giá vẫn còn chưa chắc chắn trong tương lai.
“Fed có khả năng nhắc nhở thị trường rằng, lạm phát cơ bản vẫn cao hơn ba lần so với mục tiêu và lạm phát vẫn còn dai dẳng, vì vậy việc bán tháo đồng đô la và sự gia tăng khẩu vị rủi ro có thể được đặt sai chỗ”, Jane Foley, chiến lược gia tại Rabobank ở London cho biết.