Hút nhà đầu tư
Anh Trần Minh là một nhà đầu tư tài chính có thâm niên 7 năm, đã tham gia đầu tư nhiều kênh tài sản trên thị trường. Năm 2023, trước sự ảm đạm của thị trường chứng khoán, anh quay sang tìm cơ hội trên sàn hàng hoá phái sinh.
Thời gian đầu, anh uỷ thác tài khoản hơn 500 triệu đồng cho một đơn vị tư vấn có chuyên môn. Anh cũng tham gia các lớp học chuyên sâu về thị trường hàng hoá để nâng cao kiến thức và kỹ năng đầu tư. Do đã có nền tảng kiến thức tài chính, anh không gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu về kênh đầu tư này. Dù hiệu suất đầu tư chứng khoán không đạt kỳ vọng nhưng đầu tư hàng hoá phái sinh vẫn giúp anh có một năm đầu tư tài chính thành công với hiệu suất đạt xấp xỉ 17%.
Từ những kinh nghiệm tích luỹ được trong năm 2023, sang năm 2024, anh Minh chủ động mua các hợp đồng tương lai cà phê Robusta, với dự báo giá hàng hóa này sẽ đi lên. Mở vị thế mua ở mức giá thấp, đến khi giá cà phê liên tục lập đỉnh mới trong năm, anh đóng vị thế và thu được lợi nhuận ròng từ vài triệu đến vài chục triệu đồng cho mỗi hợp đồng đã giao dịch. Chỉ tính riêng các giao dịch cà phê, anh Minh đã đạt hiệu suất đầu tư 23% trên tổng số vốn ký quỹ ban đầu. Hiện tại, nhà đầu tư này đang quan sát thị trường, tìm một số sản phẩm có tiềm năng tăng giá trong năm 2025 để tiếp tục mở vị thế.
Trên một diễn đàn về thị trường hàng hoá, nhà đầu tư L.Anh cũng liên tục khoe lãi từ các hợp đồng mini và hợp đồng micro (loại hợp đồng có giá trị thấp) của các sản phẩm khô đậu tương và đồng. Chỉ trong những ngày đầu năm 2025, trừ đi những hợp đồng đang lỗ tạm thời, chị thu khoản lãi 35 triệu đồng.
Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam đang phối hợp với UBND TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chuẩn bị cho việc niêm yết giao dịch cao su và thịt heo trong năm 2025. Đây đều là những sản phẩm đặc thù của Việt Nam, giúp bổ sung hàng hoá mới, tăng cơ hội cho nhà đầu tư tham gia thị trường này.
Trao đổi với người viết, bà Huỳnh Thị Diễm Lệ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giao dịch hàng hoá Đông Nam Á (SACT) thông tin, phần lớn các nhà đầu tư cá nhân đang giao dịch trên thị trường hàng hoá hiện nay là từ thị trường chứng khoán, thị trường tiền số chuyển sang.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), năm 2024, thị trường hàng hoá phái sinh chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng tài khoản giao dịch, với hơn 10.000 tài khoản được mở mới, nâng tổng số tài khoản trên thị trường lên 40.000 tài khoản. Khối lượng giao dịch hàng hóa tại MXV năm 2024 cũng tăng hơn 10% so với năm 2023. Giá trị giao dịch trung bình đạt hơn 5.000 tỷ đồng/ngày, có ngày đạt gần 11 tỷ đồng (bằng một nửa thanh khoản bình quân của thị trường chứng khoán năm 2024 là 21.100 tỷ đồng/phiên). Điều này phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư đối với thị trường giao dịch hàng hoá.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc MXV cho biết, thị trường giao dịch hàng hoá có tính linh hoạt cao, giao dịch T0 và khả năng giao dịch cả hai chiều mua và bán nên dù giá tăng hay giảm thì các nhà đầu tư đều có thể mở vị thế hòng kiếm lời. Đây là đặc điểm nổi bật của thị trường hàng hoá so với các thị trường truyền thống, nơi nhà đầu tư chỉ có thể kiếm lợi nhuận khi giá tài sản tăng.
“Do là thị trường liên thông với quốc tế, nên tính minh bạch và thanh khoản của thị trường giao dịch hàng hóa đều rất cao. Nhà đầu tư có thể giao dịch dễ dàng, hiệu quả mà không gặp tình trạng thao túng giá”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Đặc biệt, đòn bẩy tài chính lớn là điểm hấp dẫn của thị trường hàng hoá. Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra một phần nhỏ vốn (ký quỹ) để giao dịch với giá trị lớn hơn nhiều, giúp tăng khả năng sinh lợi.
Sinh lời càng cao, rủi ro càng lớn
Mặc dù hàng hoá phái sinh mang lại khả năng sinh lời hấp dẫn, nhưng theo lãnh đạo MXV, với đặc tính giao dịch T0 và tính đòn bẩy cao, nhà đầu tư có thể đối mặt với nhiều rủi ro nếu không có thời gian cũng như kinh nghiệm cập nhật tin tức thị trường và quản lý danh mục đầu tư. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải nắm vững kiến thức và có những phương pháp quản trị rủi ro hiệu quả.
Nhà đầu tư Trần Minh bộc bạch, để đạt được hiệu suất cao cũng là sự đánh đổi rất lớn, không đơn giản là bỏ vốn và chọn sản phẩm mua bán. Thời gian giao dịch của thị trường hàng hoá là 24 giờ mỗi ngày, từ thứ Hai đến sáng thứ Bảy, lấy đi của anh không ít thời gian trong việc theo dõi thị trường và tìm kiếm thông tin. Đó là chưa tính đến chuyện thua lỗ khi biến động thị trường không diễn ra như dự liệu của anh.
“Thị trường phái sinh luôn mang lại cảm giác mạnh hơn, đau tim hơn so với đầu tư vào thị trường cơ sở”, anh Minh nhận xét và kể về kinh nghiệm đau đớn của một người bạn. Theo đó, người này dùng đòn bẩy quá cao để mua hợp đồng ngô vào tháng 7/2024 và không đặt ra mức cắt lỗ hợp lý, cũng không theo dõi thị trường sát sao vì quá tin vào phán đoán của mình. Kết quả, khi giá ngô giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm, mức lỗ đã vượt quá số tiền ký quỹ, tài khoản của anh cháy sạch.
“Cháy tài khoản” là cơn ác mộng đối với bất kỳ nhà đầu tư phái sinh nào, bởi mỗi biến động mạnh của thị trường đều có thể khiến tài khoản của họ tiêu tan trong chớp mắt. Do đó, khi nhà đầu tư quyết định sử dụng đòn bẩy tài chính cao để mở ra những vị thế lớn, cơ hội sinh lời hấp dẫn sẽ mở ra, đồng nghĩa với việc rủi ro thua lỗ sẽ gia tăng gấp nhiều lần.
Theo bà Huỳnh Thị Diễm Lệ, khi tham gia thị trường hàng hoá, nhà đầu tư cần thực hiện bốn bước cơ bản để đạt hiệu quả tốt nhất. Thứ nhất, xây dựng danh mục đầu tư với ba yếu tố cơ bản: yêu cầu về lợi nhuận, mức độ chấp nhận rủi ro và thời hạn thu hồi vốn. Thứ hai, phân bổ danh mục đầu tư dài hạn hoặc ngắn hạn. Thứ ba, lựa chọn những mã hàng nhà đầu tư có kinh nghiệm tốt, có kỹ năng tốt và phù hợp với bản thân để đầu tư. Thứ tư là quản lý danh mục đầu tư, tức quản lý tài sản và quản lý rủi ro.
“Trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư luôn phải tư duy việc phòng ngừa rủi ro bằng thao tác chặn lỗ trên hệ thống. Như vậy, họ không cần canh thị trường, hệ thống sẽ tự động tất toán lệnh và bảo toàn tài khoản khi chạm đến ngưỡng nguy hiểm. Kể cả những người bận rộn cũng có thể đầu tư mà không lo cháy tài khoản”, đại diện SACT chia sẻ.