Đối với hoạt động rà phá bom, mìn, thủy lôi
Tháng 5-1972, đế quốc Mỹ cho máy bay thả bom, mìn, thủy lôi từ trường xuống các cửa sông, cảng biển hòng phong tỏa vùng cảng Hải Phòng. Các cán bộ khoa học kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã khẩn trương nghiên cứu biện pháp rà phá bom, mìn, thủy lôi với mục tiêu bảo đảm thắng nhanh, ít hoặc không có thương vong. Người chỉ đạo cuộc chiến đấu trên đây là đồng chí Đỗ Mười, lúc đó là Phó Thủ tướng.
Tham gia thảo luận về nhiệm vụ chiến đấu đó, về phía quân đội có Thiếu tướng Phùng Thế Tài, đại diện phía Bộ Giao thông vận tải có Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật Nguyễn Kha. Trong thảo luận có một số vấn đề đặt ra là thống nhất hai lực lượng rà phá của hai bên lại hay là phân công từng bên, hoạt động chủ yếu theo các vị trí được phân công.
Trong thảo luận thấy nảy ra các khó khăn. Nếu phối hợp đồng bộ thì sức mạnh chung sẽ lớn hơn, nhưng lại bị dàn mỏng. Nếu tách thành hai đơn vị thì trách nhiệm mỗi bên sẽ tích cực hơn nhưng sẽ khó phối hợp nhanh. Sự bàn bạc rất sôi nổi và những ý kiến khác nhau kéo dài.
Sau một thời gian suy nghĩ, đồng chí Đỗ Mười đã quyết định như sau:
- Quân đội thực hiện rà phá trong phạm vi chiến đấu của mình.
- Bộ Giao thông vận tải thực hiện rà phá tích cực trong phạm vi được phân công về giao thông vận tải.
Nhưng hai bên phải thường xuyên, ít nhất là hằng tháng, nếu cần thì gần hơn, trao đổi và phổ biến cho nhau những kết quả và kinh nghiệm tốt trong chiến đấu rà phá.
Hai bên đều nhất trí với quyết định thỏa đáng của đồng chí Đỗ Mười.
Đơn vị GK1 chúng tôi trong hoạt động rà phá đạt kết quả rất to lớn, được các đồng chí, trong đó có đồng chí Đỗ Mười khen thưởng và Chủ tịch Tôn Đức Thắng thưởng Huân chương và sau này tổ GK1 được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Chúng tôi đạt được các kết quả rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường của địch mà không gây thương vong, một phần quan trọng là nhờ sự tạo điều kiện, giúp đỡ rất hiệu quả của đồng chí Đỗ Mười qua việc cung cấp rất thuận lợi các trang, thiết bị quan trọng. Như khi thiếu các phương tiện để chế tạo trang bị mạnh thì được đồng chí Đỗ Mười cung cấp từ các kho đặc biệt, các phương tiện điện tử để chế tạo nhanh các máy rà phát. Cũng nhờ các ưu tiên đó chúng tôi đã hoàn thành chế tạo phương tiện an toàn trên ô tô (trường hợp dọc đường địch thả thủy lôi hoặc bom mìn nổ chậm) để đưa ngài Xihanúc về nước.
Đối với Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia
Cuối cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai, nhân dân ta tiến hành xây dựng Lăng Bác Hồ. Đồng chí Đỗ Mười được giao nhiệm vụ chính trong công việc quan trọng này.
Khi Lăng đã hoàn thành, nhân dân cả nước, kể cả người nước ngoài rất phấn khởi được vào viếng Bác trong Lăng. Mọi người đều rất vui sướng được thấy Bác yên nghỉ. Khi ra về, được người hướng dẫn cho biết, người có công lớn trong việc xây dựng Lăng Bác là đồng chí Đỗ Mười, ai cũng hết lời ca tụng.
Tôi chỉ được phục vụ một số công việc khoa học và công nghệ trong lĩnh vực vật lý học và công nghệ ứng dụng, nên được đồng chí Đỗ Mười giao cho một số việc liên quan.
Đồng chí quan tâm đến hầu hết các ngành cơ khí, nhất là cơ khí hiện đại, trong đó có lĩnh vực điện tử cao cấp và vi điện tử cùng với cáp quang và máy tính điện tử v.v..
Trước tiên, đồng chí đã thành lập một tổ chức các chuyên gia đi khảo sát rộng khắp đất nước, các nhu cầu cần thiết về lĩnh vực điện tử dân dụng, cao cấp và hiện đại. Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Đỗ Mười đã quyết định thành lập Tổng cục Điện tử cả ở phía Bắc và phía Nam. Tổng cục có trách nhiệm xây dựng và phát triển nhanh những dụng cụ dân dụng, những trang, thiết bị điện tử chuyên dụng và phương tiện phát triển kinh tế cả nước bằng máy móc điện tử...
Để mở đầu cho một hướng phát triển nhanh của đất nước, các đồng chí có trách nhiệm cao của Chính phủ, sau khi bàn kỹ, đã cho thành lập một viện nghiên cứu đặc biệt hướng vào các ngành công nghệ cao còn chưa phát triển ở nước ta do chiến tranh cản trở. Viện nghiên cứu mới này gọi là Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia và được Chính phủ trực tiếp quản lý, thành lập ngày 16-10-1984.
Đồng chí Đỗ Mười trực tiếp quản lý hoạt động của Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia. Giai đoạn đầu, Viện có các đơn vị chính như:
- Viện Công nghệ lade (laser);
- Viện Công nghệ vi điện tử;
- Viện Công nghệ quang học;
- Trung tâm nghiên cứu, lắp ráp và kiểm định sản phẩm;
- Một số xí nghiệp, xưởng sản xuất sản phẩm đặc biệt.
Viện được cung cấp kinh phí cho nghiên cứu và xây dựng các cơ sở khoa học đáp ứng nhanh các yêu cầu cấp bách. Một cơ sở khá lớn và khang trang được xây dựng ở số 25 phố Lý Thánh Tông - Hà Nội, bắt đầu ngay từ năm 1984.
Ngay từ đầu Viện đã được tạo điều kiện để thành lập một hệ thống các phòng thí nghiệm có đủ trang bị bảo đảm sự phát triển kịp thời nhiều lĩnh vực công nghệ cao.
Rất quan tâm đến sự phát triển nhanh của những lĩnh vực công nghệ cao ở nước ta, đồng chí Đỗ Mười đã khai thác, tạo điều kiện đặc biệt cho sự phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta.
Trong lần được mời đến thăm Hàn Quốc (năm 1996) đồng chí đã tọa đàm rất thân mật với Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam và đề nghị giúp Việt Nam một trung tâm hợp tác Việt - Hàn.
Ngày 20-01-2000, Trung tâm Hợp tác công nghệ Việt - Hàn đã được khai trương, có đồng chí Đỗ Mười đến dự và giao nhiệm vụ. Cho đến nay đã trên 10 năm, Trung tâm vẫn hoạt động tích cực, đào tạo cán bộ trong nước trao đổi với các chuyên gia Hàn Quốc.
Đồng chí Đỗ Mười đã có những thành tích, đóng góp to lớn trên nhiều mặt. Các cán bộ khoa học và công nghệ rất biết ơn đồng chí đã có nhiều chỉ bảo sáng suốt, nhiều hướng dẫn quan trọng, kịp thời làm cho khoa học và công nghệ có bước phát triển tích cực.