Dòng chảy kiều hối thay đổi

(ĐTCK) Như ĐTCK đã phản ánh trong số trước, kiều hối vào Việt Nam năm nay dự kiến tiếp tục lập kỷ lục dù lãi suất trong nước giảm và tình hình xuất khẩu lao động gặp khó. Tuy nhiên, dòng kiều hối vẫn mạnh nhờ cơ hội đầu tư trong nước phục hồi.
Chính sách thu hút kiều hối thông thoáng tác động đến lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng nhiều Chính sách thu hút kiều hối thông thoáng tác động đến lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng nhiều

Lãi suất giảm, Kiều hối tăng

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, lượng kiều hối chuyển về qua các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trên địa bàn tính đến cuối tháng 11/2014 đạt 4,4 tỷ USD. Dự báo, năm 2014, kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh có thể lên đến 5 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2013, trong khi đó, lượng kiều hối của TP. Hồ Chí Minh ước tính chiếm 50% cả nước.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank chia sẻ, theo các số liệu phân tích và thống kê của thị trường, lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng rất tốt. Việt Nam vẫn là quốc gia trong nhóm hàng đầu của thế giới về thu hút kiều hối với lượng kiều hối năm 2014 dự kiến đạt 12 - 13 tỷ USD. Trước đó, đầu tháng 10/2014, Ngân hàng Thế giới dự báo, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có lượng kiều hối chảy về nhiều nhất, với lượng kiều hối năm nay sẽ đạt 11,403 tỷ USD.

Năm 2013, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là nước nhận kiều hối nhiều thứ 9 thế giới với 11 tỉ đô la Mỹ, còn năm 2012, lượng kiều hối về ước đạt 10 tỷ USD.

Những con số tăng dần đều trên đây cho thấy, lượng kiều hối chảy về Việt Nam những năm gần đây khá ổn định. Chia sẻ với ĐTCK, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nêu quan điểm, nhìn vào lượng kiều hối chảy về Việt Nam, có thể thấy, đây rõ ràng là một điểm sáng đặc biệt trong bối cảnh lãi suất USD ở Việt Nam vẫn đang xuống thấp. Đối với tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ, từ tháng 4/2011 đến nay, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi USD, đưa lãi suất tiền gửi USD của tổ chức và cá nhân xuống còn 0,25%/năm và 0,75%/năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, khoảng 3 năm trước, khi lãi suất đồng Việt Nam lên trên 20%/năm, có những trường hợp cá biệt tới 24%/năm, không ít người Việt Nam ở nước ngoài đã gửi ngoại tệ về nước để người thân chuyển sang đồng nội tệ gửi tiết kiệm hưởng chênh lệch. Đây cũng là một nghiệp vụ bình thường trong hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất, bởi đó là một chiến lược đầu tư trên thị trường ngoại hối nhằm kiếm lời nhờ sự biến động tỷ giá và sự chênh lệch lãi suất giữa các đồng tiền trong một cặp tiền tệ xác định. Khi thực hiện chiến lược này, nhà kinh doanh sẽ mua đồng tiền có lãi suất cao hơn bằng đồng tiền có lãi suất thấp hơn.

“Trong trường hợp này, nhà đầu tư nước ngoài đã chấp nhận rủi ro về tỷ giá vì lãi suất nhận được quá cao sẽ bù trừ cho phần rủi ro nếu có. Còn thời điểm này, tỷ giá ổn định, đồng Việt Nam mất giá, nên ngay cả nếu có sự chênh lệch về lãi suất cũng không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như ngày trước”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ông Lê Quang Trung nêu quan điểm: “Lượng kiều hối về ổn định cho thấy, niềm tin vào chính sách kinh tế vĩ mô, tỷ giá của Chính phủ đã được củng cố rất nhiều. Điều này đóng góp tích vực vào giá trị của đồng Việt Nam, tạo niềm tin vào đồng Việt Nam. Đặc biệt, với lượng đô la hóa trên thị trường giảm xuống rất nhanh khi người dân chuyển từ tiết kiệm VND sang USD, điều này thể hiện sự ổn định của chính sách tỷ giá của Chính phủ”.

“Chính sách thu hút kiều hối thông thoáng tác động đến lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Hoàng Minh nói. 

Kiều hối chảy vào sản xuất - kinh doanh

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, đó là lượng kiều hối đổ về trên địa bàn TP. HCM chủ yếu chảy vào sản xuất - kinh doanh, với 71,4%, so với năm 2013 là 70,2%; bất động sản khoảng 22,1%, so với năm 2013 là 20%; phần còn lại là hỗ trợ khó khăn của gia đình cũng như du lịch, học tập, chữa bệnh…

Còn theo tính toán của TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong lượng kiều hối cả nước, ước tính 40% đi vào sản xuất - kinh doanh, 30% đi vào bất động sản và 30% còn lại vào tiêu dùng. Báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2014 của NHNN cho biết, tính đến ngày 27/11/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,28%, huy động vốn tăng 13,33% so với cuối năm 2013. Trong đó, huy động vốn VND tăng 14,74%, chủ yếu ở khu vực dân cư, trong điều kiện mặt bằng lãi suất VND giảm, cho thấy, gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân. Đặc biệt, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 10,22% so với cuối năm 2013.

“Lượng kiều hối về ổn định phần nào giúp thanh khoản của các TCTD được đảm bảo và dư thừa, cùng với việc lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp đã gián tiếp hỗ trợ hoạt động cho vay của các TCTD. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Những con số trên đã có những thay đổi đáng kể so với thời điểm năm 2011. Thống kê không chính thức từ các báo kinh tế vĩ mô của các định chế tài chính nước ngoài nhận định, bất động sản vẫn được xem là ngành thu hút kiều hối nhiều nhất khi lĩnh vực này thu về 4,7 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng doanh số kiều hối của năm 2011.  

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục