Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa cao điểm du lịch hè

0:00 / 0:00
0:00
Nhằm đón cao điểm du lịch hè 2023, nhiều điểm đến du lịch vùng ĐBSCL mạnh dạn đưa sản phẩm mới vào khai thác, nâng cấp sản phẩm hiện có, khai thác thêm sản phẩm du lịch mới...
Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa cao điểm du lịch hè

Nhiều sản phẩm mới tại các điểm đến vùng ĐBSCL

Tại Trà Vinh, bên cạnh nâng cấp các điểm du lịch tiêu biểu của vùng: Thắng cảnh du lịch Ao Bà Om - Chùa Âng, Khu du lịch Biển ba Động, kết hợp tham quan chuỗi các địa chỉ du lịch tiềm năng ven biển Trà Vinh như: Trúc Lâm Thiền viện, khu Di tích Bến Tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Đình miếu Cồn Trứng, Hải đăng Vàm Láng Nước, Lầu Bà Thượng động Cố hỷ nương nương, Công trình Điện gió, Làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời như: Làng Đáy biển Động Cao, Làng Muối Cồn Cù, Làng Dưa hấu Ba Động… Nhất là trải nghiệm hai mô hình du lịch thuận thiên tại Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) và Cồn Hô (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long), đã và đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm hệ sinh thái đặc trưng của những cù lao, cồn nổi, sinh kế “thuận thiên” và đời sống văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa.

Theo Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, năm 2022 và đầu năm 2023 thị trường khách du lịch Campuchia đến Phú Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tăng trưởng khá tốt, do đó Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang chọn thị trường này tiếp tục quảng bá điểm đến du lịch TP. Hà Tiên, TP. Phú Quốc. Mới đây, Hiệp hội du lịch Kiên Giang cũng tổ chức chương trình roadshow với chủ đề “PhuQuoc - new destination of the world” (Phú Quốc - điểm đến mới của thế giới) tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), trong đó điểm nhấn là hội thảo kết nối kinh doanh, với gần 70 doanh nghiệp, lữ hành outbound tại Campuchia tham gia.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Kiên Giang đã phối hợp, liên kết mở đường bay trong nước, đường bay quốc tế, kết nối du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến hấp dẫn, an toàn đến du khách nhằm thu hút du khách mùa cao điểm du lịch hè; đẩy mạnh truyền thông chính sách miễn visa cho khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc; tăng cường phối hợp các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch…

Tại Cà Mau, thông tin từ Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, tính từ ngày 29/4 đến ngày 3/5, tổng lượt khách đến Cà Mau du lịch và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí đạt trên 222.700 lượt khách, tăng trên 267% so với cùng kỳ năm 2022.

Sở dĩ năm 2023 khách du lịch đến Cà Mau đông hơn và sử dụng dịch vụ thông qua các tour tăng là do đường bay Cà Mau - Hà Nội và ngược lại được khai trương trước lễ (ngày 29/4 đã có chuyến đầu tiên), tạo điều kiện thuận lợi cho du khách từ miền Bắc đến vùng đất tận cùng của Tổ quốc và các công ty lữ hành cũng tiện hơn khi sắp xếp lịch trình tham quan nghỉ ngơi cho khách hàng của mình.

Hiện Du lịch Cà Mau đang tập trung các chuỗi sự kiện: Cà Mau - điểm đến năm 2023, nâng chất lượng dịch vụ tại các khu điểm du lịch, nhất là tour tham quan xuyên rừng quốc gia Mũi Cà Mau, du lịch sinh thái cộng đồng. Đặc biệt là đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, du lịch, nâng chất lượng phục vụ tại Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, với diện tích 195,7 ha (phục vụ hơn 3 ngàn khách/ngày), có 60 công trình trọng điểm để khách tham quan du lịch, còn lại là các công trình phục vụ cho khu du lịch.

Năm 2023, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu thu hút 3,6 triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tổng doanh thu du lịch đạt 1.600 tỷ đồng, tạo tiền đề thuận lợi cho những năm tiếp theo nhằm sớm đưa Đồng Tháp trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh quyết tâm thực hiện chủ trương phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững nhằm nâng cao thu nhập của người dân; đồng thời bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, chất lượng môi trường bản địa, truyền thống, bản sắc văn hóa được gìn giữ, phát huy.

Tại Khu di tích Gò Tháp có nhiều dịch vụ du lịch như: Các ao sen, ao súng, nhà dừng chân, khu mua sắm, xe đạp đôi, trò chơi dân gian… Năm 2022, Khu di tích Gò Tháp đã thu hút 867.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Gò Tháp theo định vị Đề án phát triển du lịch “Vương quốc Sen, văn hóa tâm linh, thiền học” gắn kết từ các yếu văn hóa bản địa. Phát triển các tour, tuyến du lịch gắn kết với các điểm đến lân cận, tuyến đường như: Gò Tháp -Xẻo Quít, Gò Tháp -Tràm Chim, Gò Tháp với các điểm du lịch Đồng sen Tháp Mười. Xây dựng không gian Sen hướng đến bộ sưu tập Sen tại Khu di tích Gò Tháp. Phát triển mô hình dịch vụ du lịch tham quan, trải nghiệm tại Khu di tích Gò Tháp.

Đáng chú ý, tại TP. Hoa Sa Đéc, để chuẩn bị tổ chức Festival Hoa Sa Đéc vào cuối năm nay, bên cạnh đầu tư hạ tầng giao thông, du lịch, thành phố đang khẩn trương xúc tiến đầu tư dự án Dòng sông Hoa ấn tượng đặc trưng thành phố Hoa vùng sông nước miền Tây phục vụ du khách. Hội quán “Cùng nhau làm du lịch” của TP. Sa Đéc bên cạnh nâng chất lượng các dịch hiện có, đã mạnh dạn đầu tư hệ thống xe điện, tàu, thuyền du lịch đưa đón khách tham quan thưởng lãm, trải nghiệm bản sắc văn hóa địa phương dọc trên sông Tiền, sông Sa Đéc và Làng hoa Sa Đéc của Khu du lịch sinh thái Hùng Thy và Homstey Ngôi nhà Hoa Ếch, kết hợp Khu dã ngoại ngoài trời, ngủ dưới liều với không gian mở tại Khu Du lịch cánh đồng Hoa Hồng và đầu tư mở rộng vườn sinh thái kết hợp nằm trong các khu, điểm du lịch của Hội quán…

Ông Nguyễn Văn Hon - Chủ tịch UBND TP. Sa Đéc cho biết thêm: Nhằm phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ, du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương trong mắt nhà đầu tư và du khách, TP. Sa Đéc đang tập trung các nguồn lực xúc tiến hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông, du lịch kết nối với Làng hoa Sa Đéc, nhất là Dự án Dòng sông Hoa Sa Đéc, vận động các tổ chức, đơn vị làm du lịch nâng chất lượng sản phẩm, thiết kế và đưa các sản phẩm du lịch mới, phong phú, đặc trưng để hấp dẫn du khách, với quyết tâm sẽ tổ chức thành công Festival Hoa đầu tiên của vùng ĐBSCL 2023 theo định hướng phát triển du lịch của Tỉnh và TP. Sa Đéc đã đề ra.

Mới đây, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL vừa tiến hành bình chọn công nhận và tái công nhận 14 “Ðiểm du lịch tiêu biểu ÐBSCL” tại 7 tỉnh, thành ÐBSCL, 10 điểm mới được Hiệp hội Du lịch ÐBSCL công nhận “Ðiểm du lịch tiêu biểu ÐBSCL năm 2023”, bao gồm: Ðiểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư (An Giang); Di tích lịch sử quốc gia Nọc Nạng (Bạc Liêu); Di tích quốc gia đặc biệt mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Ðình Chiểu, Ðiểm du lịch nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ, TTC Palace Bến Tre, Khu ẩm thực TTC Bến Tre (Bến Tre); Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ; Khu di tích Gò Tháp (Ðồng Tháp); Khu di tích danh lam thắng cảnh quốc gia ao Bà Om, Khu du lịch sinh thái Huỳnh Kha (Trà Vinh). 4 điểm được tái công nhận là: Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Ðồng Tháp); Khu lưu niệm Giáo sư - Viện sĩ Trần Ðại Nghĩa, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, Bảo tàng Vĩnh Long.

Như vậy đến nay Hiệp hội Du lịch ÐBSCL đã công nhận 53 “Ðiểm du lịch tiêu biểu ÐBSCL”.

Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho biết: Hiệp hội Du lịch ÐBSCL tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển các “Ðiểm du lịch tiêu biểu ÐBSCL”. Quảng bá bằng các hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các chuyến xúc tiến quảng bá du lịch, trên các mạng xã hội. Các “Ðiểm du lịch tiêu biểu ÐBSCL” được khảo sát và bình chọn theo tiêu chí, có định kỳ (3 năm khảo sát 1 lần); giúp du khách thuận tiện trong việc lựa chọn điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng; góp phần tích cực vào việc xây dựng thương hiệu du lịch của vùng. Các “Ðiểm du lịch tiêu biểu ÐBSCL” phải luôn phát triển cả về số lượng và chất lượng, chú trọng việc xây dựng sản phẩm du lịch mới và làm mới sản phẩm hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách trong giai đoạn mới...

Du lịch nội địa cần giải bài toán chi phí

Mùa du lịch hè từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, cũng là cao điểm của du lịch nội địa. Du lịch hè năm 2023 được kỳ vọng là cơ hội tốt để đẩy nhanh phục hồi du lịch trong nước, với điều kiện giải được bài toán chi phí.

Theo nhiều đơn vị lữ hành, các tour du lịch biển đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Phú Quốc (Kiên Giang)… vẫn sẽ là lựa chọn của phần lớn du khách mùa hè năm nay. Các liên tuyến ở Đông Bắc, Tây Bắc cũng có sức hút du khách trong nước và quốc tế. Khu vực miền Tây sông nước với các tuyến Cần Thơ - An Giang, Tiền Giang - Bến Tre, Đồng Tháp, Cà Mau… cũng thường được chọn. Thông thường, du khách mùa này có xu hướng chọn những điểm đến có biển hoặc khí hậu mát mẻ. Mùa hè cũng là thời điểm học sinh, sinh viên nghỉ học và nhiều gia đình chọn thời gian này để nghỉ dưỡng, các công ty cũng thường tổ chức cho nhân viên nghỉ ngơi, vui chơi trong giai đoạn này. Chính vì thế, du lịch nội địa mùa hè được xem là cao điểm của ngành du lịch. Các đơn vị lữ hành đều đặt kỳ vọng doanh thu hè sẽ đạt từ 70% kế hoạch năm.

Dù các đơn vị lữ hành đã nắm bắt xu hướng để xây dựng nhiều sản phẩm, hành trình tour mới; các địa phương cũng chuẩn bị nhiều sự kiện, chương trình kích cầu du lịch; thế nhưng tình hình du lịch nội địa đang có những sự xoay chiều khó ngờ. Lượng khách đặt tour nội địa không nhiều, mà chuyển sang tour quốc tế, tập trung vào các tuyến điểm của châu Á. Hiện nay, các tour đến Thái Lan, Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn (Trung Quốc), Bali (Indonesia), Singapore - Malaysia… đều đang thu hút du khách với giá tour trong khoảng từ 6-13 triệu đồng/người.

Nguyên nhân chính của sự xoay chiều trên được cho là do giá vé máy bay trong nước tăng từ 15-20% so cùng kỳ năm trước. Điều này tác động trực tiếp đến tâm lý của du khách chọn tour, kể cả khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Cụ thể, các chuyến bay nội địa kết nối đến Phú Quốc, từ Hà Nội, TP.HCM, TP. Cần Thơ đều có giá từ 2 triệu đồng/chiều (Bamboo Airways) đến 3 triệu đồng/chiều (Vietnam Airlines). Trong khi đó, vé máy bay đến Bangkok (Thái Lan) có giá bình quân của các hãng chỉ từ 1,3-2 triệu đồng/chiều, tùy thời điểm. Chưa kể, khi tăng cường mở đường bay quốc tế, các hãng hàng không đang triển khai rất nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Vé máy bay của các đường bay nội địa tăng, trong khi các tuyến quốc tế lại rẻ, nghịch lý này khiến nhiều du khách bỏ tour nội địa, lựa chọn du lịch nước ngoài càng nhiều. Thực tế, nếu tính trọn chi phí vé máy bay và các dịch vụ thì hiện giá tour đi Thái Lan có phần rẻ hơn so với đi Phú Quốc, hay các tuyến từ miền Nam đi Singapore - Malaysia cũng rẻ hơn so với các tuyến Đông Bắc, Tây Bắc.

Du lịch nội địa vốn được xem là bàn đạp để ổn định và phục hồi ngành du lịch sau dịch Covid-19, trước khi du lịch quốc tế chính thức thực sự trở lại vào năm 2024. Tuy nhiên, giá vé máy bay đã góp phần tác động làm các tour du lịch trong nước tăng chi phí. Điều này không chỉ tác động xấu đến du lịch nội địa mà còn ảnh hưởng đến sự lựa chọn của du khách quốc tế. Do đó, ngành du lịch và ngành hàng không cần thống nhất hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn để sớm có những giải pháp phù hợp đảm bảo giá ổn định, tạo cơ sở cho du lịch nội địa tăng trưởng trở lại.

Miễn thị thực, thêm lợi thế cho thu hút khách quốc tế vào ĐBSCL

Hiện khách nước ngoài đến đảo Ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) được miễn thị thực trong 30 ngày. Với chính sách thị thực thông thoáng, Phú Quốc có thêm lợi thế phát triển du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho rằng, chính sách miễn thị thực cho khách quốc tế với thời gian dài đã và đang tạo điều kiện thúc đẩy du lịch, kinh tế Phú Quốc phát triển xứng với tiềm năng của đảo Ngọc.

“Để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế đến đảo Ngọc tham quan, nghỉ dưỡng, Kiên Giang tiếp tục đề xuất nâng thời hạn miễn thị thực lên 6 tháng với các đối tượng là người nước ngoài trực tiếp vào khu kinh tế ven biển Phú Quốc, hoặc đến Phú Quốc từ các cửa khẩu quốc tế khác trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam (bằng đường hàng không), lưu lại khu vực quá cảnh ở cửa khẩu đó, rồi chuyển tiếp đến Phú Quốc”, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái nói.

Để góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, đón người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Bộ Công an đã hoàn thành hồ sơ dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và hoàn thành lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Trong đó, nổi bật là nước ta sẽ miễn thị thực đơn phương cho khách quốc tế vào Việt Nam lên 45 ngày (đối với khu vực miễn thị thực 15 ngày); khu vực 1 tháng lên 3 tháng, trong đó có TP. Phú Quốc.

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia du lịch nhận định việc quyết tâm trong tạo cơ chế thoáng hơn từ các chính sách thị thực sắp tới góp phần quan trọng thu hút khách quốc tế đến các điểm du lịch, khai thác xứng tầm tiềm năng, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng cho ngành "công nghiệp không khói" của du lịch ĐBSCL và cả nước.

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục