Đồng bằng sông Cửu Long đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
Theo kế hoạch tới năm 2030, phải xây dựng 1.200 km đường bộ cao tốc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), riêng nhiệm kỳ này phải hoàn thành khoảng 400 - 600 km theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL đã và đang đẩy nhanh tiến độ dự án tháng đầu năm 2025 trong điều kiện khan hiếm cát và vật liệu san lấp.

Theo Bộ Xây dựng, thời điểm hiện tại, các địa phương thuộc vùng ĐBSCL đang triển khai 5 dự án trọng điểm có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm: 3 dự án đầu tư xây dựng mới, trong đó 2 dự án thuộc tuyến cao tốc trục dọc Bắc - Nam phía Đông (Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) và 1 dự án thuộc tuyến cao tốc trục ngang (Dự án thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu); 2 dự án cải tạo nâng cấp thuộc tuyến cao tốc trục dọc Bắc - Nam phía Tây (Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi). Tổng chiều dài các dự án hơn 207 km với tổng mức đầu tư hơn 32.860 tỷ đồng…

Tại Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (trục ngang) giai đoạn 1 dài trên 188 km, đi qua địa bàn 4 tỉnh/thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng.

Lãnh đạo TP. Cần Thơ kiểm tra khảo sát tiến độ thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua TP. Cần Thơ. Ảnh: Báo Cần Thơ online

Lãnh đạo TP. Cần Thơ kiểm tra khảo sát tiến độ thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua TP. Cần Thơ. Ảnh: Báo Cần Thơ online

Báo cáo tiến độ thi công dự án trên với lãnh đạo TP. Cần Thơ vào đầu tháng 4/2025 vừa qua, ông Lê Minh Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ cho biết, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua Cần Thơ (dự án thành phần 2), có tổng mức đầu tư 9.725 tỷ đồng, chiều dài 37,2 km, bao gồm 30 công trình cầu (25 cầu trên tuyến đường cao tốc, 1 cầu nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vượt cao tốc và 4 cầu dẫn trên nút giao cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi), 49 cống (4 cống tròn, 45 cống hộp). Các hạng mục khác gồm: hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống quản lý và điều hành khai thác theo quy định. Có 5 gói thầu xây lắp (4 gói thầu thi công xây lắp chính đường cao tốc và 1 gói thầu thi công xây lắp hệ thống an toàn giao thông).

Ðến nay, tiến độ thực hiện đạt khoảng 26%, nhưng hiện đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cát để phục vụ cho việc xây dựng. Chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang và tỉnh An Giang tiếp tục hướng dẫn các thủ tục tiếp nhận nguồn cát, giá cát để đảm bảo nguồn vật liệu cho Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ. Phấn đấu hoàn thành cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào tháng 6/2026 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng kinh phí đầu tư khoảng 27.523 tỷ đồng, được triển khai theo hai giai đoạn: đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài hơn 37 km và đoạn Hậu Giang - Cà Mau kéo dài hơn 73 km. Công trình khởi công từ tháng 1/2023 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, trên công trường của dự án này hiện có 234 mũi thi công, huy động 2.881 nhân sự cùng 926 thiết bị máy móc. Các hạng mục trọng điểm đang được triển khai gồm lu lèn nền đường, đắp gia tải, đắp lề, bờ bao, đóng cọc, gác dầm và đổ bê tông bản mặt cầu, tạo nền tảng quan trọng cho tiến độ dự án.

Tiến độ thi công tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang có những bước tiến đáng kể, với hơn 58% khối lượng hợp đồng đã hoàn thành. Đặc biệt, công tác đắp gia tải - một hạng mục quan trọng để ổn định nền đường - đã đạt hơn 53% trên tổng chiều dài 110 km tuyến chính và 2,8 km tuyến nối, tạo tiền đề quan trọng cho các giai đoạn tiếp theo của dự án.

Tuy nhiên, theo chủ đầu tư Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cần khoảng 18 triệu m3 cát để đắp nền, nhưng tình trạng khan hiếm cát sông đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thi công. Trước khó khăn này, vào đầu tháng 7/2024, các nhà thầu đã bắt đầu sử dụng cát biển thay thế, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt vật liệu, đây cũng là lối mở mới để các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm giao thông trên địa bàn. Phấn đấu hoàn thành dự án Cần Thơ - Cà Mau vào cuối năm 2025.

Về tình hình cung ứng vật liệu xây dựng, hiện tại, khu vực các tỉnh, thành phía Nam đang triển khai 8 dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, 2 dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thuộc việc cải tạo, nâng cấp thảm bê-tông nhựa mặt đường, nhu cầu vật liệu đắp không lớn; 6 dự án còn lại có tổng nhu cầu sử dụng vật liệu cát để đắp nền khoảng 65,55 triệu m3. Đến nay, 7/8 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công; đối với Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công trong quý I/2025…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh dạo tỉnh Đồng Tháp khảo sát tiến độ dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh dạo tỉnh Đồng Tháp khảo sát tiến độ dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1)

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ có tổng chiều dài là 28,84 km, có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô 6 làn xe. Giai đoạn phân kỳ các yếu tố hình học đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Dự án có địa điểm xây dựng thuộc địa bàn TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp, với tổng mức đầu tư khoảng 950 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến hoàn thành tháng 12/2025.

Đối với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2023 và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 với tổng mức đầu tư hơn 7.490 tỷ đồng. Trong đó, gồm 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp với chiều dài khoảng 16 km có tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang có chiều dài khoảng 11,45 km với tổng mức đầu tư khoảng 3.856 tỷ đồng do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện. Để đảm bảo thi công đúng tiến độ, nhà thầu đã huy động hơn 450 kỹ sư và công nhân, hơn 160 đầu thiết bị để tổ chức thi công. Theo đó, dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 16 km. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với 4 làn xe cao tốc, chiều rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17 m. Đến nay, tiến độ thi công đạt 57%; phần cầu hoàn thành kết cấu phần dưới 19/19 cầu; lao dầm 59/77 nhịp (2,6 km); hoàn thành mặt cầu 56/77 nhịp; phần đường đang cắm bấc thấm đạt 100%. Dự kiến thông tuyến cuối năm 2025, hoàn thành năm 2026 phù hợp với tiến độ của cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (chuẩn bị khởi công) và Dự án thành phần 2 (khởi công tháng 8/2024)…

Mới dây, Đoàn công tác Chính phủ do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đường cao tốc tại vùng ĐBSCL, Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong thời gian tới, các Ban Quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam tổng hợp, rà soát nhu cầu nguồn vật liệu mỏ cát để kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Cùng với đó, Ban Quản lý, các chủ đầu tư quản lý chặt chẽ các nhà thầu theo đúng quy định pháp luật, các cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản. Đối với các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ các mỏ vật liệu theo từng tháng, từng quý để giải quyết tốt thủ tục khai thác khoáng sản; làm tốt thủ tục quan trắc môi trường trong khai thác khoáng sản... Cần đánh giá lại độ lún, tính ổn định, an toàn quy chuẩn các công trình giao thông đã hoàn thành. Đồng thời triển khai ngay giải pháp về gia trọng nhằm đảm bảo độ lún. Các bộ, ngành, địa phương rà soát lại thủ tục, trữ lượng khai thác đối với mỏ đá tại các tỉnh: Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang theo đúng phương án quy hoạch.

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục