Đây là chia sẻ của bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (IPCS) tại buổi họp nhằm trao đổi kinh nghiệm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp FDI vào các tỉnh/thành vùng ĐBSCL, được tổ chức sáng nay (23/3) tại TP.HCM.
Đây là lần đầu tiên IPCS tổ chức chương trình này nhằm thiết lập nền tảng ban đầu để gắn kết các Trung tâm và đơn vị xúc tiến đầu tư khu vực ĐBSCL và sẽ duy trì họp thường niên như một kênh để trao đổi kinh nghiệm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp FDI nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL mạnh mẽ hơn.
“Công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua được đánh giá là chưa hiệu quả. Đặc biệt, qua một số kênh ngoại giao có than phiền đến Thủ tướng cũng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc, mạnh tỉnh nào tỉnh nấy xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư. Các chương trình còn giống nhau. Việc này khiến họ mất nhiều thời gian”, bà Hải Yến thông tin và cho đây là vấn đề cần được các tỉnh phối hợp cùng nhau giải quyết cho phù hợp hơn.
Giám đốc IPCS cho biết, thời gian gần đây, đơn vị này đón tiếp nhiều đoàn ngoại giao cũng như các tập đoàn lớn đang rất quan tâm đầu tư vào khu vực phía Nam, đặc biệt ĐBSCL thông qua phương thức trực tuyến lẫn trực tiếp.
IPCS được giao nhiệm vụ đẩy mạnh phối hợp cùng các tỉnh, nâng cao xúc tiến đầu tư hiệu quả, thực hiện các bước chuẩn bị tốt để đón, hỗ trợ các dòng dịch chuyển FDI trong thời gian tới.
Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa giao IPCS một cổng thông tin điện tử quốc gia và lễ ra mắt chính thức sẽ dự kiến được tổ chức trong tháng 4/2021.
Đây là “sân chơi” cho tất cả các vùng cùng chia sẻ thông tin, môi trường, dự án đầu tư…và IPCS đã làm việc với các Tổng Lãnh sự quán các nước tại TP.HCM cùng thống nhất hỗ trợ viết các bài về thông tin đầu tư ra nước ngoài, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp thông qua các hiệp hội ngành nghề nước họ. ĐBSCL chiếm 12% diện tích, 19% dân số (khoảng 17 triệu), là vựa lúa lớn nhất cả nước với 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước và theo ngân hàng thế giới, khu vực này chiếm 20% lượng gạo thương mại toàn cầu.
Thuỷ sản cũng là thế mạnh của vùng, chiếm 65% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của Việt Nam.
Dù vậy, nhiều năm nay ĐBSCL được đánh giá là “vùng trũng” về đầu tư nước ngoài, trung bình mỗi năm thu hút đầu tư nước ngoài chỉ khoảng 8% vốn FDI so với cả nước.
Tỷ lệ này đã tăng đáng kể đặc biệt trong năm 2020, vốn đầu tư FDI vào khu vực ĐBSCl đạt 6,08 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng vốn FDI cả nước với dự án nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) 4 tỷ USD tại Bạc Liêu do công ty Delta Offshore Energy (Singapore) làm chủ đầu tư.
Tiếp tục, trong 2 tháng đầu năm 2021, Cần Thơ đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD cho liên doanh Marubeni (Nhật Bản) và Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng của Việt Nam, góp phần nâng tổng vốn FDI khu vực ĐBSCL lên đến 1,41 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 25,8% tổng vốn FDI cả nước. Đây là tín hiệu lạc quan về thu hút đầu tư nước ngoài của vùng ĐBSCL, cùng với đó là chính sách đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông vận tải của vùng được Chính phủ tăng cường đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 120,..
“Thông qua buổi họp hôm nay, chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của những người đang trực tiếp tham mưu và trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại địa phương, chia sẻ của địa phương về thực trạng công tác xúc tiến đầu tư. Từ đó, đề ra các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư cho vùng cũng như khắc phục những yếu kém, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ĐBSCL”, bà Hải Yến nói và kỳ vọng, buổi họp hôm nay cũng cơ hội để hình thành cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin nhất quán và hiệu quả về các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam và các địa phương.
Về vấn đề liên kết vùng trong xúc tiến đầu tư, bà Nguyễn Thị Huyền Ngọc, Phó trưởng phòng xúc tiến đầu tư IPCS đánh giá, còn sự chồng chéo trong xúc tiến đầu tư, nhiều cơ quan đầu mối. Thêm vào đó, việc thực thi cơ chế phối hợp trong xúc tiến đầu tư chưa hiệu quả, một phần do cơ quan xúc tiến đầu tư chưa rõ vai trò (về báo cáo, trao đổi thông tin, thực hiện) và hoạt động xúc tiến đầu tư không tập trung, kiêm nhiệm.
“Liên kết vùng là thiết yếu để giảm chi phí, khai thác nguồn lực và lợi ích chung, tạo thương hiệu chung và động lực hợp nhất trong công tác xúc tiến đầu tư. Chúng ta cần có cơ quan điều phối chung hoạt động xúc tiến đầu tư cho Vùng”, bà Huyền Ngọc đánh giá.