Đòn trừng phạt các công ty gian lận tài chính

(ĐTCK) Khi dịch Covid-19 diễn ra, khủng hoảng niềm tin vào sổ sách kế toán của các công ty niêm yết và năng lực kiểm toán được dự đoán sẽ lan rộng trên toàn cầu. 
Thủy sản Hùng Vương (HVG) từng công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất với mức lỗ 1.075 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Thủy sản Hùng Vương (HVG) từng công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất với mức lỗ 1.075 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Lằn ranh gian lận và lựa chọn chính sách kế toán không thận trọng

Bạn tôi làm kế toán pháp chứng (forensic accounting) cho biết, nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng đáng kể từ năm ngoái và tăng nhanh trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.

Khi kinh tế có dấu hiệu chững lại, các vụ bê bối kế toán càng tăng. Kế toán pháp chứng đóng vai trò tìm kiếm các bằng chứng về gian lận sổ sách kế toán (chứ đó không phải là vai trò của kiểm toán), do đó nhu cầu cần thẩm định chuyên môn của họ tăng nhanh.

Ngành kiểm toán Anh được đánh giá là ở trong tình trạng khủng hoảng từ mấy năm nay. Từ năm 2018, tờ Financial Times đã đăng một loạt bài về khủng hoảng của ngành kiểm toán (nguyên văn The Big Flaw: Auditing in Crisis).

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh.

Khi dịch Covid-19 diễn ra, khủng hoảng niềm tin vào sổ sách kế toán của các công ty niêm yết và năng lực kiểm toán được dự đoán sẽ càng lan rộng.

Như mọi cuộc khủng hoảng khác, người ta sẽ tìm thấy những trường hợp công ty gian dối vài trăm tỷ USD mà không bị phát hiện trong nhiều năm liền, cũng như các công ty chọn các thủ thuật kế toán nằm ở giữa lằn ranh màu đỏ của gian lận và cái gọi là “lựa chọn chính sách kế toán không thận trọng” (aggressive accounting choice).

Các lựa chọn kế toán không thận trọng này xuất phát từ việc hệ thống kế toán vận hành theo chuẩn mực cho phép công ty lựa chọn nhiều cách thức ghi nhận doanh thu, chi phí linh hoạt hơn hệ thống kế toán theo luật lệ trước đây.

Vì vậy, nhiều người cho rằng, số liệu lời, lỗ bây giờ phụ thuộc nhiều vào quan điểm của kế toán trưởng công ty và các công ty kiểm toán.

Chẳng hạn, một khoản mục được xếp vào doanh thu hay lợi nhuận hoàn toàn là do ý kiến chủ quan rằng nó có đủ điều kiện do chuẩn mực kế toán quy định hay không.

Trong nhiều trường hợp, ý kiến chủ quan đó có thể thận trọng hoặc không, nhưng không trái chuẩn mực.

Một ví dụ ở Việt Nam là việc tiền từ bán máy bay trong nghiệp vụ bán rồi cho thuê lại (sale and lease back) có được ghi nhận là doanh thu hay không. Lựa chọn kế toán của hãng hàng không Vietjet và Vietnam Airlines là khác nhau.

Trong khi Vietjet ghi nhận con số này, Vietnam Airlines không ghi nhận.

Điều đó dẫn đến việc có cổ đông chất vấn “Tại sao Vietnam Airlines không hạch toán như Vietjet để có con số báo cáo tài chính đẹp hơn?”. Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của lãnh đạo Vietnam Airlines. Đây đều là những lựa chọn phù hợp chuẩn mực kế toán, nhưng một bên sẽ thận trọng hơn bên còn lại.

Đó là chuyện quan điểm kế toán khác nhau, nhưng vẫn phù hợp chuẩn mực kế toán. Nhưng sẽ còn rất nhiều trường hợp doanh thu không đủ tiêu chuẩn ghi nhận, hoặc có những khoản chi phải ghi nhận là chi phí, hoặc có những khoản tiền vốn dĩ là nợ vay, đã được đẩy vào một khoản mục khác trên báo cáo tài chính.

Hoặc có khi việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho không được làm đầy đủ. Tất cả những điều đó, nếu kiểm toán phát hiện thì có thể sẽ có ý kiến khác với công ty và công ty phải điều chỉnh lại con số lợi nhuận.

Chẳng hạn, gần đây có trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) thông báo, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế giảm 550 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Trước đó, Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG) công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất với mức lỗ 1.075 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Những mức điều chỉnh này đều lớn hơn 50% so với số liệu trước kiểm toán.

Nước ngoài cũng có tình trạng điều chỉnh số liệu nhưng thay đổi tới mức trên 50% là một tín hiệu cho thấy có gian lận kế toán. Thị trường sẽ “trừng phạt” những công ty như vậy bằng các thương vụ bán cổ phiếu và những hội nghị cổ đông bất thường đòi phế truất lãnh đạo công ty.    

Khác biệt quan điểm giữa kế toán công ty và kiểm toán viên là chuyện bình thường trên thế giới. Ở nước ngoài thì mùa báo cáo nào cũng có tình trạng điều chỉnh số liệu sau khi kiểm toán so với công ty tự lập. Nhưng thay đổi tới mức trên 50% cho thấy một quy mô khác. Nó đang ở gần lằn ranh đỏ của gian lận kế toán và lựa chọn chính sách kế toán không thận trọng. Đối với nhiều cổ đông là nhà đầu tư tổ chức ở nước ngoài, đây sẽ là một tín hiệu cho thấy có gian lận kế toán và họ sẽ tìm kế toán pháp chứng đến điều tra để làm bằng chứng khởi kiện ra tòa đòi bồi thường tổn thất.

Và trước hết, thị trường sẽ “trừng phạt” những công ty như vậy bằng các thương vụ bán cổ phiếu và những hội nghị cổ đông bất thường đòi phế truất lãnh đạo công ty.

Cần những đợt “nổi loạn” của cổ đông nhỏ

Mới đây, tại hãng hàng không EasyJet ở Anh đã diễn ra một cuộc bỏ phiếu do cổ đông sáng lập đề xuất để “xóa sổ” hoàn toàn Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo hiện tại nhằm chấn chỉnh lại hoạt động của hãng, hủy bỏ toàn bộ đơn đặt hàng mua máy bay mới.

Cuối cùng, đợt bỏ phiếu thất bại trong việc loại bỏ Ban lãnh đạo Công ty, do phía bên kia vẫn nắm nhiều phiếu hơn, nhưng cho thấy một cơ chế bảo vệ nhà đầu tư nhỏ có thể được vận hành như thế nào. Ban lãnh đạo công ty làm việc thiếu thận trọng sẽ không dễ dàng được im lặng cho qua. Họ phải đối mặt với những đợt “nổi loạn” như vậy của cổ đông nhỏ.

Việc cổ đông sáng lập của EasyJet muốn mở một “trận chiến đại diện” (proxy fight) để lật đổ nhóm cổ đông lãnh đạo EasyJet hiện tại là một trong những công cụ có sẵn trong bộ công cụ quản trị thị trường hiện đại mà Việt Nam du nhập về.

Ở Việt Nam vẫn có rất ít cổ đông nhiệt huyết đứng ra mở những cuộc chiến trừng phạt doanh nghiệp gian lận. Theo bạn tôi, lý do là tại thị trường Việt Nam, số công ty “chơi” như vậy rất đông, cổ đông năm nào cũng than phiền nhưng rồi lại cam chịu. Họ “quen” rồi...    

Thế nhưng, ở Việt Nam vẫn có rất ít cổ đông nhiệt huyết đứng ra mở những cuộc chiến như vậy.

Một người quen của tôi lý giải, một phần là vì cơ cấu sở hữu ở Việt Nam tập trung trong tay những cổ đông lớn, vì vậy dù có mở trận chiến đại diện thì nhà đầu tư nhỏ cũng cầm chắc phần thua.

Nhưng quan trọng hơn, theo bạn tôi là tại thị trường Việt Nam, số công ty “chơi” như vậy rất đông, cổ đông năm nào cũng than phiền nhưng rồi lại cam chịu. Họ “quen” rồi.

Quan trọng nhất vẫn là chế tài

Một bạn khác của tôi làm trong ngành kiểm toán bổ sung lý do, đó là vấn đề chế tài, xử phạt. Nếu có sai sót trọng yếu thì rõ ràng là do công ty cố tình, hoặc năng lực kế toán yếu kém.

Ở nước ngoài, đã là công ty đại chúng mà như vậy thì sẽ bị phạt nặng, nhưng ở Việt Nam thì chưa có biện pháp chế tài hợp lý.

Việt Nam du nhập bộ công cụ của nước ngoài, áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về, nhưng lại không nhập cái khâu “chế tài” về.

Cứ sai sót trọng yếu, chậm nộp báo cáo mà cá nhân liên quan bị phạt nặng, cấm hành nghề, cấm lãnh đạo doanh nghiệp thì sẽ cải thiện được tình hình.

Bản thân Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) có hẳn một bộ phận chuyên đi ra soát báo cáo kế toán các công ty, viết báo cáo gọi là thư góp ý của SEC (SEC comment letters) về những vấn đề trong báo cáo thường niên của công ty, bao gồm tài chính và phi tài chính.

Nếu công ty không cải thiện, sẽ có nhiều biện pháp chế tài với mức độ khác nhau, từ khởi kiện tới đóng băng giao dịch.

Quay lại Việt Nam, vấn đề này nằm ở nguồn lực của cơ quan quản lý và khả năng thực thi giải pháp chế tài.

Đây là điểm nghẽn cố hữu ở nhiều lĩnh vực, không phải chỉ lĩnh vực chứng khoán. Một người làm lãnh đạo ngân hàng kể, có lần muốn phát mại tài sản thế chấp mà một năm vẫn chưa xong. Năng lực thực thi là điểm yếu của hệ thống hiện tại.

Khi dịch bệnh Covid-19 tàn phá nền kinh tế, nhiều công ty thua lỗ sẽ tìm cách lựa chọn những biện pháp kế toán ít thận trọng, thậm chí đạp qua lằn ranh đỏ để gian lận. Đó không chỉ là vấn đề của Việt Nam.

Nhưng vấn đề của Việt Nam là khi những trường hợp đó xảy ra, các cá nhân có liên quan liệu có bị chế tài nghiêm khắc, hay họ vẫn bình an ra đi, để lại khoản thua lỗ lớn cho cổ đông nhỏ. Lỗi này tại ai, chẳng lẽ đổ lỗi là tại cổ đông nhỏ thiếu hiểu biết?

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục