Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến thời điểm hiện tại vào khoảng 5,7%, tốc độ tăng trưởng là bình thường nhưng trong điều kiện mặt bằng giá đầu vào và đầu ra cao như hiện nay thì mức tăng trưởng này là quá thấp. Ví dụ, một công ty cà phê năm ngoái được cấp hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng mua được 400 tấn cà phê, năm nay, cũng với hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng, chỉ mua được 250 tấn cà phê. Như vậy, doanh thu giảm mạnh theo hạn mức mới, thị phần còn lại bị các công ty nước ngoài chiếm hết. Tình trạng này cũng phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác.
Tổng phương tiện thanh toán thời điểm hiện nay chỉ tăng khoảng 1% trong khi chỉ tiêu cả năm là 15-16%. Việc siết chặt cung tiền được thực hiện vào đầu quý I, II, thời điểm mà hầu hết các DN dốc sức làm hàng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, khiến nhiều DN gặp khó khăn lớn. Không ít DN trong công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng thậm chí phải tìm đến nguồn tín dụng chợ đen với lãi suất 4-5%/tháng để duy trì sản xuất, duy trì hợp đồng xuất khẩu và lực lượng lao động, chờ cơ hội tốt hơn để phục hồi. Thị trường tín dụng chợ đen đang gia tăng đồng nghĩa với việc khả năng huy động vốn của thị trường chính thức suy giảm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các DN hiện tại đang gặp khó khăn rất lớn trong khi các cơ hội của thị trường lại đang phục hồi tốt hơn năm ngoái. Câu hỏi đặt ra là: tại sao lại khan hiếm vốn như vậy?
Thứ nhất, việc khan hiếm không chỉ diễn ra ở khu vực DN mà ngay cả trong hệ thống ngân hàng, việc huy động tiền gửi cũng rất khó khăn: 4 tháng đầu năm 2011, tốc độ tăng tiền gửi không đáng kể, khoảng 1%, trong đó, chủ yếu là tăng lên ở tiền gửi ngoại tệ bất chấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ tăng lên và trần lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ thấp hơn nhiều so với mức cũ.
Các NHTM lớn cho rằng, do họ không điều chỉnh lãi suất kịp với mức cao của các NHTM cổ phần nên 4 tháng đầu năm, tổng số huy động của các NHTM lớn đã giảm trên dưới 50.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, tổng tiền gửi của các NHTM cổ phần cũng chỉ tăng lên khoảng 10.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng của các NHTM cổ phần như vậy là bình thường, không có gì đột biến. Điều này cho thấy, sự dịch chuyển từ khu vực này sang khu vực khác là không đáng kể mà chủ yếu là tốc độ tăng tiền gửi so với dự kiến đã giảm mạnh. Tiền thực sự đang khan hiếm.
Thứ hai, hiện tượng này diễn ra trong điều kiện TTCK suy giảm, thị trường bất động sản ngưng trệ, thị trường vàng và hối đoái không có những biến động lớn, cho thấy, có một sự điều chỉnh giữa tiết kiệm và tiêu dùng, đầu tư của dân cư và DN theo mặt bằng giá mới. Mặt bằng giá mới khiến tiêu dùng của dân cư tốn kém hơn và tiết kiệm giảm mạnh (ví dụ, một cân gạo trước có giá 7.000 đồng, giờ lên đến 20.000 đồng) dẫn đến đầu tư cũng bị hạn chế.
Ngoài ra, như trên đã nói, với tốc độ tăng của GDP thực 4 tháng đầu năm khoảng 2% (so với cuối năm 2010) nếu tính GDP danh nghĩa theo mặt bằng giá mới cũng cần đến một khối lượng tiền để lưu thông lớn hơn nhiều so với dự kiến. Vì vậy, hiện tượng khan hiếm vốn trong nền kinh tế càng trở nên trầm trọng hơn khi thực hiện thắt chặt tiền tệ. Đây có thể coi là hiệu ứng thắt chặt kép trong điều kiện hiện nay. Đồng nghĩa với việc sản lượng sẽ giảm mạnh, thất nghiệp sẽ tăng lên và nợ xấu cả trong khu vực DN và ngân hàng cũng sẽ tăng lên.
Thứ ba, lý do khiến cho việc thu hút tiền trở lại ngân hàng gặp khó khăn lớn là nhiều DN mặc dù có khả năng trả nợ ngân hàng nhưng không dám trả vì sợ sẽ không vay lại được hoặc vay lại ở mức thấp hơn về số lượng và cao hơn về lãi suất cũng khiến cho các ngân hàng gặp khó khăn lớn về thu hồi nợ cũ để cho vay mới. Hiện tượng này đang khá phổ biến ở các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ.
Đồng thời, trong điều kiện lãi suất cao như hiện nay, các NHTM có khuynh hướng đẩy mạnh cho vay vào khu vực quốc doanh có hiệu quả thấp nhưng an toàn hoặc các hoạt động đầu tư rủi ro lớn như bất động sản, buôn bán qua biên giới. Nhiều NHTM hiện đang mở rộng cho vay kể cả khu vực sản xuất và phi sản xuất nhưng đều phải thế chấp bằng bất động sản. Trong khi đó, chính sách của NHNN đang có khuynh hướng thắt chặt tín dụng bất động sản, khiến thị trường này thanh khoản thấp, không có khả năng phục hồi và sự yếu kém của thị trường bất động sản quay trở lại làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng tài sản của các NHTM, một hiệu ứng "gậy ông đập lưng ông" rất nguy hiểm.
Cùng lúc, chính sách thắt chặt tiền tệ cũng đang đẩy TTCK đến chỗ giảm sút mạnh. Điều này chứng tỏ khả năng huy động vốn dài hạn của DN giảm mạnh và điều này cũng dẫn đến suy giảm luồng vốn nước ngoài vào Việt
Để thoát ra khỏi tình trạng phức tạp hiện nay cần thực hiện năm điểm sau:
Một là, Chính phủ cần có chính sách thận trọng theo hướng phục hồi và duy trì hoạt động của hệ thống tài chính một cách lành mạnh. Trước hết tập trung duy trì thanh khoản của các NHTM trên cơ sở nguồn tái cấp vốn của NHNN và tăng huy động vốn từ dân cư. Để làm được điều này, NHNN nên lựa chọn thời điểm thích hợp khi lạm phát có chiều hướng giảm để dỡ bỏ trần lãi suất huy động VND. Đồng thời, bãi bỏ một số quy định về hạn mức tín dụng trong Thông tư 19, sử dụng hiệu quả hơn các công cụ của chính sách tiền tệ như nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất chiết khấu và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để ổn định bằng được lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Hai là, tiếp tục điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ nhằm tăng thêm lợi thế cho việc huy động tiền gửi VND và ổn định vững chắc hơn thị trường hối đoái. NHNN có thể mua thêm ngoại tệ dự trữ và tăng cung VND qua kênh này.
Ba là, rà soát lại các chỉ tiêu cung ứng tiền tệ và điều chỉnh lộ trình cung ứng tiền phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt là thời điểm cuối quý II đầu quý III. Tránh việc thắt chặt quá mức vào đầu năm và nới lỏng quá mức vào cuối năm.
Bốn là, trong điều kiện hiện nay, NHNN không nên đưa thêm các công cụ quản lý hành chính như trần lãi suất cho vay, tỷ lệ cho vay bất động sản. Các quy định này chẳng những không giải quyết được vấn đề mà có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, kém minh bạch hơn và khó kiểm soát hơn, nhất là khi DN và ngân hàng đang thiếu tin cậy vào các quy định của NHNN và tìm cách lách các quy định này.
Năm là, đối với khu vực DN, Chính phủ cần công bố công khai các chính sách, lộ trình và cách thức tháo gỡ khó khăn hiện nay của họ trong điều kiện cần tiếp tục kiểm soát lạm phát nhằm làm cho DN tin tưởng vào xu thế tích cực cả trong chính sách và thực tiễn thực thi chính sách, kể cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. Những khó khăn về vốn hiện tại của DN sẽ được khắc phục nhanh hơn nếu bản thân DN tin tưởng hơn vào khả năng thoát khỏi tình trạng phức tạp hiện nay của Chính phủ trong những tháng tới. Điều này giúp cho các DN nỗ lực duy trì sản xuất, khách hàng và lao động để có thể phục hồi nhanh khi lãi suất giảm.