Dồn sức cho xuất khẩu quý II/2024

0:00 / 0:00
0:00
Tạm gác lại kết quả xuất khẩu hàng hóa quý I/2024 với tín hiệu khởi sắc, các ngành hàng tiếp tục dồn sức cho đơn hàng quý II, chắt chiu từng cơ hội để tiến đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm nay.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khả quan trong quý I/2024. Ảnh: Đức Thanh Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khả quan trong quý I/2024. Ảnh: Đức Thanh

Kết quả tích cực, nhưng khó khăn vẫn hiện diện

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, đơn hàng xuất khẩu gia tăng, nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2024 khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Tổng kim ngạch xuất khẩu, theo số liệu được Bộ Công thương công bố, đạt hơn 93 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%), với 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nhiều hơn 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước..

Dấu hiệu tích cực là, trong quý I, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, trong đó, nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 8,46 tỷ USD, tăng 23,8%; nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 79,6 tỷ USD, tăng 17,5%; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đạt 1,13 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Đánh giá về kết quả xuất khẩu trong quý I, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhấn mạnh, sản xuất phục hồi khá tốt đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, một số thị trường xuất khẩu lớn đã có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái.

Theo Bộ Công thương, xu hướng các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh… sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…

Các chuyên gia thương mại lo ngại, xung đột địa chính trị và căng thẳng tại Biển Đỏ tạo cú hích mạnh mẽ cho xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam.

Nhiều mặt hàng đối mặt với tăng trưởng âm trong năm 2023 đang dần hồi phục rõ hơn. Quý I ghi nhận, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%; hàng dệt và may mặc tăng 7,9%; giầy dép các loại tăng 11,7%; sắt thép các loại tăng 32,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 9,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10,2%...

Nhưng, nhìn vào kết quả tăng trưởng chung và từng ngành hàng trong quý I vẫn chưa thể yên tâm, nhất là khi mức tăng trưởng này lại so với kết quả của quý I/2023, vốn ở mức khá thấp. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 chỉ bằng 88,1% so với quý I/2022 (đạt 79,2 tỷ USD). Bởi vậy, dù xuất khẩu quý I/2024 tăng thêm 13,46 tỷ USD, nhưng có thể thấy, sức mua toàn cầu hồi phục còn chậm.

Đơn cử, sản phẩm điện thoại và linh kiện quý I năm nay mang về 14,7 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng quý I năm ngoái, xuất khẩu điện thoại chỉ đạt 13 tỷ USD, giảm tới 15% so với quý I/2022. Rõ ràng, mức tăng trưởng xuất khẩu của điện thoại và linh kiện trong quý I năm nay chưa cho thấy sự bứt lên của sức mua từ thị trường toàn cầu, chưa kể, trong cả năm 2023, mặt hàng này còn tăng trưởng âm 8,3%.

Xuất khẩu đang tốt dần lên, nhưng theo các doanh nghiệp, lúc này, khó khăn vẫn hiện diện do tình hình địa chính trị tiếp tục bất ổn và khó đoán định.

Dệt may mang về 7,76 tỷ USD trong quý I/2023, tăng 7,9% so với cùng kỳ; xơ sợi đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12,1%, nhưng theo phản ánh của một số doanh nghiệp, đơn hàng cho quý II chưa nhiều, các nhà mua hàng vẫn cẩn trọng. Tổng cầu dệt may vẫn chưa hồi phục dẫn đến cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu dệt may và giữa các nhà xuất khẩu trong nước vô cùng gay gắt.

Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Vinatex phân tích, năm 2024, cước vận tải biển cao hơn giá nền năm 2023 so xung đột tại Biển Đỏ, xung đột địa chính trị vẫn tiếp diễn dai dẳng, có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy chi phí năng lượng tăng trở lại. Những điều này sẽ cản trở việc giảm lãi suất tại các thị trường nhập khẩu chính của dệt may Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tới sức mua...

Kim ngạch xuất khẩu mỗi quý phải đạt 94,6 tỷ USD

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta lần đầu tiên vượt mốc 730 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD, nhưng năm 2023, xuất khẩu giảm xuống mức 356 tỷ USD.

Năm nay, Bộ Công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6%, tương ứng kim ngạch xuất khẩu đạt 377 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi quý còn lại của năm phải đạt 94,67 tỷ USD - con số đầy thách thức.

Trong khi đó, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn duy trì ở mức độ thấp.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 dự kiến đạt 3,1% (tương đương mức tăng trưởng năm 2023), thương mại hàng hóa toàn cầu dự báo vẫn tăng trưởng khiêm tốn, có cải thiện, nhưng không nhiều. Còn theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tăng trưởng thương mại hàng hóa sẽ đạt 3,2% trong năm nay, lạm phát tại các nền kinh tế trên thế giới được kiểm soát và có xu hướng hạ dần so với năm 2023, nhưng vẫn ở mức cao…

Dù kết quả xuất khẩu quý I khả quan, nhưng Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thẳng thắn chỉ ra rằng, hoạt động xuất khẩu còn phụ thuộc một số thị trường chính, tiềm ẩn không ít rủi ro, đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vào xuất khẩu còn hạn chế.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó, vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn, như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững, nhiều thị trường gia tăng bảo hộ, hạn chế thương mại.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục